Vải thiều Bắc Giang được mùa, tiêu thụ gần 50.000 tấn từ đầu vụ
Cập nhật lúc: 12/06/2019, 09:21
Cập nhật lúc: 12/06/2019, 09:21
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, đến ngày 9/6, tổng số lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh là 46.850 tấn; trong đó, vải sớm 37.210 tấn (đã tiêu thụ gần hết), vải chính vụ 9.640 tấn.
Giá vải tại huyện Lục Ngạn vẫn giữ ở mức ổn định dao động từ 40.000 - 65.000 đồng/kg. Phụ kiện phục vụ mua bán vải thiều vẫn giữ giá, như đá cây 27.000 - 30.000 đồng/cây; thùng xốp loại nhỏ: 25.000 - 27.000 đồng/chiếc, loại to 32.000 - 37.000 đồng/chiếc…
Sở Công Thương Bắc Giang cũng cho biết, những ngày này, vải thiều Bắc Giang đang tiêu thụ rất sôi động. Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 500 điểm cân lớn, nhỏ và tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Lục Ngạn và Lục Nam.
Vải thiều Bắc Giang đang bước vào mùa thu hoạch |
Về thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... .Chỉ riêng tại thị trường TP Hồ Chí Minh mỗi ngày có khoảng gần 2000 tấn tiêu thụ được tập trung tại các chợ đầu mối (Thủ Đức ), siêu thị (Saigon Coop, Big C..). Ngoài ra, quả vải Bắc Giang đã được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch và sang một số nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia…
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2019, tỉnh duy trì trồng gần 28.500 ha, sản lượng ước khoảng 150.000 tấn. Trong đó diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn, vải thiều chính vụ khoảng 22.500 ha, sản lượng 110.000 tấn.
Thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ ngày 25/5 đến 10/6, vải chính vụ từ 05/6 đến 05/7.
Cùng với việc duy trì 13.855 ha vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGap, 218 ha tiêu chuẩn GlobalGap đã được Mỹ cấp mã vùng trồng, đặc biệt năm nay là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20 ha
Năm 2018, vải thiều Bắc Giang cũng được mùa, được giá. Toàn tỉnh đã xuất bán 215.000 tấn vải thiều thu về gần 5.800 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ vải đạt khoảng 3.500 tỷ, còn lại là doanh thu từ các ngành dịch vụ phụ trợ.
Để vụ sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2019 được thuận lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ. Theo đó Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đủ nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân vay vốn, bảo lãnh, giải ngân... trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều.
Công ty Điện lực Bắc Giang chuẩn bị các phương án, kế hoạch cung cấp điện cho mùa vụ thu hoạch vải thiều, ưu tiên cung cấp điện cho các huyện có sản lượng tiêu thụ vải thiều lớn. Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện triển khai thực hiện các biện pháp phân luồng, đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự cho người dân, thương nhân, doanh nghiệp thu mua vải thiều tại địa phương; tạo điều kiện tối đa về các thủ tục hành chính cho thương nhân nước ngoài sang thu mua, tiêu thụ vải thiều.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các huyện tập trung chăm sóc vải thiều, đảm bảo các yêu cầu về sản lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm; thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, thông tin trên nhãn mác, bao bì... để đảm bảo yêu cầu đối với thị trường xuất khẩu. Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
UBND các huyện Lục Ngạn, Tân Yên tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện hậu cần phục vụ tiêu thụ vải thiều về an ninh trật tự, an toàn giao thông, nguồn điện, thùng xốp, nguồn vốn, đảm bảo vệ sinh môi trường và các dịch vụ phụ trợ khác...
Nguồn: https://tbck.vn/vai-thieu-bac-giang-duoc-mua-tieu-thu-gan-50000-tan-tu-dau-vu-39009.html
16:00, 11/06/2019
09:20, 11/06/2019
17:00, 02/06/2019