Vấn nạn hàng giả, hàng nhái: Hàng hóa giả - nỗi lo thật
Cập nhật lúc: 05/04/2021, 06:30
Cập nhật lúc: 05/04/2021, 06:30
Hàng giả, hàng nhái là một vấn nạn đã xuất hiện từ rất lâu; có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những trung tâm thương mại sầm uất, siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt, các nhãn hàng, các hãng sản xuất có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái dưới dạng sao chép kiểu dáng, xâm phạm nhãn hiệu như: Adidas, Dior, Gucci, Chanel, Hermes, Louis Vuitton… tập trung nhiều vào các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi ví, thắt lưng, đồng hồ.
Sáng ngày 2/4, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 và Đội QLTT số 11 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (Công an TP. Hà Nội) bắt quả tang cơ sở sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Cơ sở này nằm tại địa chỉ số 17, tổ 10 Trinh Lương, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội và được ông Nguyễn Đăng Đạt, sinh năm 1992 thuê để sản xuất. Tuy nhiên, theo điều tra của lực lượng chức năng, ông Nguyễn Đăng Đạt đang làm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Đạt Anh có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Đan Phượng, Hà Nội, chứ không phải địa chỉ tại Hà Đông.
Tại cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn can nước giặt loại 3,5 lít mang nhiều thương hiệu khác nhau. Cùng với đó là hàng trăm thùng hàng đã thành phẩm và nhiều can nhựa, nhãn mác, thùng carton dùng để đóng thành phẩm. Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng thu giữ rất nhiều nguyên vật liệu, hóa chất phục vụ cho quá trình sản xuất. Hiện tại, lực lượng QLTT Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng phân loại, kiểm đếm và niêm phong số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh làm rõ các vi phạm của cơ sở, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
31/3/2021, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra kho hàng tại thôn Thắng Thuận, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận thuộc Công ty TNHH MIMISO Việt Nam do bà Lê Ái Vân (sinh năm 1991) làm giám đốc công ty. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện tại kho hàng có chứa 45 máy sấy tóc các loại, 30 cái máy duỗi tóc các loại, 1.040 dây và cốc sạc điện thoại các loại. Lô hàng vi phạm có tổng giá trị trên 64.000.000 đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vụ việc lên Cục QLTT tỉnh BìnhThuận xử phạt cơ sở vi phạm với số tiền 40.000.000 đồng và đồng thời tịch thu toàn bộ lô hàng trên để xử lý theo quy định.
Các cơ năng chức năng liên tục phát hiện và thu giữ hàng ngàn các sản phẩm nhập lẩu, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Cũng trong ngày 31/3/2021, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình (trực tiếp là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và Công an huyện Gia Viễn) tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng có diện tích gần 1.000m2 của ông Trần Văn Bản (ở thôn Điềm Khê, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn). Kho hàng chứa một lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm.Qua điều tra của lực lượng QLTT Ninh Bình, một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng để kinh doanh là sử dụng nền tảng số để livestreams bán hàng trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook). Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở, mỗi video livestream có khoảng 5.000 view và trung bình một ngày sẽ có khoảng 1.000 đơn hàng được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển.
Ngày 30/3/2021, Tổ 1, Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra lô hàng đóng thùng cát tông đang tập kết tại khu vực đường Triệu Quang Phục, khu Công nghiệp Đông Phố Mới, phường Lào Cai, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Qua kiểm tra phát hiện 500 đôi dép nữ mùa hè, nhãn hiệu Mwyx do nước ngoài sản xuất. Chủ lô hàng là ông Nguyễn Văn Ngôn (sinh ngày 04/8/1992), địa chỉ thường trú tại số 036 Nguyễn Tri Phương, phường Lào Cai, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, ông Ngôn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nhập khẩu đối với lô hàng trên. Giá trị hàng hóa xử lý ước tính gần 20 triệu đồng.
29/3/2021, Tổ 1, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra lô hàng đóng thùng carton đang tập kết tại khu vực đường Phan Đình Giót, tổ 23, phường Lào Cai, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Kết quả kiểm tra phát hiện 350 đôi giày thể thao trẻ em các loại; 300 chiếc túi đeo; túi xách các loại; 200 chiếc ô dù cầm tay; 90 chiếc bình giữ nhiệt bằng kim loại. Toàn bộ lô hàng trên do nước ngoài sản xuất. Chủ lô hàng là ông Hà Huy Hùng (sinh ngày 08/9/1990), địa chỉ thường trú Tổ 6, phường Kim Tân, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra ông Hùng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nhập khẩu đối với lô hàng trên. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ lô hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật, giá trị hàng hóa xử lý ước tính gần 70 triệu đồng.
25/3/2021, hàng vạn sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như LV, Gucci, Nike, Burberry… được chứa trữ trong căn nhà 3 tầng thuê tại địa chỉ số 2, DV04 Tây Nam Linh Đàm, phố Bằng Liệt, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội cũng bị Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Tổ 368 và Đội QLTT số 15, Cục QLTT TP Hà Nội đột xuất kiểm tra và thu giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định pháp luật do chủ kho hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đặc biệt, toàn bộ số hàng hóa đều có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu LV, Gucci, Nike, Burberry, Versace, Calvin Klein (CK), Adidas đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Hoạt động TMĐT ngày càng đa dạng, không chỉ trên máy tính, mà còn trên các thiết bị hiện đại khác như điện thoại thông minh, máy tính bảng; không chỉ diễn ra trên các website TMĐT, mà còn qua các ứng dụng trên nền tảng di động. Do đó, TMĐT đang dần trở thành hoạt động phổ biến của người dân.
Thế nhưng, liên tiếp những ngày gần đây, lực lượng QLTT triệt phá hàng loạt cơ sở sản xuất, kho hàng giả mạo nhãn hiệu “khủng”. Những con số này cho thấy tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)... ở mức đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT khẳng định, tại nhiều địa bàn tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn bày bán công khai, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh trên thị trường, Tổng cục QLTT đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 về Kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2021- 2025 (Quyết định số 888). Đây là kế hoạch dài hơi, với mục tiêu cụ thể cho từng năm.
Trong đó, năm 2021, phấn đấu 100% các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu không kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT. 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) gồm Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Hotdeal và các trang TMĐT bán hàng lớn: FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động, Zalora, Lotte, Zanado đều ký cam kết và thực hiện không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. 60% cơ sở kinh doanh được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT và không tái phạm…
Từ ngày 1/4/2021 đến hết tháng 12/2025, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giày dép, quần áo, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ kiện trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, túi, ví, thiết bị điện tử, dụng cụ, đồ dùng thể thao, dược phẩm, dược liệu và các loại hàng hóa thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ bao gồm thương mại truyền thống và trên tảng số sẽ thuộc diện kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT.
Căn cứ Điều 8 - Luật Bảo vệ Người tiêu dùng; người tiêu dùng có những quyền lợi sau:
1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/van-nan-hang-nhap-lau-hang-hoa-gia-noi-lo-that-20201231000001460.html
15:51, 04/02/2020
10:00, 01/02/2020
14:19, 04/12/2019