22/11/2024 | 21:05 GMT+7, Hà Nội

Làng hoa miền Tây rộn ràng đón mùa hoa Tết

Cập nhật lúc: 12/12/2017, 09:32

Chỉ 3 tuần nữa là Tết Tây và hơn 11 tuần là đến Tết Nguyên Đán. Trong không khí rộn ràng, náo nức của những ngày cuối năm cũng là lúc những làng hoa miền Tây rục rịch vào mùa.

Chớp mắt một cái, Tết đã đến gần trước ngõ…

Từ đầu trên xóm dưới, nhà nào cũng rộp bóng cờ đỏ, tường cũ rêu mốc cha chú hồ hởi cùng nhau sơn phết. Đường phố bất chợt vắng hoe, nhộn nhịp nhất chỉ 3 nơi: chợ, bến xe và nhà. Mà ngộ lắm, ai ra đường cũng vội vội vàng vàng, sợ chần chừ thêm chút nữa, thời khắc quan trọng sẽ vụt mất đi đâu. Chẳng nắng gay gắt cũng chẳng mưa rào, mùa này chỉ lãng đãng không gian bàng bạc, rạo rực tươi mới như má hồng của thiếu nữ xuân thì. Cảm giác nôn nao quen thuộc lắm. Hình như Tết đang đến rất gần.

Người ta mong Tết, mong dịp nghỉ lễ dài nhất, mong ngày sum vầy, đoàn tụ. Riêng người dân làng hoa mong chờ vụ thu hoạch lớn nhất trong năm. Cả năm ròng cần mẫn vun trồng cũng chỉ để chờ đợi bấy nhiêu.

Làng hoa Tân Quy Đông – Sa Đéc, Đồng Tháp

Sa Đéc ăn Tết sớm lắm, cứ tầm này nhà nhà ở Tân Quy Đông lại nhộn nhịp ra vườn chăm bón hoa. Đầu trên xóm dưới tất bật để làm sao hàng chục loại hoa kiểng phải đồng loạt hé nụ vào tầm 15 - 22 tháng Chạp cho thương lái kịp chở đi phân phối. Làng hoa có tuổi đời hơn trăm năm nay, thậm chí, diện tích rộng đến mức, nơi đây được mệnh danh là “thành phố hoa” chỉ sau Đà Lạt.

Làng hoa miền Tây rộn ràng đón mùa hoa Tết

Hoa ở Sa Đéc chủ yếu là vạn thọ, dạ yến thảo, thược dược, mãn đình hồng, cúc…

Hoa ở Sa Đéc chủ yếu là vạn thọ, dạ yến thảo, thược dược, mãn đình hồng, cúc…

Tiếng lành đồn xa, cứ những ngày cận kề năm mới, Sa Đéc lại rộng vòng tay chào đón khách phương xa. Thậm chí, những ngày cao điểm, khoảng 20 tháng chạp, lượng khách tham quan còn áp đảo số địa phương. Tết ở vùng đất này cũng vì thế mà nôn nao rạo rực hơn những nơi khác từ những ngày cuối năm.

Như thành thông lệ, ngoài thời gian chăm bẵm vụ hoa tết, nhiều nhà vườn còn chủ động giăng đèn, kết cổng hoa, dựng rạp tạm, tổ chức giữ xe… để khách thoải mái đến tham quan. Vậy mà bấy nhiêu năm nay, người dân trao nhau nụ cười chứ có bao giờ thu phí!

Người dân Sa Đéc hào sản, mùa hoa năm nào cũng nhiệt tình chào đón khách phương xa.

Người dân Sa Đéc hào sản, mùa hoa năm nào cũng nhiệt tình chào đón khách phương xa.

Làng mai Phước Định - Vĩnh Long

“Sát vách” xứ hoa Sa Đéc, là làng mai Phước Định (Vĩnh Long) nức tiếng lục tỉnh Nam kì. Nhiều người còn ví von: dân nơi đây để “vàng” tiền triệu tiền tỉ ngoài sân vườn, mà chỉ có đại gia mới dám rớ. Trong tổng số 160 hộ trồng mai vàng tại đây thì có trên 550 gốc mai cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm với giá từ 100 triệu đến hàng tỷ đồng. 

Mai trồng càng lâu càng quý, nên nếu không bán được mùa này, người dân lại mang về chăm dưỡng, đợi tiếp mùa sau.

Mai trồng càng lâu càng quý, nên nếu không bán được mùa này, người dân lại mang về chăm dưỡng, đợi tiếp mùa sau.

Trồng mai đã khó, chăm sóc uốn nắn lắm kì công nhưng cốt yếu làm sao phải cho mai nở đúng, nở đẹp ngay đầu năm mới. Nhưng đâu phải thời tiết lúc nào cũng “chìu lòng” người dân làng mai. Vài trận mưa trái mùa hay sương muối dồn dập là chưa đến 20 tháng Chạp, mai đã “bung lụa” từ sớm. Nên luận thời tiết mà xê xích rằm tháng Chạp người dân bắt đầu tuốt lá để đến lúc tiễn Táo quân về trời, đã biết được năm đó mai được mùa hay thất thu.

Mà người trồng mai càng lâu, càng có “máu nghệ sĩ”. Ví như gốc nào rực rỡ quá lại mang cất trong nhà như sợ bán đi hết tài lộc, hay có thất mùa cũng quyết không bán đổ bán tháo để về chăm dưỡng, đợi tiếp mùa sau.

Nếu năm nào thời tiết lạnh, người dân làng mai lại tất bật ủ ấm gốc để mai kịp ra hoa đúng ngày.

Nếu năm nào thời tiết lạnh, người dân làng mai lại tất bật ủ ấm gốc để mai kịp ra hoa đúng ngày.

Làng hoa Cái Mơn, Bến Tre

Những ngày này, đến với vùng đất Cái Mơn vốn nổi tiếng với sầu riêng ngon nức tiếng, câu chuyện rôm rả nhất là về lứa hoa kiểng rục rịch vào mùa: chuyện chọn giống, bón phân, chậu/ giỏ, đến chuyện uốn nắn sao uyển chuyển, mượt mà để hàng chục loại như: hạnh, quýt, hoa giấy, ổi, sung, khế, cau, trúc bách hợp… kịp đẹp vào đúng dịp 30 – Mùng 1.

Từ những ngày này, vườn hoa kiểng đã bắt đầu nhộn nhịp

Từ những ngày này, vườn hoa kiểng đã bắt đầu nhộn nhịp "chạy nước rút".

Như Tân Quy Đông (Sa Đéc) chuyên về hoa chậu, hoa cắm bình, thì những nghệ nhân của xứ Cái Mơn lại miệt mài dùng đôi bàn tay khéo léo uốn nặn thân thành hình dáng đẹp, nâng giá trị cây. Hễ năm nào là hình con giáp ấy lên ngôi, nhưng cứ rồng phượng, hươu, nai… cầu may mắn, thịnh vượng, thì bất kể lúc nào cũng được ưa chuộng.

Để rồi từ những ngày này, thương lái đã bắt đầu “dòm ngó” đặt mua, để chờ sau mùng 10 tháng Chạp bắt đầu chở đi bán. Cứ thấy cảnh nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền”, í ới giục nhau chuyển hàng hóa làm háo hức cả một khúc sông quê… đấy cũng là lúc người dân Cái Mơn bắt đầu thấy Tết về trước ngõ.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, hoa kiểng như được

Dưới đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, hoa kiểng như được "lột xác".

Làng hoa Thới Nhựt, Cần Thơ

Vốn không nức tiếng gần xa như làng hoa Sa Đéc hay làng mai Cái Mơn, nhưng khách đến vùng đất Tây Đô – trung tâm của miền Tây Nam Bộ sẽ thiếu sót nếu bỏ qua làng hoa Thới Nhựt. Tuổi đời làng hoa cũng ngót nghét trăm năm, kinh nghiệm trồng hoa của những nông dân kiên quyết bám nghề cũng truyền tận 3 thế hệ.

Trồng hoa cũng cực nhọc chẳng thua, trồng lúa, nuôi cá; nhưng phần nhiều phụ thuộc vào tiết trời. Năm nào trời thương, mưa thuận gió hòa, Tết cũng rực rỡ như mùa hoa, riêng năm nào thất bát, hoa còn nhiều trên luống, mắt ai nấy cũng đau đáu đâm chiêu. Rút kinh nghiệm cho những mùa sau, người dân Thới Nhựt “thức thời” mang về những giống hoa ngoại:  cúc Indonesia, vạn thọ Pháp, xương rồng Thái… làm đẹp cho thị trường hoa Tết, vừa để củng cố “hầu bao”, vừa vững tin bám trụ cùng nghề.

Cần mẫn suốt 1 năm ròng, đến những ngày này, người dân miền Tây chỉ mong mưa thuận gió hòa để mùa hoa rực rỡ đúng dịp đầu năm mới.

Cần mẫn suốt 1 năm ròng, đến những ngày này, người dân miền Tây chỉ mong mưa thuận gió hòa để mùa hoa rực rỡ đúng dịp đầu năm mới.

Ảnh: Internet.