18/01/2025 | 18:05 GMT+7, Hà Nội

Vành đai 3 có đang "mệt mỏi"?

Cập nhật lúc: 10/11/2017, 22:30

Câu chuyện ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường xuyên tâm, hướng tâm vẫn là câu chuyên nan giải của Hà Nội suốt nhiều năm nay. Giới chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân là do thi công ồ ạt các công trình giao thông tại một số nút giao lớn và xây dựng quá nhanh các dự án cao tầng, đô thị.

UBND TP. Hà Nội mới đây đã phê duyệt đồ án thiết kế đô thị hai bên đường Vành đai 3, tỷ lệ 1/500, đoạn đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển. Theo đó, chiều dài tuyến đường nghiên cứu khoảng 4,22km từ nút giao Trung Hòa (Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến) đến cuối đường Nguyễn Xiển (nút giao Nguyễn Xiển và Tôn Thất Tùng kéo dài). Tổng diện tích đất lập thiết kế đô thị khoảng 61,68ha.

Trong đó, đối với khu vực nút Trung Hòa và đoạn đường Khuất Duy Tiến có hoạt động chủ đạo là văn phòng và nhà ở, hạn chế hoạt động, dịch vụ sử dụng trực tiếp nút giao Trung Hòa. Đối với nút Thanh Xuân khuyến khích hoạt động chủ đạo thương mại hỗn hợp, kết hợp khai thác lợi thế các ga đường sắt đô thị tại khu vực. Đối với đoạn đường Nguyễn Xiển khuyến khích các hoạt động về nhà ở. Hạn chế khai thác sử dụng trực tiếp từ công trình ra tuyến đường để giảm tải cho tuyến giao thông vành đai 3.

Theo tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan thì chiều cao công trình xây dựng hai bên đường được quản lý theo mặt đứng chung, tạo hiệu quả thẩm mỹ, đồng bộ tránh tình trạng lộn xộn do các dự án đơn lẻ như hiện nay. Các lớp công trình thấp tầng chủ yếu là nhà ở liền kề tổ chức theo một lớp tầng cao thống nhất, đặc trưng phát triển theo vùng, diện với tầng cao đặc trưng là 5-6 tầng trên cơ sở hài hòa với khu vực nhà ở và một số công trình thấp tầng hiện có.

Cụ thể, đối với nút Trung Hòa (giao giữa đường Khuất Duy Tiến và Trần Duy Hưng), đặc trưng không gian là phát triển theo cụm công trình cao tầng tương phản và xen cài với các không gian mở xung quanh.

Điểm nhấn là tổ hợp cụm công trình cao tầng phía Đông Nam đường Trần Duy Hưng và Đại lộ Thăng Long (40-50 tầng), tương phản với các không gian mở được tạo ra bởi khu vực Trung Tâm hội nghị Quốc gia và xung quanh. Tầng cao các công trình tại khu vực này phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị H2-2, thiết kế đô thị, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn đồng thời phải tuân thủ Quy chế quản lý kiến trúc xây dựng khu vực xung quanh Trung tâm hội nghị Quốc gia.

Đoạn tuyến Khuất Duy Tiến được đặc trưng bởi các công trình phát triển theo tuyến. Các công trình cao tầng với tầng cao đặc trưng từ 25-30 tầng.

Đối với nút Thanh Xuân được thiết kế với đặc trưng không gian phát triển theo cụm công trình cao tầng, trong đó công trình điểm nhấn cao 45-50 tầng nằm tại phía Đông Bắc nút giao và tháp đôi tại cụm công trình nút giao khu vực Đông Nam, các công trình còn lại cao 26-30 tầng. Các công trình tại đây phải được tổ chức đồng bộ, phối hợp giữa các công trình tại khu đất riêng lẻ, khuyến khích hợp khối công trình tạo thành khối đế liên hoàn khoảng 6 tầng, phía trên là các tòa tháp với nhịp điệu về tầng cao giữa các công trình theo góc nhìn từ các hướng đường Vành đai 3 và đường Nguyễn Trãi.

Đoạn tuyến Nguyễn Xiển được đặc trưng bởi các công trình cao tầng cao trung bình 25-30 tầng.

Đối với nút Tôn Thất Tùng kéo dài có công trình điểm nhấn cao 35 tầng, các công trình xung quanh trung bình 20 tầng; cụm trụ sở Tòa Án, VKSND TP cao 5-7 tầng kết hợp các khoảng lùi, không gian sân vườn để tạo không gian mở cho nút giao thông.

Đối với các công trình nhờ ở riêng lẻ, nhà liền kề và các công trình thấp tầng khác quản lý tầng cao tối đa đặc trung là 6 tầng, quan lý tầng cao đồng đều theo từng khu vực đồng thời tạo nên nhịp điệu trên từng đoạn phố. Những công trình đã xây dựng quá 6 tầng, khi có nhu cầu cải tạo, xây dựng mới không được tăng chiều cao và khuyến khích đảm bảo tầng cao đúng 6 tầng.

 Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển

Tương lai sẽ có một khu đô thị trên đoạn đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển (Nguồn ảnh:CafeF)

Với đồ án thiết kế đô thị này có thể thấy phần nào Hà Nội đặt niềm tin giảm áp lực giao thông cho đường vành đai 3. Tuy nhiên, nhìn nhận về thiết kế và vị trí của các bản quy hoạch thì dường như các khu đô thị này sớm muộn cũng tạo thêm áp lực giao thông. Bởi vì kể từ khi đường vành đai 3 được đưa vào sử dụng thì những nút giao thông cắt hay đi qua đô thị vốn đã quá tải, áp lực này đang ngày một nghiêm trọng hơn.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn nhận từ thực tế hiện nay hầu hết các trục giao thông, các đường quốc lộ kết nối với khu vực xung quanh Hà Nội đều phải đi qua đường vành đai 3 sau đó kết nối đi các hướng khác. Thế nên cứ vào những ngày cuối tuần, nghỉ lễ tết khi dòng người đổ về Hà Nội thì vành đai 3 lại “nghẽn mạng”.

Các kỹ sư thiết kế nhận định rằng về nguyên tắc đường cao tốc, càng ít lối ra vào, càng ít tiếp xúc với đường nhánh thì càng cho hiệu quả cho tốc độ lưu thông xe cộ. Song vành đai 3 được coi là tuyến đường xuyên tâm nội đô với những điểm lên xuống rất gần các nút giao lớn như khu vực ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển, Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long. Với quá nhiều điểm mở, giao cắt đường bên dưới, vành đai 3 đã vô tình tạo cho mình những nút thắt cổ chai trở thành điểm nóng ùn tắc giao thông.

Không những vậy, ngay sát các nút giao thông đô thị, mật độ phương tiện đổ ra từ các tuyến đường nằm gọn trong khu dân cư chức năng khiến áp lực giao thông lên đường vành đai 3 càng tăng lên. Ví dụ như nút giao Pháp Vân – Giải Phóng, nó vừa mang chức năng kết nối giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam lại vừa mang tính chất của giao thông đô thị nên tại nút giao thông này ngày bình thường đã thường xuyên xảy ra ách tắc.

Chưa hết, những dự án bám trục vành đai 3 đang mở bán rầm rộ thời gian qua như các khu chung cư An Bình City, Mỹ Đình Peal, Rivera Park, Gelexia Riverside... càng góp phần tăng thêm dân số hai bên đường vành đai, gia tăng sức ép lên hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, trong bản quy hoạch đô thị này có nội dung đối với các khu tập thể thuộc phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam sẽ căn cứ theo quy hoạch phân khu để cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Trong khi vào cuối năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã hoàn tất việc giao doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ có chiều cao từ 2-6 tầng, bao gồm hai khu tập thể trên.

Nếu theo dự án cải tạo chung cư cũ thì có thể những tòa nhà cao 10-20 tầng cũng sẽ tiếp tục được mọc lên, cư dân cũ, cư dân mới sẽ thành bài toán dân số mà Hà Nội khó có thể giải quyết được.

Thiết nghĩ, câu chuyện ùn tắc giao thông của Hà Nội từ lâu đã được coi như “chuyện đã rồi”. Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều phương án nhưng đến nay có thể nói là chưa được thành công bởi cái gốc của vấn đề không phải là mở rộng không gian giao thông, mà là giảm bớt lưu lượng lưu thông trên đường phố.

Từ đó nhiều người đã đặt câu hỏi rằng liệu một đô thị đặt gần ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển phải chăng đã phù hợp?

Bởi vậy mới có quan điểm rằng dù Hà Nội có tốn nhiều tiền để làm thêm bao nhiêu con đường nhưng nếu tốc độ gia tăng dân số không được “hãm lại”, không kìm chế được hạ tầng, cao ốc trong nội đô thì tương lai áp lực không chỉ vành đai 3, mà còn những vành đai khác cũng chịu chung số phận.