19/01/2025 | 09:33 GMT+7, Hà Nội

Phân luồng học sinh có tín hiệu đáng mừng, tại sao trường nghề vẫn khó tuyển sinh?

Cập nhật lúc: 25/08/2019, 14:00

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019, số học sinh chỉ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp là hơn 270.000 em – con số lớn nhất trong các năm tổ chức thi THPT quốc gia trở lại đây.

Điều đó có nghĩa là, công tác phân luồng học sinh phổ thông đã có những dấu hiệu chuyển biến, thay vì chỉ chọn thi ĐH, các học sinh đã có nhiều hướng rẽ hơn sau khi tốt nghiệp. Nhưng đích đến của các học sinh không thi ĐH này có phải là các trường nghề hay không và cơ hội để các trường nghề có thể tuyển được học sinh có thực sự được cải thiện?

Trường nghề vẫn khó tuyển

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019 cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019 (giảm gần 40.000 thí sinh so với năm 2018). Trong đó, có 279.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 27,8%). Đây được xem là một sự “chuyển mình” của công tác phân luồng, khi các học sinh giờ đây có nhiều đích đến sau tốt nghiệp, phù hợp với năng lực và sở trường của mình hơn, thay vì cố thi ĐH và cố vào một trường đào tạo nào đó mà chưa biết đầu ra có đảm bảo hay không.

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), 6 tháng đầu năm 2019, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhiều khởi sắc, nhiều trường CĐ tuyển sinh đã đạt đủ chỉ tiêu, có được điều này là do chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã được cải thiện.

Cụ thể, ước tính tuyển sinh 6 tháng đầu năm đạt 48% kế hoạch. Trong đó, trình độ CĐ, trung cấp khoảng 112.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 969.000 người.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường nghề đều đã vượt qua khó khăn nguồn tuyển. Dù đã tham gia các ngày hội tư vấn tuyển sinh rất sớm cùng với nhiều trường ĐH, CĐ, nhưng với không ít trường, lượng học viên chỉ đạt 10-30% so với chỉ tiêu. Nhiều trường phải mở các khóa đào tạo ngắn hạn để hoạt động cầm chừng.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá: Công tác phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp từ hệ thống giáo dục phổ thông còn chưa được thực hiện tốt theo yêu cầu của Chỉ thị 10 và Quyết định 552/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến công tác tuyển sinh các nhóm trường top dưới, các trường trung cấp vẫn khó khăn.

phan luong hoc sinh co tin hieu dang mung tai sao truong nghe van kho tuyen sinh
Việc quy hoạch lại các mạng lưới, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút người học là bước đi cần thiết của các trường dạy nghề. (Ảnh P.T)

Sắp xếp lại hệ thống các trường nghề cho hiệu quả

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT: “Cần phải quy hoạch lại cơ sở giáo dục đào tạo, đánh giá số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hoặc bỏ học ở THCS để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý Nhà nước, kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực học sinh chuẩn xác, từ đó đưa ra khuyến cáo. Đặc biệt, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, huy động nguồn lực xã hội, DN tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường".

Mới đây, trong dự thảo Quyết định thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2030 đang được Bộ LĐ-TB&XH gửi các Bộ, ngành xin ý kiến góp ý thì một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là: Giảm dần số đầu mối cơ sở GDNN (hay còn gọi là trường nghề) công lập, nhưng tăng dần quy mô tuyển sinh. Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 4,6 triệu người mỗi năm; ít nhất 85% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%). Đến năm 2030, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.

Bộ LĐ-TB&XH sẽ cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, CĐ hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN; sáp nhập theo lộ trình các trường trung cấp công lập vào trường CĐ công lập, trước mắt thực hiện đối với các trường trung cấp có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường CĐ trên địa bàn.

Đánh giá của các chuyên gia cho rằng: Đây là bước đi cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhất là trong bối cảnh hiện nay tâm lý “ sính ĐH, ngại học nghề” đã được dần thay đổi. Bản thân các trường nghề cũng phải thay đổi để nâng cao chất lượng, thu hút thí sinh. Vì vậy việc quy hoạch lại các mạng lưới các trường dạy nghề từ đó nâng cao chất lượng đào tạo là hướng đi cần thiết hiện nay đối với GDNN.

Nguồn:https://phapluatxahoi.vn/phan-luong-hoc-sinh-co-tin-hieu-dang-mung-tai-sao-truong-nghe-van-kho-tuyen-sinh-159966.html