20/01/2025 | 18:14 GMT+7, Hà Nội

Vì sao đa số người dân “chọn” cách tính điện một giá?

Cập nhật lúc: 10/07/2020, 15:30

Mặc dù hai phương án tính giá điện (cách tính một giá và bậc thang) mới đang được Bộ Công thương nghiên cứu nhưng đa số người dân hướng đến phương án tính điện một giá.

Hai phương án tính giá điện đang được Bộ Công thương nghiên cứu. Theo đó, người dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính một giá hoặc phương án tính giá điện bán lẻ theo biểu giá bậc thang sửa đổi (rút gọn từ 6 xuống còn 5 bậc).

Với phương án tính điện một giá thì người dùng điện sinh hoạt đều được tính theo một đơn giá, với đơn giá được xây dựng dựa trên giá điện bình quân là 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Người dùng điện chọn phương án giá điện nào thì sẽ được ngành điện áp dụng phương án đó, cho tới khi có biểu giá mới.

Mặc dù các phương án tính giá điện bán lẻ mới đang được Bộ Công thương nghiên cứu và chuẩn bị trình Thủ tướng, tuy nhiên, đa số người dân đều hướng đến phương án tính điện một giá. Bởi theo các ý kiến, cách tính giá điện bậc thang như hiện nay là dùng càng nhiều thì trả tiền càng nhiều.

Mặc dù hai phương án tính giá điện (cách tính một giá và bậc thang) mới đang được Bộ Công thương nghiên cứu nhưng đa số người dân hướng đến phương án tính điện một giá.

Điều này là hoàn toàn đi ngược với xu hướng kinh tế thị trường hiện nay là mua càng nhiều thì giá càng giảm. Thậm chí là có giá sỉ cho người dùng nhiều (mua nhiều). Vì vậy, giá điện cứ "quy" về một giá vừa dễ tính, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch và sòng phẳng.

Anh Nguyễn Sơn Tùng (34 tuổi, ở Liễu Giai, Ba Đình) thẳng thắn: "Tôi đồng ý với cách tính điện một giá. Làm kinh doanh hay hộ gia đình, giàu hay nghèo thì tính tiền điện cũng đều sòng phẳng. Ai dùng nhiều trả nhiều và dùng ít thì trả ít. Bởi nếu tính theo cách tính giá điện bậc thang hiện nay thì người nghèo có dùng đến 50 kWh (số) thì cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 20.000 đồng. Trong khi đó, điều kiện sống của một gia đình ở mức trung bình hiện nay cũng cần phải có những vật dụng thiết yếu tủ lạnh, ti vi, điều hòa… mà sử dụng những vật dụng thiết yếu này thì lại mất đến hàng triệu tiền điện mỗi tháng".

Đồng tình với quan điểm của anh Tùng, chị Nguyễn Thị Hương Giang (37 tuổi, ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho rằng: "Nếu người dùng không có khả năng chi trả nhiều thì hãy dùng ít đi, tiết kiệm theo khả năng chi trả. Còn cách tính điện theo biểu giá bậc thang thì dễ gây cho người dùng hiểu rằng, ngành điện đang nhập nhằng, gây khó hiểu và nhiều kẽ hở. Mà điển hình là thời gian qua, đã có quá nhiều vụ hóa đơn điện bỗng dưng tăng đột biến đến 300%".

Chị Giang cho rằng, với cách tính điện 1 giá thì sẽ hạn chế được tính toán sai, đơn giản và người dân dễ kiểm soát. Riêng với các đối tượng nghèo thì ngành điện lực nên có chính sách giảm riêng như giảm trực tiếp trên hóa đơn với những hộ có Giấy xác nhận hộ nghèo, cận nghèo. Như vậy, ngành điện vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng mà không bỏ lại người nghèo và không "kéo tuột" nhu cầu điện của đa số người dân.

Là doanh nghiệp sản xuất, nên mức dùng điện hàng tháng tại công xưởng của chị Châu (ở Nam Từ Liêm) rất cao. Vì vậy, chị Châu hoàn toàn ủng hộ cách tính điện một giá mà Bộ Công thương đang nghiên cứu.

Chị Châu cho biết, tính điện một giá với khối doanh nghiệp, bao gồm ngành sản xuất, công xưởng, cao ốc, văn phòng… thì chắc chắn, "nhóm" này sẽ được hưởng lợi. Bởi khi chi phí điện thấp thì hàng hóa sản xuất ra sẽ giảm bớt 1 khoản phí, giảm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Hơn nữa, nếu doanh nghiệp "ăn nên làm ra" thì mới tạo việc làm cho người lao động, đời sống công nhân lao động nâng cao, đời sống xã hội phát triển…