23/11/2024 | 07:41 GMT+7, Hà Nội

Về miền Tây coi bình minh chợ nổi

Cập nhật lúc: 07/08/2018, 15:07

Từ lâu, chợ nổi đã là một nét văn hóa đặc trưng của miền Tây. Trên hầu khắp các con sông ở vùng đất này người ta đều có thể bắt gặp cảnh thuyền ghe tấp nập bán mua.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nét văn hóa đó vẫn không hề phai nhạt. Ngày qua ngày, sông vẫn chảy và chợ vẫn mọc lên vào mỗi bình minh...

Chợ ngã ba sông

Là một phân lưu của con sông huyền thoại Cửu Long, dòng Cổ Chiên lặng lẽ chảy qua các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre. Không chỉ cung cấp phù sa và nước ngọt cho một dải đồng bằng rộng lớn, mà Cổ Chiên còn mang trên mình biết bao câu chuyện lịch sử và những giá trị văn hoá của các cộng đồng dân cư sống dọc hai triền sông.

Theo sử sách ghi lại thì Vĩnh Long - nơi dòng Cổ Chiên chạy ngang qua - thời Nguyễn là nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử mở cõi về đất phương Nam. Nơi đây còn lưu lại nhiều di tích như thành Long Hồ (xây dựng năm 1813), Văn thánh miếu, Thất phủ miếu, chùa Giác Thiên. Nhưng có lẽ, dấu ấn khó phai đậm nhất đối với mỗi người khi ngang qua vùng đất ven sông này có lẽ là chợ nổi Quới An. Chợ thường được họp vào sáng thứ Ba hàng tuần tại xã Quới An, Vũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long, nơi sông Cổ Chiên hợp lưu với sông Măng Thít trước khi đổ nước ra biển Đông.

Việc hình thành nên chợ Quới An được người dân kể lại như thể đó là do “ông Xanh” run rủi. Giữa những năm 90 của thể kỉ trước, có một ghe chở khô cá từ Sông Đốc (Cà Mau) đi TP. Hồ Chí Minh. Gần đến ngã ba sông, vào đúng ngày thứ Ba trong tuần, chiếc ghe hư máy phải nằm lại chờ sửa.

Tình thế bất khả kháng khiến người khách thương hồ (chỉ người buôn bán trên vùng sông nước - PV) không thể giao hàng đúng hẹn, mà số khô cá cũng cần phải bảo quản cẩn thận nếu không muốn bị hư hao trong lúc chờ sửa ghe, khách thương hồ đành thuê người bốc toàn bộ số khô đó lên đất trống bày bán. Khô Cà Mau vốn có tiếng là ngon nên chả mấy chốc người quanh xã đã xúm xít vào mua hết.

Về miền Tây coi bình minh chợ nổi

Để kịp đưa hàng lên chợ, nhiều người phải dong thuyền đi từ 2-3 giờ sáng

Là thương thuyền rày đây mai đó và vốn nhạy bén, vị khách thương hồ đến Cà Mau nhận ra khu vực này tuy nhỏ nhưng sức mua rất lớn, có thể chọn nơi này làm điểm giao thương lý tưởng. Vậy là thứ Ba tuần sau, ghe của anh ta lại chở mắm, khô lên đây bán.

Dần dần, các thương lái khác từ miệt biển cũng truyền nhau cùng hẹn về họp chợ. Rồi đến những người buôn bán nông cụ, tạp hoá cũng đưa hàng về vào ngày thứ ba. Không định mà thành, Quới An trở thành điểm giao thương sầm uất với nhiều mặt hàng đa dạng, có thông lệ họp chợ vào ngày thứ ba hàng tuần.

Do Quới An là một xã vùng sâu, nằm bên trong Quốc lộ 53, nên muốn đến chợ phiên này, người ta chỉ có thể đi bằng hai cách: Đi đường bộ theo Tỉnh lộ 90, hoặc đi đường thủy theo dòng Cổ Chiên vào. Khi đến ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa hai dòng Cổ Chiên và Mang Thít, đó sẽ là chợ nổi Quới An. Người dân ở đây luôn tự hào rằng, chợ của xã mình tuy nhỏ nhưng mua bán trật tự, nề nếp và rất phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, trao đổi hàng hoá của người nông dân.

Gần gũi, thân thiện và chất phác

Dù mưa hay nắng thì cứ đến thứ ba là chợ họp, từ khi thành lập năm 1997 đến nay chưa gián đoạn ngày nào, bất kể ngày mưa hay nắng. Cứ trời vừa hửng sáng là từ các ngả đường quê người mua, kẻ bán nườm nượp kéo về dự chợ. Chợ thường chỉ họp từ lúc 5 giờ sáng và đến khoảng 9 giờ là tan.

Những thương thuyền nơi xa muốn về kịp chợ thì phải đi từ lúc 1-2 giờ sáng. Ngoài hàng chục ghe thuyền tứ xứ cập bến đưa hàng lên chợ, còn có đội quân xe ba gác, xe máy chở hàng bằng đường bộ tập kết hàng về qua phà Mang Thít khiến cho không gian chợ đầy náo nhiệt.

Giày dép, rổ rá, băng đĩa, truyện tranh, quần áo, đồ trang trí, mỹ phẩm…. được bày la liệt trên những tấm bạt lớn trải ngay trên nền đất. Bạn hàng đon đả chào mời và không ngớt miệng rao quảng bá sản phẩm của mình. Giọng nói của người trăm miền xen lẫn vào nhau không tạo cảm giác chói gắt mà có chút gì đó thật thân thiện, chất phác.

“Đĩa nhựa vừa đẹp vừa bền đây. Không có tiền vẫn có quyền vào lựa nào…”, rồi “ Dao Long Xuyên ba ngàn một cây, mua năm cây không bớt cây nào…” hay “Khô cá ngát 18.000/ký, khô cá kìm 14.000/ký… mua ngay kẻo phí… mua đi… mua đi…”, tiếng rao hàng rổn rảng vang lên khắp chợ. Hàng ai nấy rao, tuyệt nhiên không câu kéo khách hay cự cãi, chê bai hàng bên cạnh.

Dù giá rẻ nhưng sản phầm đều là hàng có chất lượng, phù hợp với túi tiền và thị hiếu tiêu dùng của người nông dân vùng sông nước bởi đó là những mặt hàng được sản xuất theo mô hình kinh tế hộ hoặc các xưởng nhỏ lẻ với quan niệm lấy công làm lãi. Dù không phải là những thương hiệu nổi tiếng nhưng đó cũng là một cách đưa hàng Việt Nam có chất lượng tốt đến với những “thượng đế” nghèo.

Chủ xưởng may Quyết Tiến ở TP. Hồ Chí Minh từng hỉ hả nói với tôi rằng, cách quảng cáo của các thương lái bán dạo khắp các chợ còn hiệu quả hơn những clip quảng cáo tiền triệu trên truyền hình. Giúp ông đưa được những mặt hàng tốt đến với bà con và lời lãi đủ để duy trì xưởng may gần 30 nhân công của gia đình.

Về miền Tây coi bình minh chợ nổi

Một góc chợ Cổ Chiên

Luật bất thành văn ở chợ phiên Quới An là “không bán hàng dỏm, không buôn gian bán lận, không nói thách và không mua giành bán giựt”. Người Bến Tre thường bán mắm Châu Đốc, thương lái Cà Mau chủ xị ngành khô cá, những người Hoa ở Tiền Giang, Vĩnh Long thường bán tạp phẩm, giày dép. Bà con Khơ me Trà Vinh thì mang đến chợ cốm đẹp… “Dựa vào nhau mà sống”, đó là nguyên tắc được tất cả mọi thương lái về họp chở phiên thứ ba tôn trọng như thể đó là cách để cùng tồn tại và buôn bán.

Phần lớn những thương lái ở chợ đều có chung suy nghĩ rằng chợ thứ ba là nơi người buôn bán khắp nơi đổ về nên cần phải biết nhìn trước sau để tất cả đều có thể thuận lợi kinh doanh. Lại thêm chợ chỉ họp một lần nên không được bán hàng dởm khiến khách hàng bị thiệt và dẫn đến tẩy chay, không đến chợ. Có lẽ chính nhờ nét “văn hoá chợ” đầy nhân văn và giản dị này đã giúp cho chợ tồn tại lâu bền, giá hàng tuy thấp hơn nơi khác chút đỉnh như bù lại bà con bán được nhiều hàng hơn gấp bội.

Không nói thách, không gian lận

Dù ngày càng phát triển, ngày càng thu hút thêm người bán, người mua nhưng chợ phiên Quới An có nét văn hóa đáng quý là không nói thách; dù khách đến hỏi nhưng không mua hàng thì người bán vẫn hay giữ được nụ cười thân thiện. Điều đáng khen nữa là dù chật hẹp, đông người qua lại nhưng chợ Quới An vẫn giữ được an ninh trật tự, không có nạn móc túi, xe gắn máy của khách cứ để tự nhiên không cần bãi giữ...

Mùi vị đậm nhất mà bất cứ khách lạ nào cũng cảm nhận được khi đến chợ Quới An là mùi khô cá rất dậy hương. Đây là mặt hàng chủ yếu của chợ. Từ những loại khô đắt tiền khô tôm, khô cá trích, cá khoai, cá đuối, cá lưỡi trâu hay những thứ vừa tầm như khô cá kìm, cá quạ, cá hú, cá lù đù… Rồi còn có nguyên một dãy chỉ để bán khô mắm lóc, mắm sặc, mắm cá chốt, mắm cá cơm… Dù là khách bình dân hay người có cuộc sống đủ đầy muốn loại gì cũng được đáp ứng. Khách mua sỉ để đem đi giao mối hay khách mua lẻ cũng khó tìm được nơi nào có giá rẻ hơn ở chợ này.

Chính vì có lợi thế về giá cả nên chợ Quới An có sức thu hút rất lớn đối với khách hàng, bởi họ có thể yên tâm mua không cần kì nèo mà cũng không sợ hố. Tuy vậy, với khách mua nhiều, người bán cũng thường bớt chút đỉnh gọi là có chút “lộc” làm ăn. Chị Thạnh Thị Liêm, người Tiền Giang thường đưa cây giống về đây bán nhẩm tính rằng, mỗi buổi hàng ở chợ phiên thứ ba giúp chị tiêu thụ được ít nhất bảy sịa cây, gấp đôi so với các chợ khác. Mỗi sịa chứa 300 hom cây cũng giúp chị thu lãi vài trăm ngàn mỗi buổi.

Người đi chợ thì ưng ý nhất ở chỗ, dẫu có lựa tới lựa lui mà không tìm được món đồ mình muốn, chủ hàng cũng không hề phàn nàn hay nói mát mẻ‎. Đi chợ dẫu không mua gì cũng thấy rất vui vì quang cảnh lúc nào cũng tập nập, tràn ngập sắc màu hàng hoá. Rồi đến chợ cũng là có dịp gặp lại những bạn bè nơi xa, chỉ đến thứ Ba mới về chợ ăn hàng.

Phiên chợ nào rồi cũng đến hồi tan, loáng đã thấy bà con lục đục thu hàng, cất từng bao về ghe thuyền hay chất lên ba gác chở đi. Bà con sở tại lẫn những người tham gia họp chợ đều có quyền tự hào về ngôi chợ của mình bởi chính nét văn hoá ứng xử đặc thù của chợ và cộng đồng chợ: Không buôn bán gian lận, cư xử có văn hoá giữa người mua kẻ bán… Chính quyền xã An Quới đang có dự định xây dựng nơi đây trở thành chợ đầu mối trong vùng để từ đó tạo điều kiện cho chợ phiên thứ Ba ngày càng phát đạt và phát huy được văn hoá truyền thống giao thương hiếm có ở vùng sông nước nông thôn này.