19/01/2025 | 12:11 GMT+7, Hà Nội

Vì sao doanh nghiệp đưa giống gạo ngon nhất thế giới lên trồng ở độ cao 1.500m?

Cập nhật lúc: 13/09/2021, 06:08

Loại gạo ngon nhất thế giới ST25 được một doanh nghiệp ở TP. Đà Nẵng đưa giống lên huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum gieo trồng.

Doanh nghiệp hy vọng độ cao, chất đất, nguồn nước sạch, khí hậu ôn hòa và đôi bàn tay lao động cần cù của người bản địa sẽ cho ra loại gạo có giá trị cao trên thị trường hiện nay.  

Chủ sở hữu giống lúa ST25 do nhóm chuyên viên nông nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng gồm: Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo, chọn lọc và khảo nghiệm từ năm 2014. Cuối năm 2019, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lần đầu tổ chức cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam" để tuyển chọn loại gạo ngon đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi World's Best Rice. Gạo ST25 được xếp hạng Nhất, theo đánh giá cơm gạo ST25 dẻo, màu sắc đẹp, đặc biệt có mùi hương cốm và thích hợp với nhiều món ăn Việt Nam và người tiêu dùng quốc tế.

Mô hình trồng giống lúa gạo ST25 ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển.
Mô hình trồng giống lúa gạo ST25 ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Ảnh: Đại Ngàn.

Đầu năm 2021, một doanh nghiệp ở TP. Đà Nẵng đã phối hợp với UBND xã Ngọk Lây và Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông đưa giống lúa ST25 trồng thử nghiệm trên diện tích 2ha. Nhiều người dân hai xã đã nhận giống lúa này về canh tác trên cánh đồng lúa của gia đình. Hiện các diện tích lúa đều phát triển tốt, hạt đều đặn, nông dân trồng theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch. 

Người dân gieo trồng giống lúa gạo ngon nhất thế giới trên đồng ruộng.
Người dân gieo trồng giống lúa gạo ngon nhất thế giới trên đồng ruộng. Ảnh: Đại Ngàn.

Ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Ngọk Lây - cho biết, khoảng 1 tháng nữa, người dân sẽ tiến hành thu hoạch giống lúa ST25. Doanh nghiệp đã tiến hành lấy mẫu đất, nước về phân tích và các chỉ số đều đảm bảo chất lượng. Những ruộng lúa của người đồng bào Xê Đăng được canh tác từ lâu đời, đặc biệt người bản địa không có thói quen dùng thuốc trừ sâu hay phân bón cho ruộng lúa của mình. Vì thế chất đất sạch, không ô nhiễm và nguồn nước thì trong vắt, được các già làng, trưởng bản dẫn từ núi cao chảy về.

Một góc cánh đồng lúa tuyệt đẹp ở xã Ngọk Lây.
Một góc cánh đồng lúa tuyệt đẹp ở xã Ngọk Lây. Ảnh: Đại Ngàn.

Được biết, với giống lúa gạo ngon nhất thế giới, nếu trồng ở những vùng có môi trường sạch, khi bán ra thị trường sẽ có giá cao hơn gấp nhiều lần so với những nơi khác. Thực tế ở vùng đồng bằng, nơi mà người nông dân đã cánh tác nông nghiệp qua thời gian dài, sử dụng nhiều loại phân bón, thuốc trừ sâu, nếu muốn cải tạo thành đất sạch thì rất khó và mất thời gian phải ít nhất từ 2-3 năm. 

Cận cảnh giống lúa ST25.
Cận cảnh giống lúa ST25. Ảnh: Đại Ngàn.

Ông Bùi Văn Viên - Chủ tịch UBND xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương, người dân trồng thử nghiệm giống lúa này, nếu đạt kết quả tốt thì sẽ nhân rộng ra trên diện tích quy mô lớn. Xã vận động và thông tin cho người dân biết về giống lúa ST25 cho ra loại gạo ngon nhất thế giới và có giá trị cao trên thị trường. Cán bộ giải thích cho bà con hiểu, khi trồng lúa ST25 thì lúc thu hoạch một tạ thóc ST25 có giá trị bằng 10 tạ thóc của giống gạo thường, nhằm khuyến khích bà con chuyển đổi giống lúa mới". 

Một rẫy lúa sạch của người Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông.
Một rẫy lúa sạch của người Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Đại Ngàn.

Huyện vùng núi Tu Mơ Rông nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, dưới chân dãy núi Ngọc Linh. Nơi đây nổi tiếng với loại sâm Ngọc Linh được xem là Bảo vật Quốc gia với nhiều hoạt chất Saponin có giá trị đối với sức khỏe con người. Việc doanh nghiệp đưa lên non cao gieo trồng giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, người dân hy vọng sẽ trồng và phát triển rộng trên nhiều diện tích, giúp mang lại cuộc sống ấm no cho người dân vùng núi. Vừa giúp họ có hướng đi thoát nghèo bền vững, đồng thời cung cấp cho thị trường một loại gạo đặc biệt danh tiếng, chất lượng hảo hạng. 
 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/dua-giong-gao-ngon-nhat-the-gioi-len-trong-o-do-cao-1500m-20201231000003485.html