19/01/2025 | 01:18 GMT+7, Hà Nội

Vẫn còn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết bản thân mắc bệnh

Cập nhật lúc: 11/11/2017, 12:03

Ước tính hiện nước ta vẫn còn khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa biết mình bị bệnh (chiếm 20% số người nhiễm).

Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 6.880 người nhiễm HIV được phát hiện (giảm 14% so với cùng kỳ năm 2016); hơn 3.480 bệnh nhân AIDS (giảm 39% so với cùng kỳ năm 2016); 1.260 số bệnh nhân HIV đã tử vong. Trong số bệnh nhân nhiễm HIV đã có hơn 122.430 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ARV, tăng gần 6.000 bệnh nhân so với năm 2016.

Vẫn còn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết bản thân mắc bệnh

Nhân viên y tế tư vấn cho bệnh nhân điều trị methadone tại cơ sở điều trị

Ông Võ Hải Sơn - Trưởng phòng Giám sát, Theo dõi, Đánh giá và Xét nghiệm; Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, theo ước tính hiện nước ta vẫn còn khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa biết mình bị bệnh (chiếm 20% số người nhiễm); vô tình họ sẽ là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng.

Trong khi đó, việc xét nghiệm sàng lọc HIV sớm để có thể điều trị dự phòng, ngăn ngừa lây nhiễm sang những người khác. Hơn nữa hiện nay thuốc kháng vi rút ARV có thể kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, an toàn cho người nhiễm HIV. Vì vậy, để đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết mình mắc bệnh vào năm 2020, cần sự nỗ lực rất lớn từ mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh - Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến hết quý 3-2017, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai chương trình Methadone; số lượng cơ sở triển khai điều trị tăng từ 23 cơ sở (13 tỉnh) lên 30 cơ sở (tại 17 tỉnh); số lượng học viên tham gia điều trị tăng từ 2,721 người lên 3,314 người; các đối tượng nghiện ma túy đang có xu hướng chuyển từ sử dụng cần sa, heroin sang ma túy tổng hợp.

Hiệu quả của việc điều trị methadone ở Việt Nam đã được chứng minh: Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15,87%.

Bệnh nhân cũng đã giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV. Trước điều trị có tới 87% bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, thì sau 6 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn 53,9% và sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn sử dụng. Tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm còn 2% trong nhóm bệnh nhân còn tiêm chích ma túy đang tham gia điều trị trên 24 tháng so với 21% trước điều trị.

Việc giảm tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm và tăng tỷ lệ sử dụng bao cao su trong nhóm bệnh nhân tham gia chương trình đã góp phần dự phòng lây nhiễm HIV từ những người tiêm chích ma túy sang bạn tình của họ và cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B, C, giang mai. Sau 24 tháng tham gia điều trị, chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số 1.000 bệnh nhân.

Từ hiệu quả của việc cai nghiện bằng Methadone, ngành y tế kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư ngân sách cho chương trình điều trị Methadone nói riêng, chương trình điều trị thay thế nói chung.