Vì sao quận Thanh Xuân liên tiếp đề nghị cấp điện cho dự án 317 Trường Chinh?
Cập nhật lúc: 19/08/2020, 08:00
Cập nhật lúc: 19/08/2020, 08:00
Lời tòa soạn:
Năm 2018, vụ cháy chung cư Carina Plaza tại quận 8 (TP.HCM) khiến 13 người tử vong đã để lại nỗi đau và sự ám ảnh trong dư luận cũng như rất nhiều người dân sống ở chung cư. Sự việc này giống như một hồi chuông cảnh báo cho việc không đầu tư một cách nghiêm túc và bài bản cho hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư cao tầng và coi thường tính mạng cư dân của các chủ đầu tư.
Tại Hà Nội, đầu năm 2019, cơ quan chức năng thành phố đã tổ chức kiểm tra hơn 1.500 cơ sở, qua đó phát hiện 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn. Đáng chú ý, trong danh sách này có nhiều công trình chung cư, nhà cao tầng đã hoàn thiện và bàn giao cho người dân vào sinh sống.
Câu chuyện về mất an toàn trong PCCC ở chung cư đã không còn là câu chuyện mới nhưng bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng và báo chí, truyền thông, nhiều chủ đâu tư vẫn xây dựng dự án theo kiểu "đem con bỏ chợ", chỉ xây dựng các tòa nhà mà không hoàn thiện hệ thống PCCC. Những dự án này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đe dọa sự an toàn của hàng nghìn cư dân trong mỗi tòa nhà.
Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua khảo sát, tìm hiểu một số dự án chung cư còn tồn tại những vi phạm, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Bài học về việc đảm bảo PCCC chung cư nhìn từ dự án 317 Trường Chinh mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.
Mặc dù dự án 317 Trường Chinh chưa được nghiệm thu về PCCC và công trình tòa nhà chung cư 24 tầng chưa đủ điều kiện đưa vào hoạt động, thế nhưng Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Xây dựng Tân Hồng Hà (Công ty Tân Hồng Hà) vẫn ngang nhiên cho nhiều hộ dân vào ở và một số doanh nghiệp thuê văn phòng làm việc.
Nguy hiểm hơn, bên trong công trình chung cư 24 tầng còn tổ chức kinh doanh siêu thị, nhà hàng ăn uống tập trung đông người. Tại khu vực hầm tòa nhà, Công ty Tân Hồng Hà kinh doanh dịch vụ trông giữ xe cho khách bên ngoài tòa nhà với số lượng lên tới hàng trăm xe máy. Điều này khiến nhiều người dân trên địa bàn lo ngại bởi những loại hình kinh doanh trên đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Điều khó hiểu là trong suốt khoảng thời gian dài gần 9 tháng, công trình này vẫn được cấp điện, cấp nước bình thường và không có sự can thiệp của các đơn vị liên quan. Lo ngại nguy cơ xảy ra cháy nổ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, Công ty TNHH Hợp tác và Đầu tư Bất động sản Linh Anh (Công ty Linh Anh, đơn vị ký Hợp đồng mua bán các căn hộ của tòa chung cư 24 tầng với Công ty Tân Hồng Hà) liên tiếp gửi đơn đến các cơ quan chức năng, trong đó có Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty Điện lực Đống Đa.
Chiều ngày 3/8/2020, tại trụ sở của Công ty Điện lực Đống Đa, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cùng phía Công ty Điện lực Đống Đa đã có buổi làm việc với Công ty Linh Anh. Phía Công ty Điện lực Đống Đa cho rằng, việc ký hợp đồng cung cấp điện với Công ty Tân Hồng Hà là đúng thẩm quyền và quy định. Việc cấp điện căn cứ theo văn bản đề nghị của UBND quận Thanh Xuân, mục đích cấp điện là để Công ty Tân Hồng Hà hoàn thiện các hạng mục nghiệm thu PCCC.
UBND quận Thanh Xuân cho biết, hiện tòa nhà 317 Trường Chinh có 133 căn hộ, trong đó một số căn hộ đã có cư dân vào ở.
Theo hồ sơ PV có được, gần đây nhất là ngày 7/8/2020, ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã ký ban hành văn bản số 1182/UBND-VP đề nghị cấp điện để tiếp tục duy trì và thi công bổ sung, nghiệm thu PCCC tại dự án 317 Trường Chinh.
Tại văn bản trên, UBND quận Thanh Xuân cho biết, hiện tòa nhà 317 Trường Chinh được chủ đầu tư thi công xây dựng đúng với giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp. Tòa nhà có 133 căn hộ, trong đó một số căn hộ đã có cư dân vào ở. Trong thời gian tới, UBND quận Thanh Xuân sẽ có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) - Bộ Công an tiến hành kiểm tra, nghiệm thu công tác PCCC tại dự án.
“UBND quận kính đề nghị Công ty Điện lực Đống Đa xem xét tiếp tục cấp điện để duy trì hạng mục PCCC, phục vụ công tác nghiệm thu PCCC và đảm bảo an ninh trật tự tại dự án 317 Trường Chinh”, văn bản của UBND quận Thanh Xuân nêu rõ.
Căn cứ vào công văn trên, Công ty Tân Hồng Hà đã liên hệ đến Công ty Điện lực Đống Đa để tiếp tục ký hợp đồng cung cấp điện phục vụ công tác nghiệm thu PCCC tại dự án. Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Vũ Xuân Lai - Giám đốc Công ty Tân Hồng Hà thừa nhận: “Công ty Tân Hồng Hà đã hoàn thiện tất cả các hạng mục về kỹ thuật. Hiện, hệ thống PCCC ở tòa nhà này đang được chủ đầu tư duy trì và vận hành trơn tru”.
Ngoài ra, ông Vũ Xuân Lai cũng công khai trên báo chí, hiện có khoảng 70 căn hộ đang có người ở. Quá trình ghi nhận cho thấy, một siêu thị và cơ sở kinh doanh khác vẫn hoạt động bình thường. Liệu rằng UBND quận Thanh Xuân và cá nhân ông Đặng Hồng Thái có nắm bắt được vấn đề tồn tại không, hay vị lãnh đạo này đang "tiếp tay" cho sai phạm của Công ty Tân Hồng Hà. Trong khi trước đó vào tháng 10/2019, chính ông Thái là người đã ra kết luận và buộc Công ty Tân Hồng Hà phải di dời người dân ra khỏi công trình, chấm dứt mọi hoạt động trước ngày 5/11/2019.
Bên cạnh đó, tại biên bản làm việc với Cục Cảnh sát PCCC & CNCH ngày 26/01/2020, đại diện UBND quận Thanh Xuân cũng đề nghị Cục dừng việc xem xét nghiệm thu PCCC vì chưa xác định được tư cách của Công ty Tân Hồng Hà.
Không hiểu UBND quận Thanh Xuân căn cứ vào đâu mà vẫn có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Đống Đa tiếp tục ký hợp đồng cung cấp điện để phục vụ công tác nghiệm thu PCCC? Điều đáng nói, chính UBND quận Thanh Xuân cũng thừa nhận việc công trình chưa được nghiệm thu PCCC mà đã đưa các hộ dân vào ở, nhưng lại không có biện pháp quyết liệt, triệt để nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trên.
Từ việc Công ty Tân Hồng Hà coi thường chính ý kiến chỉ đạo của UBND quận Thanh Xuân do ông Thái phụ trách và ngang nhiên hoạt động rầm rộ hơn sau khi UBND quận chỉ đạo đình chỉ, thì động cơ nào đã khiến ông Thái thay đổi thái độ, tiếp tục đề nghị Công ty Điện lực Đống Đa cấp điện cho dự án 317 Trường Chinh? Trong khi, vị lãnh đạo này chắc hẳn biết rõ các cơ quan quản lý Nhà nước đang ráo riết chỉ đạo Công ty Tân Hồng Hà phải chấm dứt hành vi vi phạm, truyền thông và dư luận xã hội liên tục cảnh báo về việc coi thường mạng sống của cư dân tại dự án.
Cũng theo tìm hiểu của PV, hiện dự án còn một phần đất đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vì thế chưa thể thi công đường dẫn chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật.
Trước những bất thường nêu trên, ông Phạm Xuân Đức - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Dự án quốc tế (Công ty ICC), đơn vị được UBND TP. Hà Nội giao làm chủ đầu tư dự án 317 Trường Chinh cho biết, kể từ khi thanh lý Hợp đồng ủy quyền số 01/2015-HĐUQ ngày 15/9/2017 đến nay (tháng 8/2020), Công ty ICC không có bất kỳ ủy quyền nào cho Công ty Tân Hồng Hà (nhà thầu thi công). Đến thời điểm này, Công ty ICC không hề có văn bản nào đề nghị Công ty Điện lực Đống Đa thanh lý Hợp đồng mua bán điện đã ký, mà chỉ có văn bản yêu cầu Công ty Điện lực Đống Đa cắt điện tại dự án 317 Trường Chinh.
“Nếu Công ty Điện lực Đống Đa đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán điện với Công ty ICC và ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Tân Hồng Hà là bất chấp pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, đại diện Công ty ICC cho hay.
Công ty ICC cũng cung cấp văn bản thể hiện, ngày 24/8/2018, Công ty Điện lực Đống Đa có văn bản 2514/PC DONGDA PKD đề nghị thanh lý hợp đồng mua bán điện và quyền quản lý trạm điện 2.000KW với Công ty ICC tại dự án 317 Trường Chinh, để ký với Công ty Tân Hồng Hà theo 2 văn bản đề nghị của công ty này. Ngày 27/12/2018, Công ty ICC đã có văn bản phúc đáp Công ty Điện lực Đống Đa, phản đối đề nghị trên của Công ty Tân Hồng Hà. Tuy nhiên trên thực tế, Công ty Điện lực Đống Đa vẫn ký hợp đồng cung cấp điện với Công ty Tân Hồng Hà nhưng có dấu hiệu bị sử dụng sai mục đích hoàn thành các hạng mục PCCC.
Ai phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra cháy nổ?
Rõ ràng, dự án 317 Trường Chinh hiện chưa được cơ quan cảnh sát PCCC nghiệm thu đủ điều kiện về PCCC nhưng đã có nhiều hộ dân vào ở. Việc này tồn tại trong khoảng thời gian dài nhưng vẫn qua mắt được chính quyền địa phương là UBND quận Thanh Xuân và UBND phường Khương Trung.
Điều đáng ngạc nhiên là trước đó vào ngày 14/10/2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tân Hồng Hà, mức xử phạt 80.000.000 đồng. Hành vi vi phạm là “Đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC”.
Đồng thời quyết định nêu rõ, chậm nhất là 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định xử phạt, Công ty Tân Hồng Hà phải khắc phục và chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Hai ngày sau (tức ngày 16/10/2019), Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH - Công an TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 69/QĐTĐC-PC07 về việc tạm đình chỉ hoạt động đối với công trình trên.
Đến ngày 28/10/2019, Công an TP. Hà Nội gửi Công văn số 8335/CAHN-PC07 đến Công ty Điện lực Đống Đa, nội dung về việc không cấp điện sử dụng đối với công trình vi phạm quy định về PCCC tại 317 Trường Chinh.
Không hiểu vì uẩn khúc gì mà chính quyền sở tại liên tiếp đề nghị cấp điện để Công ty Tân Hồng Hà hoàn thiện PCCC, nhưng vẫn “bình chân như vại” để các hộ dân vào ở suốt một thời gian dài trong tòa nhà 24 tầng?
Có thể thấy, TP. Hà Nội đã rất quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại dự án 317 Trường Chinh. Thế nhưng, không hiểu vì uẩn khúc gì mà chính quyền sở tại vẫn “bình chân như vại”, để các hộ dân vào ở suốt một thời gian dài trong tòa nhà 24 tầng không đảm bảo PCCC. Đây liệu có phải là câu chuyện “trên nóng, dưới lạnh” mà thời gian qua Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vẫn thường nhắc đến?
Không những thế, các vấn đề này cũng đã nhiều lần được đề cập trên nghị trường Quốc hội. Từng có đại biểu đặt câu hỏi: Tại sao các công trình chưa nghiệm thu, trong đó có PCCC, nhưng đã được đưa vào sử dụng? Hay như, một số vi phạm đã phát hiện nhưng xử lý không nghiêm dẫn tới việc chủ thể liên quan có biểu hiện “nhờn luật”. Trong trường hợp xảy ra cháy nổ tại dự án 317 Trường Chinh và gây thiệt hại về con người, tài sản, chắc chắn chính quyền địa phương ở đây là UBND quận Thanh Xuân và UBND phường Khương Trung, Công ty Tân Hồng Hà cùng các bên liên quan không thể chối bỏ trách nhiệm.
Các chuyên gia pháp lý nhận định, trước hết, trách nhiệm để xảy ra vi phạm về công tác PCCC ở công trình dự án 317 Trường Chinh thuộc về Công ty Tân Hồng Hà khi mà doanh nghiệp này đã bất chấp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách hàng. Đồng thời, cũng cần xem xét việc có hay không sự nương nhẹ, tiếp tay, bỏ qua hoặc không quyết liệt trong việc buộc phải hoàn thiện hệ thống PCCC và được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt rồi mới đưa vào sử dụng?
Thiết nghĩ, để bảo đảm tính mạng, tài sản và sự an toàn của người dân cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, đã đến lúc các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội cần có những biện pháp quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn việc người dân vào ở trong tòa chung cư 24 tầng tại địa chỉ 317 Trường Chinh.
Công ty Cổ phần Viwaco chưa ký kết hợp đồng dịch vụ cấp nước Cơ quan - Doanh nghiệp với chủ đầu tư để cấp nước lâu dài ổn định cho dự án, vì công trình vẫn chưa có văn bản nghiệm thu PCCC được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Công ty Cổ phần Viwaco chỉ xem xét cấp nước tạm (thời gian tối đa không quá 5 ngày/lần) phục vụ công tác nghiệm thu PCCC của dự án mỗi khi chủ đầu tư có văn bản đề nghị cấp nước.
Được biết, trong tòa nhà hiện nay đã có nhiều người dân chuyển đến sinh sống, tuy nhiên quá trình nghiệm thu PCCC đối với tòa nhà diễn ra quá lâu. Vì vậy, Công ty Cổ phần Viwaco đề nghị các cơ quan trên xem xét, hướng dẫn Công ty Cổ phần Wiwaco trong việc cấp nước cho dự án nói trên.
Ông Nguyễn Hữu Tới - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Viwaco
Từ tháng 7/2018 đến nay đã có đến 43 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, bằng 86,4% của 4 năm trước. Câu hỏi đặt ra là có phải chúng ta phát triển “nóng” quá hay là do trách nhiệm của các cơ quan liên quan? Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi đọc chưa thấy có lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý và hầu hết các vụ đều rất ít khởi tố, xử lý rất nhẹ, xử lý không tương xứng với các đám cháy.
Việc chúng ta truy cứu trách nhiệm các cơ sở sản xuất để xảy ra cháy, của các cá nhân, đơn vị để xảy ra cháy là hoàn toàn đúng nhưng cần siết chặt hơn. Không thể để cán bộ lãnh đạo địa phương, kể cả tập thể hay cá nhân lại không có trách nhiệm gì khi xảy ra những vụ cháy lớn, nghiêm trọng trên địa bàn.
Nguyên nhân cháy nổ thì trước hết là do con người, tiếp đó là do thiên nhiên; thiên nhiên thì không thể truy cứu trách nhiệm được, còn con người thì dù là vô tình hay cố ý thì đều phải truy cứu trách nhiệm. Do vậy phải xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, các cán bộ, lãnh đạo địa phương, các ngành để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng trên địa bàn.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội
(Phát biểu trên nghị trường Quốc hội tại phiên thảo luận về báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018” sáng 13/11/2019)
Sáng 13/11/2019, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”, đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đặt một loạt câu hỏi: Tại sao lại có tình trạng này? Là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về PCCC? Điều gì sẽ xảy ra nếu có hoả hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ?
Trước thực trạng nhiều công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC, đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này, đặc biệt với các chung cư, nhà cao tầng khi đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện PCCC theo quy định.
Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về PCCC!
Sáng 8/7/2020, tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2020 và biểu dương các điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đề nghị, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH tiếp tục tham mưu, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch trong công tác PCCC; phối hợp với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Khoa học hình sự, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp triển khai sớm các hồ sơ, thủ tục để báo cáo Hội đồng Thẩm phán tối cao hướng dẫn, quy định cụ thể Khoản 4 Điều 313 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về PCCC.
“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về PCCC, trong đó sơ kết, rút kinh nghiệm liên quan đến những vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản. Coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính, củng cố các lực lượng với phương châm “4 tại chỗ”; đánh giá lại việc thành lập các Đội PCCC cấp huyện có chuyên tâm, đạt hiệu quả”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
11:18, 03/09/2019
22:29, 23/08/2019
20:53, 13/08/2019