19/01/2025 | 07:22 GMT+7, Hà Nội

UNICEF: Quan ngại bùng phát dịch sởi trên thế giới đe dọa đến tính mạng trẻ em

Cập nhật lúc: 02/03/2019, 21:00

Ngày 1/3, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra cảnh báo dịch sởi đang bùng phát trở lại ở mức độ đáng báo động, đặc biệt tại 10 quốc gia, nơi bệnh sởi chiếm hơn 74 % tổng số ca nhiễm mới, và tại một số quốc gia khác trước đó đã tuyên bố.

Theo UNICEF, trên toàn thế giới, 98 quốc gia đã báo cáo tăng số ca nhiễm sởi trong năm 2018 so với năm 2017, đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được đối với căn bệnh này, một căn bệnh có thể phòng ngừa được nhưng cũng có khả năng gây tử vong.

Ukraine, Philippines và Brazil là ba quốc gia tăng số ca nhiễm sởi cao nhất trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018.

Chỉ tính riêng ở Ukraine, năm 2018 đã có 35.120 ca mắc sởi. Theo Chính phủ nước này, 24.042 người nữa đã nhiễm sởi trong hai tháng đầu năm 2019.

Tại Philippines trong năm nay đã có 12.736 ca nhiễm sởi và 203 ca tử vong, so với 15.599 ca trong năm 2018.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà Henrietta H. Fore, Giám đốc điều hành UNICEF cho hay: “Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta có vắc xin an toàn, hiệu quả và ít tốn kém để chống lại căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao này – một loại vắcxin có khả năng cứu sống tính mạng của gần một triệu người mỗi năm trong vòng hai thập kỷ qua".

Những ca nhiễm bệnh này không xảy ra ngay trong một sớm một chiều. Dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay đã bắt đầu từ năm 2018, nếu không hành động ngay hôm nay thì chúng ta sẽ để lại tai họa cho trẻ em trong tương lai, bà Henrietta H. Fore chỉ rõ.

 Sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Một người có thể nhiễm virus sởi trong vòng hai giờ đồng hồ sau khi một người mắc bệnh sởi ra khỏi căn phòng.

Virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vắcxin.

Một khi người bệnh đã bị nhiễm sởi, thế giới chưa có thuốc điều trị cụ thể nào cho bệnh này, do vậy tiêm phòng vắcxin là biện pháp để cứu mạng sống cho trẻ em.

Để ứng phó với dịch sởi bùng phát, UNICEF và các đối tác đang hỗ trợ các chính phủ khẩn trương tiếp cận hàng triệu trẻ em ở các quốc gia trên toàn thế giới.