Vào hè, Hà Nội gia tăng số người mắc sốt xuất huyết
Cập nhật lúc: 23/05/2017, 20:03
Cập nhật lúc: 23/05/2017, 20:03
Thống kê của TTYT Dự phòng Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 669 người mắc sốt xuất huyết, tăng so cùng kỳ năm 2016. Số mắc tập trung chủ yếu ở quận, huyện như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân...
Theo thống kê của TTYT quận Hoàng Mai, tính đến ngày 17/5, trên địa bàn quận ghi nhận 143 bệnh nhân sốt xuất huyết, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2016. Số ổ dịch được xác định là 36 tăng 22 ổ dịch, hiện còn 15 ổ dịch đang hoạt động; 94% ổ dịch là 1-2 bệnh nhân. Số bệnh nhân có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 5, đặc biệt trong 2 tuần gần đây ghi nhận 27 bệnh nhân sốt xuất huyết.
Được xác định là dịch bệnh lưu hành và việc chủ động phòng chống dịch bệnh được thực hiện hàng năm nhưng số trường hợp mắc sốt xuất huyết vẫn không ngừng gia tăng, đặc biệt là trong tuần từ ngày 8-14/5 đã ghi nhận 79 trường hợp mắc, tăng 46 trường hợp so với tuần trước đó.
Nguyên nhân được ngành y tế chỉ ra là tại một số địa phương đã chậm chễ trong việc điều tra ca bệnh đầu tiên của ổ dịch, khoanh vùng ổ dịch không đủ phạm vi, không có danh sách hộ gia đình trong ổ dịch, tỷ lệ hộ gia đình tham gia vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành còn thấp...
Từ những tồn tại này, ngày 16/5/2017, ngành y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết để dịch bệnh không bùng phát trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh nỗ lực của TTYT Dự phòng thành phố, TTYT các quận, huyện trong tuyên truyền, giám sát và xử lý dịch, chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để chủ động phòng chống dịch, Sở Y tế yêu cầu các TTYT quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng y tế tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn ban hành nghị quyết chuyên đề về phòng chống dịch sốt xuất huyết, đề cao vai trò của các đồng chí bí thư chi bộ và tổ trưởng tổ dân phố.
Tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để tuyên truyền trực tiếp cho người dân về tình hình dịch tại khu vực đang sinh sống và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch để người dân chủ động phòng chống. Thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu; áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy: thả cá, thau rửa dụng cụ chứa nước...
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền và tổ chức khám sàng lọc, phát hiện kịp thời, điều trị tích cực cho người bệnh sốt xuất huyết.
Để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy (như bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như chai, lọ…) để muỗi không vào đẻ trứng.
Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng, bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.
Hằng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh tử vong.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn.
Chính vì vậy, việc tham gia tích cực của người dân vào các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng
Theo vnexpress nữ sinh (19 tuổi, Học viện Ngân hàng HN) có dấu hiệu sốt và điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, kết quả xét nghiệm xác định mắc sốt xuất huyết Dengue, loại huyết thanh virus type 1.
Sau khi bệnh nhân tử vong, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế quận Đống Đa cùng phường Trung Liệt đã tiến hành điều tra côn trùng, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; Phun hóa chất; Truyền thông bằng loa truyền thanh di động tại khu vực bệnh nhân thuê trọ.
Khu vực trọ của nạn nhân tại phường Trung Liệt đã được Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội phun hóa chất diện rộng và thực hiện vệ sinh môi trường diệt bọ gậy quy mô rộng. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã yêu cầu giám sát chặt chẽ tại khu vực ổ dịch để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tư vấn chăm sóc và điều trị, tránh xảy ra tử vong tại cộng đồng.
02:21, 14/07/2017
04:23, 13/06/2017
18:48, 12/06/2017
07:21, 02/05/2016
21:11, 17/10/2015