22/11/2024 | 03:50 GMT+7, Hà Nội

Vàng tăng phi mã giữa tâm dịch, bất động sản còn là kênh đầu tư hấp dẫn?

Cập nhật lúc: 07/08/2020, 06:00

Theo các chuyên gia trong thời điểm hiện nay, thị trường xuất hiện nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn, trong đó đáng chú ý là vàng, tuy nhiên các chuyên gia vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội trong lĩnh vực bất động sản.

Nhà đầu tư đã thay đổi khẩu vị

Tại tọa đàm "Bất động sản trong vòng xoáy bất định: Xoay chuyển và thích nghi", các chuyên gia cho biết thị trường vốn đã gặp nhiều khó khăn từ 2019 lại có thêm cú sốc từ Covid-19 nên bị đẩy vào tình thế “nội công, ngoại kích”. Theo đó, nhà đầu tư khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm bất động sản để rót vốn. Liệu bất động sản có còn là kênh đầu tư hấp dẫn so với vàng hay chứng khoán?

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ, hiện cả nhà đầu tư và người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro. Khi đại dịch xuất hiện, họ trở nên thận trọng hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tiền mặt được coi là “vua” nên việc xuống tiền họ sẽ trở nên đắn đo hơn.

Trong khi đó, ông Lực thấy rằng, khung pháp lý cho bất động sản vẫn cực kỳ chậm. Ví dụ như mảng Condotel, 4 năm rồi vẫn chưa có khung pháp lý hoàn thiện. Thêm nữa, bất động sản đang phải đối mặt với những thách thức đến từ các kênh đầu tư khác.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng

Theo ông Lực, trong thời điểm hiện nay, xuất hiện nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn bất động sản, trong đó đáng chú ý là kênh đầu tư vào vàng. Từ đầu năm tới giờ, vàng thế giới tăng 27%, trong khi tại Việt Nam, giá kim loại quý cũng đã tăng tới 29%.

“Dù vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy cơ hội ở ba lĩnh vực liên quan đến bất động sản”, chuyên gia Cấn Văn Lực đặt vấn đề.

Thứ nhất là cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp nhờ việc dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Thứ hai là logistics, trong một báo cáo mới ra, Savills đánh giá Việt Nam là một trong ba thị trường hấp dẫn nhất châu Á về logistics. Thứ ba là nhu cầu về nhà ở với mức giá phải chăng hơn vẫn rất cao.

Ông Lực chia sẻ: “Trong cương vị nhà đầu tư, rót tiền vào đâu tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro. Có những nhà đầu tư sợ rủi ro, như thời cha ông ta chẳng hạn, tiền tiết kiệm vẫn là kênh ưa thích. Còn nếu không thích rủi ro, chia tiền ra mỗi chỗ một ít. Còn với những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, sẽ có lựa chọn đầu tư riêng.

Phương châm của tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư là nên đa dạng hóa và rủi ro một chút. Nhiều nhà đầu tư thích lướt sóng và dùng đòn bẩy khá lớn, thậm chí vay cả tín dụng đen, khi thị trường đi xuống, chắc chắn sẽ phá sản, lỗ vốn. Hiện có khá nhiều kênh đầu tư hấp dẫn song bất động sản luôn là kênh đầu tư trung và dài hạn”.

Ông Lực cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư gần đây hỏi, từ khi Chính phủ có Nghị định 24, vàng đã qua thời kỳ lướt sóng. Nhưng nhiều nhà đầu tư hiện nay vẫn sẵn sàng xuống tiền vào vàng.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán luôn là kênh hấp dẫn. Tuy nhiên kênh này đòi hỏi phải theo dõi thị trường chặt chẽ, phải động não suy nghĩ. Và theo ông Lực, ước tính khoảng 60,65% tiền của nhà đầu tư vẫn vào tiết kiệm. Kỳ vọng lạm phát 4% với lãi suất 6%, như vậy vẫn có lợi suất dương.

Hiện có khá nhiều kênh đầu tư hấp dẫn song bất động sản luôn là kênh đầu tư trung và dài hạn.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn cơ hội?

Nhận định về dòng vốn của nhà đầu tư và những cơ hội cho các phân khúc, sản phẩm của thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng nhà đầu tư không nên sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính, đặc biệt khi thị trường biến động quá khác thường như hiện nay.

Với bất động sản, ông Đình lưu ý về yếu tố sinh lợi. Đó là bất động sản luôn tăng giá, mức độ tăng theo số liệu nghiên cứu trong nhiều năm, dao động từ 5 - 7%/năm, rõ ràng có gì đó hơn gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, họ có thể khai thác bất động sản đó để cho thuê, vì vậy luôn có cơ hội để có nguồn thu. Đương nhiên bất động sản cũng có rủi ro, cái gì có lợi nhuận tốt hơn cũng có rủi ro cao hơn.

Hiện tại, thị trường vẫn có nhiều sản phẩm tốt ở vị trí đắc địa, nhà ở vị trí đắc địa luôn có khả năng tăng giá cao, vị trí ở các khu vực tốt. Ngoài ra, đất nền tại nhiều địa phương có tốc độ phát triển kinh tế mạnh, giá đang nằm ngưỡng thấp chứ chưa phải giá đô thị hóa, nó sẽ trở thành giá đô thị hóa khi địa phương đó hoàn thành hạ tầng. Thứ nữa, bất động sản nghỉ dưỡng cũng đáng quan tâm dù rằng hiện tại đang có một số trục trặc.

Bất động sản nghỉ dưỡng có tiềm năng cao nhất về khả năng sinh lợi.

“Theo tôi bất động sản nghỉ dưỡng có tiềm năng cao nhất về khả năng sinh lợi. Chúng ta nằm trong một đất nước có khả năng phát triển tốt năng lực cạnh tranh du lịch. Giá bất động sản du lịch Việt Nam hiện vẫn ở ngưỡng thấp so với tiềm năng phát triển”, ông Đính nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Đinh Thế Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land cho hay: “Như ông Đính đã chia sẻ bất động sản trung bình sẽ tăng 5,7% trong 1 năm và các dự án ở vị trí đắc địa có thể tăng cao hơn chứ không có chuyện chu kỳ đầu năm tăng, cuối năm giảm nên nhà đầu tư không nên chờ nửa năm sẽ xuống giá mà quan trọng nhất vẫn là nhu cầu của chính nhà đầu tư. Trong thời điểm này, tôi cho rằng đầu tư rất phù hợp bởi trong giai đoạn khó khăn thì các chủ đầu tư và nhà môi giới bất động sản đều đưa rất nhiều ưu đãi”.

Ông Quỳnh cũng cho rằng, việc mua bất động sản ở thời điểm nào thì bản thân nhà đầu tư phải xác định nhu cầu của mình: Trung hạn, ngắn hạn, dài hạn cũng như nhu cầu để ở hay ở hay để kinh doanh.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phúc Land cho hay: “Kênh bất động sản ngoài lợi nhuận còn là kênh tích lũy tài sản mà khách hàng quan tâm hiện nay. Dù dịch bệnh nhưng chúng tôi vẫn duy trì hoạt động đầu tư phát triển dự án, có kịch bản điều chỉnh trong tình huống mới khi xảy ra. Hiện chúng tôi đầu tư phát triển một đại đô thị tại khu đông bắc TP.HCM, hướng tới nhu cầu nhà ở là chính. Khách hàng có 50% mua sản phẩm của dự án là để ở, đầu tư mang tính dài hạn. Bước đầu nhận thấy quan tâm của khách hàng chiếm 50 - 70% hồi phục so trước đại dịch.