23/11/2024 | 00:11 GMT+7, Hà Nội

Véo tai, tát học sinh trên lớp: Cách nào để “trị” giáo viên lạm quyền?

Cập nhật lúc: 13/10/2019, 08:00

Lại thêm một vụ việc giáo viên có hành vi véo tai, tát học sinh trên lớp học, lần này camera “giấu kín” đã khiến nữ giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) chỉ biết thừa nhận hành vi của mình.

"Mắt thần" chỉ là một giải pháp

Vào tháng 5 vừa qua, dư luận cả nước hết sức phẫn nộ sau khi xem một đoạn clip ghi tại lớp học 2A7, trường Tiểu học Quán Toan (Tp. Hải Phòng) cho thấy cảnh hai giáo viên liên tục có hành vi đánh, tát hàng loạt học sinh trong lớp học. Hai giáo viên tham gia đánh học sinh đã chịu hình thức kỷ luật: người khiển trách, người bị thôi việc. Mới đây, đoạn clip một giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM) có hành vi đánh học sinh như: véo tai, tát học sinh trong 4 ngày liền, bị camera "giấu kín" ghi lại.

Sau hàng loạt vụ việc xảy ra trong thời gian qua, nhiều phụ huynh có con học mầm non, tiểu học bày tỏ mong muốn lớp học của con tại trường công lập cũng được lắp đặt camera để giám sát, ngăn chặn bạo lực học đường, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Thậm chí, sẵn sàng chi tiền để tổ chức lắp đặt, duy trì hệ thống camera nếu được nhà trường cho phép.

Tuy nhiên, với nhiều giáo viên lại tỏ ra không đồng tình với cách này vì cho rằng có cảm giác mất tự nhiên, thiếu tin tưởng từ phụ huynh, lãnh đạo nhà trường. Kết quả khảo sát hồi tháng 5/2018 tại TP.HCM cho thấy, có đến 52% giáo viên được hỏi không đồng tình, cho rằng việc làm này xâm phạm sự riêng tư của học sinh với giáo viên.

Giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) véo tai học sinh trong lớp học.

Đánh giá về việc lắp đặt camera tại trường học, lớp học hiện nay, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội khoa học tâm lý - giáo dục Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều trường học ở thành phố lắp đặt camera trong nhà trường, nhất là đối với bậc mầm non, tiểu học. Ưu điểm của việc này giúp nhà trường công khai chất lượng giảng dạy, giám sát cùng phụ huynh.

"Tuy nhiên, lắp camera trong lớp học cũng nảy sinh ra điểm hạn chế đó là nếu như phụ huynh chưa hiểu về phương pháp giáo dục mà chỉ nhìn qua màn hình thôi sẽ dẫn đến hiểu lầm, can thiệp vào chuyên môn, kiện cáo… Làm việc trong điều kiện giám sát, giáo viên sẽ bị áp lực, công việc khắc nghiệt. Do đó, cần sự đồng thuận của cả giáo viên, lẫn phụ huynh trước khi lắp đặt" - TS. Lâm chia sẻ.

Cách nào để chấm dứt bạo hành học sinh?

Trong khi vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong việc có nên hay không nên lắp đặt camera giám sát trong lớp học mầm non, tiểu học. Bởi trên thực tế cho thấy đây là một hình thức giám sát mang tính hai mặt. Bên cạnh đó vẫn có thể có kẽ hở để giáo viên thô bạo bằng lời nói, hành động với học sinh như che khuất tầm nhìn, ở vị trí không có camera. Cách hiệu quả nhất chính là công tác quản lý từ nhà trường, nhận thức của đội ngũ giáo viên…

Dù cảm thông cho áp lực của giáo viên với lớp học đông, bệnh thành tích vẫn còn phổ biến… Tuy nhiên, GS. VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chỉ ngày xa xưa mới có chuyện ông đồ đánh học trò bằng đòn roi. Ngày nay có hiện tượng này dù không nhiều, nhưng cho thấy tư tưởng lệch lạc của một bộ phận giáo viên, khi cho rằng điều này là tốt cho học sinh, do áp lực thành tích.

"Cả nước có hơn 1 triệu giáo viên, với số lượng đông như vậy cũng khó tránh khỏi có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Do đó, cần phải sàng lọc, loại bớt những giáo viên không tâm huyết, không xứng đáng làm giáo viên, hãy đi làm công việc khác. Nhà giáo ngoài dạy kiến thức, còn dạy học sinh cách làm người sống nhân văn. 

Bộ GD&ĐT cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong ngành về những hành vi nhà giáo không được làm. Các trường sư phạm xem lại hướng đào tạo, phải đào tạo ra những giáo viên giỏi chuyên môn, tâm huyết với học sinh" - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay.

Liên quan tới hàng loạt vụ việc một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật. 

Đầu năm học 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT cũng có chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo hành học sinh.