Tuyển sinh ĐH năm 2020: Nhiều phương thức xét tuyển mới
Cập nhật lúc: 30/12/2019, 08:00
Cập nhật lúc: 30/12/2019, 08:00
Giảm tỷ lệ tuyển sinh theo phương thức truyền thống, xét tuyển theo phương thức mới
Năm tới, ngoài các phương thức xét tuyển sinh truyền thống như kết hợp điểm thi và xét tuyển, tuyển thẳng, kết hợp thi đánh giá năng lực, điểm chung dễ nhìn thấy trong đề án tuyển sinh một số trường ĐH là tăng cường thêm phương thức tuyển sinh mới bên cạnh phương thức truyền thống.
ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2020, các trường ĐH, khoa thành viên xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia, xét tuyển kết hợp kết quả thi 2 môn thi THPT quốc gia và chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên; sử dụng phương thức xét tuyển SAT, A-Level.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP HCM, cho biết năm 2020, trường tiếp tục tăng chỉ tiêu xét điểm bài thi năng lực do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức theo đúng lộ trình, từ 30% năm 2019 lên tối đa 40% (trước đó năm 2018 tuyển 20%). Sau khi trừ chỉ tiêu xét tuyển thẳng tối đa 20% thì chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia còn khoảng 40%. Như vậy, tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 của trường ĐH Công nghệ thông tin TP HCM sẽ giảm 10% so với năm 2019.
Năm 2020, trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét điểm thi THPT quốc gia xuống còn khoảng 40%. Đồng thời, tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP HCM lên 40%. Như vậy, với tổng chỉ tiêu dự kiến 3.500, trường ĐH này chỉ có khoảng 1.400 chỉ tiêu cho xét điểm kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới.
Trường ĐH Bách khoa TP HCM dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển năng lực từ 20 đến 50% tổng chỉ tiêu trong năm 2020. So với khoảng 3-4 năm trước, việc các thí sinh có điểm thi THPT quốc gia cao đã không còn là ưu tiên được xét tuyển vào ĐH nữa. Đặc biệt hơn nữa, có tới vài chục trường ĐH khác ở khu vực phía Nam gồm TP HCM hay các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng kết quả bài thi năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM để làm phương án xét tuyển. Nghĩa là, các thí sinh không cần điểm thi THPT cao nhưng nếu có điểm thi năng lực cao thì vẫn dễ dàng vào được nhiều trường ĐH. Nhưng không chỉ có ĐH Quốc gia TP HCM mà nhiều trường khác như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… cũng cho biết sẽ sử dụng các kỳ thi năng lực do trường tự tổ chức để chọn lựa thí sinh.
Ngoài việc đẩy mạnh việc tuyển sinh bằng phương án sử dụng điểm thi năng lực, theo công bố của nhiều trường thì năm học 2020-2021 các phương án tuyển sinh khác như sử dụng học bạ, tổ hợp hỗn hợp các điểm thi, điểm học bạ… cũng được sử dụng.
Thêm nhiều ngành học “hot”
Đáng lưu ý là các trường cũng chú trọng mở thêm ngành mới liên quan đến cuộc cách mạng 4.0. ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu vào hệ ĐH chính quy, mở thêm 17 ngành học mới. Trong đó, có nhiều ngành học liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giải quyết các vấn đề nóng của xã hội hiện nay như: Khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học; Khoa học và công nghệ thực phẩm, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường...
Năm 2020, trường ĐH GTVT dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc. Sở dĩ trường mở thêm 3 ngành này vì đây đều là thế mạnh của trường (về GTVT). Những ngành công nghệ hướng tới cuộc cách mạng 4.0 Việt Nam sẽ cần trong một tương lai xa, nhưng trước mắt, những ngành như quản trị du lịch, Logistis sẽ cần nhiều nhân lực nên trường tập trung vào đào tạo những ngành này.
Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội năm 2020 tuyển sinh mới 5 ngành, gồm: Marketing - Truyền thông; Quản trị khách sạn; Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng.
Đa phần các trường đang tính đến các phương án tuyển sinh riêng, bổ sung phương án mới so với các cách tuyển sinh truyền thống để sau năm 2020, không tổ chức thi THPT quốc gia nữa, các trường có thể chủ động được phương án xét tuyển. Nhiều trường cũng quan tâm đến những ngành học mới để đáp ứng được chuẩn đầu ra, cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp cho các sinh viên.
Năm 2020 là năm cuối cùng vẫn thực hiện thi THPT quốc gia. Theo Bộ GD&ĐT thì phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau năm 2020 được đề xuất như sau: Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT thì được hiệu trưởng trường THPT (hoặc GĐ trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia kỳ thi THPT quốc gia.