19/01/2025 | 06:13 GMT+7, Hà Nội

Biến chứng nặng do cúm, sởi nguy hiểm đến mức nào?

Cập nhật lúc: 22/02/2019, 15:00

Từ đầu năm tới nay, thời tiết diễn biến bất thường, số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh truyền nhiễm ngày càng tăng, trong đó, đáng chú ý là bệnh cúm mùa và bệnh sởi đang có diễn biến phức tạp trên cả nước. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

  Nhiều trẻ nhiễm cúm đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh Tú Uyên

Nhiều trẻ nhiễm cúm đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh Tú Uyên

Cúm, sởi đang có chiều hướng gia tăng

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), khoảng 1 tháng trở lại đây, Khoa đã tiếp nhận 6 - 7 trường hợp nhiễm cúm nhập viện điều trị, trong đó có 2 bệnh nhân nhiễm cúm diễn tiến nặng. Trước đó, tại đây cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 31 tuổi (ở Thanh Hóa), mang song thai ở tuần thứ 24 mắc cúm trong tình trạng bệnh nặng, diễn biến xấu. Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu liên tục, cho bệnh nhân thở máy, điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, vì đang mang thai, sức đề kháng kém nên sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân không qua khỏi.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận từ 3-15 trẻ nhiễm cúm đến khám và điều trị. Hiện Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho hơn 30 trẻ mắc cúm, chiếm tỷ lệ lớn trong các mặt bệnh ở đây. Nhiều trẻ đến viện sau khi sốt rất cao dài ngày không đáp ứng thuốc hạ sốt, có cơn co giật.

Theo BS Đỗ Thiện Hải, cúm mùa là bệnh do virus cúm gây nên, lây lan rất mạnh qua đường hô hấp, nhất là đối với trẻ nhỏ. Biểu hiện ban đầu là các bé sốt rất cao (39-40 độ C), nếu xử lý thuốc hạ sốt không tốt sẽ gây tình trạng co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, trẻ có thể ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn, khám họng có viêm đỏ, có thể viêm phế quản. Biến chứng hay gặp nhất của cúm là sốt quá cao gây co giật, viêm phổi có thể do virus cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn khác có trong hầu họng của bệnh nhân.

Còn đối với bệnh sởi, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn quốc ghi nhận 429 trường hợp mắc sởi dương tính trong tổng số 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, xảy ra rải rác tại 43 tỉnh, thành. Riêng tại Hà Nội, thời điểm này đã có 192 ca mắc sởi, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân chủ yếu là đối tượng trẻ em không được tiêm phòng và người lớn lứa tuổi 25-35 do không được tiêm nhắc lại vaccine sởi. Tại TPHCM, tính từ đầu tháng 1/2019 đến ngày 10/2, toàn thành phố cũng đã ghi nhận tới 978 bệnh nhân nghi mắc sởi, trong đó, đáng chú ý 95% bệnh nhân nhập viện đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi.

Thận trọng với biến chứng viêm não sau cúm, sởi

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện Khoa đang điều trị cho một nữ bệnh nhân 28 tuổi, sống tại Hà Nội bị viêm não - màng não do biến chứng của sởi. Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết. Kết quả xét nghiệm dịch não tuỷ có biến loạn với chẩn đoán viêm não - màng não. Qua khai thác bệnh sử dịch tễ được biết, trước khi phát bệnh, bệnh nhân đang sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh - nơi được xác định đang có dịch sởi và không nhớ đã được tiêm phòng sởi trước đó hay chưa.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, viêm não - màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp, tuy nhiên đây là ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não - màng não gặp trong mùa dịch năm nay. Tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, thở ô-xy và đang được theo dõi sát sao tại Phòng Hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm, theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sởi có biến chứng viêm não cần được chỉ định điều trị hỗ trợ bằng Imunoglobulin miễn dịch (IVIg) là loại thuốc rất đắt tiền. Nếu điều trị tích cực bệnh có thể phục hồi nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, tinh thần, thể chất.

Ngoài biến chứng do sởi, các bác sĩ cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bị viêm não trên bệnh nhân mắc cúm. Mới đây nhất, từ đầu năm 2019 đến nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã có 3 ca biến chứng viêm não sau cúm, tăng cao so với mọi năm bởi trung bình các năm chỉ ghi nhận 1-2 ca. Rất may, cả 3 trường hợp đều được phát hiện và điều trị kịp thời, 2/3 bệnh nhi đã xuất viện, còn một bệnh nhi sức khỏe dần hồi phục, tỉnh táo hơn, hết tình trạng li bì. Các bác sĩ cho biết, biến chứng viêm não sau cúm nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng về thần kinh, nặng có thể gây tử vong.

Theo các chuyên gia, khi bị biến chứng viêm não, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như: Sốt cao, nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh viêm não do virus gây nên. Mặc dù có thuốc kháng virus, nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virus chứ không phải tất cả các virus.

Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho người bệnh và chữa triệu chứng. Người bệnh cần được điều trị tại bệnh viện có đủ phương tiện theo dõi và can thiệp kịp thời. Việc theo dõi và kiểm soát huyết áp, tần số tim, hô hấp, bồi phụ nước và điện giải và nhất là chống phù não rất quan trọng đối với bệnh nhân. Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nếu không điều trị kịp thời, viêm não thường để lại di chứng nặng, có thể dẫn đến bại não suốt đời.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, dù bản thân bệnh viêm não không trực tiếp phòng ngừa được, nhưng có thể phòng ngừa các bệnh có thể dẫn đến biến chứng viêm não như sởi, cúm, quai bị, thủy đậu... Hay nói cách khác, cần chủ động phòng ngừa cũng như điều trị kịp thời, triệt để các bệnh này để tránh biến chứng viêm não có thể xảy ra.

Theo đó, để phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần vệ sinh hô hấp và vệ sinh tay, che miệng khi ho hắt hơi, cách ly người bệnh và hạn chế tiếp xúc chỗ đông người. Phòng bệnh hiệu quả nhất bằng cách tiêm vaccine sởi. Hiện nay trên thị trường có sẵn vaccine sởi đơn hoặc phối hợp sởi - quai bị - Rubella (MMR) rất an toàn. Các bà mẹ nên đưa trẻ độ tuổi 9 tháng tuổi đi tiêm phòng và sau đó nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.

Với bệnh cúm, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Bên cạnh đó, tiêm vaccine cúm mùa để phòng bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, bố mẹ cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng vì vaccine chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm. Bên cạnh đó, thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà. Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác. Toàn thể người dân và cộng đồng cùng chung tay thực hiện và phối hợp thật tốt với ngành Y tế trong tất cả các hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai tại hộ gia đình cũng như tại cộng đồng.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ. Người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vaccine phòng bệnh sởi đều có thể mắc bệnh. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não… có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, đẻ non.

Để phòng chống bệnh sởi, giảm số trẻ không được tiêm vaccine qua nhiều năm, Bộ Y tế đã tổ chức 2 chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella tại 88 huyện của 19 tỉnh có nguy cơ cao và tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố từ cuối năm 2018 đến nay, đồng thời đẩy mạnh tiêm vaccine sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng.

 

Mai Thùy - Võ Thu