24/11/2024 | 09:10 GMT+7, Hà Nội

"Vấn nạn" thực phẩm bẩn: Trách nhiệm thuộc về ai?

Cập nhật lúc: 31/05/2016, 19:26

"Vấn nạn" thực phẩm bẩn đang khiến cả xã hội lo lắng và vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn. Tình trạng này diễn ra tràn lan một phần là do khó xác định được cơ quan hay người phải chịu trách nhiệm.

Những sản phẩm do nông dân làm ra đang phải mang tiếng xấu khi mỗi ngày xuất hiện thông tin kiểu: Rau muống tưới dầu nhớt thải; Măng tươi tẩm chất vàng ô; Dưa cải ngâm chất vàng ô; Thịt lợn nhiểm chất tạo nạc; Phẩm màu nhuộm ruốc; Chất tạo thịt gà đẹp; Dấm gạo chế biến từ acid; Nội tạng động vật thối tẩy mùi mằng hóa chất… là những thứ được gọi là thực phẩm bẩn đang tràn lan trong các chợ trong cả nước.

Con sâu làm rầu nồi canh, những người sản xuất nông nghiệp chân chính đang phải chịu nhiều sức ép trước cơn lốc về thực phẩm bẩn. Thế nhưng điều đó chưa hẳn đã là điều kinh khủng nhất khi người nông dân còn bị khoác cho “tội” rất nặng là đầu độc đồng bào, đồng loại, hay “Người Việt đang giết lẫn nhau” mà xã hội đang lên án.

Chất cấm trong chăn nuôi đã giảm nhưng chưa thể lạc quan.

Chất cấm trong chăn nuôi đã giảm nhưng chưa thể lạc quan.

Trả lời trên tờ Chất lượng Việt Nam, ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng, người nông dân nói riêng, nền nông nghiệp Việt Nam nói chung đang chịu rất nhiều áp lực. Từ thiên tai, dịch bệnh, vật tư nông nghiệp kém chất lượng, thương lái ép giá… khó khăn trăm bề, nay lại thêm vấn đề thực phẩm bẩn khiến cho sức tiêu thụ hàng hóa của bà con gặp khó, gánh nặng của người nông dân sẽ càng thêm chồng chất.

“Tôi cho rằng có ý kiến như vậy đối với nông dân như vậy là chưa công bằng, là đổ oan cho nông dân. Thực tế qua 30 năm đổi mới, kinh tế nông nghiệp tạo bước đột phá là nhờ bà con nông dân. Người nông dân sản xuất ra, đến thời vụ thì thường bán hàng loạt, thương lái đến mua lợi dụng ép giá, không những thế còn dùng các loại hoá chất để bảo quản, sau đó bán cho người tiêu dùng. Thế thì đâu đổ lỗi hết cho nông dân”, ông Lại Xuân Môn nói.

Đề cập đến vấn đề có hay không vai trò của nông dân trong việc góp phần vào “tô đen” thị trường thực phẩm, ông Môn cho rằng, quan điểm này là phiến diện và chưa chính xác.

“Vấn đề cần phải được nhìn nhận rõ ở đây là việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, chất bảo quản thực phẩm hay vật tư nông nghiệp đầu vào vẫn còn nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, quản lý chưa tốt chứ cái gì cũng đổ hết cho bà con nông dân là không công bằng’, ông Môn nói.

Phải gắn trách nhiệm để xóa sổ thực phẩm bẩn

Trước vấn đề nóng của ATTP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATTP. Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các địa phương  không nói đến thành tích làm được cái này, cái kia nữa mà tập trung nêu những vướng mắc để đưa ra biện pháp thực thi tốt nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe để nâng cao trách nhiệm.

Thủ tướng lưu ý vấn đề ATTP đã nói rất nhiều rồi nhưng kết quả còn hạn chế. Bây giờ phải thay đổi cách tiếp cận cho rõ hơn để có hiệu quả. Trong rất nhiều mặt hàng thực phẩm mà người dân dùng hằng ngày phải tiến hành giám sát để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mất ATTP. Trước mắt cần chọn mặt hàng tươi sống, trực tiếp tiêu dùng hằng ngày của nhân dân để giám sát.

Từ tình hình thực tế và đòi hỏi bức xúc của xã hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị về bảo đảm ATTP với nhiều giải pháp mới, quyết liệt và cụ thể gắn với đề cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức Nhà nước và làm rõ trách nhiệm của ngành dọc, các địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh, để bảo đảm ATTP đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như  tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất; trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương… Đặc biệt là trách nhiệm giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm ATTP.

Trong khi đó, để kiếm tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập trong quản lý chất lượng hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và sản xuất nông nghiệp, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.

“Tôi cho rằng thời gian qua sự phối hợp vẫn còn hơi yếu, Bộ nào biết bộ ấy, ngành nào biết ngành ấy. Nếu có phối hợp thì vẫn còn hình thức. Cho nên phải tập trung phối hợp chặt chẽ các ngành, các bộ có liên quan để quản lý cho tốt. Phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Người đứng đầu làm sai thì phải chịu trách nhiệm chứ không phải anh em dưới quyền”, ông Môn nêu quan điểm.

Việc để tình trạng một số nhà sản xuất, kinh doanh nước ngoài sang thao túng thị trường Việt Nam, hoặc nếu không thao túng được thì lại tung tin thất thiệt, nâng giá bán, hạ giá mua... gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất và đời sống của nông dân. Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, lỗi thuộc về các nhà quản lý.

Do đó, để giải quyết những bất cập ông Lại Xuân Môn cho rằng phải quy cho bộ, ngành nào phụ trách chịu trách nhiệm. Nếu làm tốt thì sẽ hạn chế tối đa. Có như vậy thì nền nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển và hội nhập.

“Thông điệp của Chính phủ hiện nay là: Hành động, kiến tạo và phục vụ nhân dân. Các bộ, ngành và địa phương liên quan đến lĩnh vực này cũng phải hành động, phải kiến tạo, phải phục vụ. Muốn thế thì phải chọn được những cán bộ có đủ tầm, đủ đức, đủ trí mới đảm đương được nhiệm vụ. Nhưng cái chính là cán bộ phải có cái tâm. Cái tâm sẽ giúp khắc phục tối đa các tồn tại”, ông Môn nói.

Ngoài ra, theo ông Môn, Hội Nông dân Việt Nam sẽ đồng hành cùng các Bộ, ngành có liên quan trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn. Hội Nông dân đã có các văn bản chỉ đạo phát động, vận động, kêu gọi và tuyên truyền cho bà con nông dân nói không với sản xuất sản phẩm không an toàn.

“Sắp tới họp Ban chấp hành, Hội sẽ có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này để cho nông dân dứt khoát nói không với sản xuất các sản phẩm không an toàn”, ông Môn nhấn mạnh thêm./.