Tự ý cách ly tập trung người ở tỉnh khác đến là tùy tiện, sai quy định
Cập nhật lúc: 08/04/2020, 20:00
Cập nhật lúc: 08/04/2020, 20:00
Nhằm đối phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 trên toàn quốc.
Những ngày qua, một số địa phương đã ban hành văn bản tiến hành cách ly tập trung những người đến từ TP HCM, Hà Nội, coi đây là người đến từ “vùng dịch”. Theo Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc làm này mang tính tùy tiện, không đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ban chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền về tình hình dịch bệnh. Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Mặt khác, theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, cách ly xã hội không phải ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội… Việc lưu thông hàng hoá, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế vẫn phải duy trì, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường.
Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng chứ không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội. Đây là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.
“Đối chiếu với các văn bản trên, việc một số nơi ra văn bản cách ly tập trung những người đến từ TP HCM, Hà Nội mà không cần biết họ có tiếp xúc gần với bệnh nhân, người bị nghi nhiễm Covid-19 hay không là biểu hiện lạm quyền Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia", Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, hiện nay đối tượng cách ly chỉ bao gồm người nhập cảnh đến từ vùng dịch ở nước ngoài, cách ly theo khu vực phát sinh ổ dịch và những người tiếp xúc gần với người thuộc diện buộc phải cách ly.
Tại các địa phương, người dân được khuyến cáo hạn chế việc ra đường nếu không có việc cần thiết, giữ khoảng cách ngoài công sở, nơi công cộng, không tụ tập quá 2 người, đeo khẩu trang khi ra đường. Những người di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác phải khai báo y tế trung thực.
Điều 2 Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nêu rõ, vùng có dịch được định nghĩa “là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch”. Điều này có nghĩa, đây là địa phương mà Chính phủ, BCĐ phòng chống dịch Quốc gia, Bộ Y tế xác định là nơi có nguồn lây nhiễm, có số người nhiễm bệnh vượt quá dự kiến ban đầu, có văn bản công bố. Việc một số địa phương cách ly tập trung những người đến từ nơi có ca nhiễm Covid-19, mặc nhiên coi đó là “vùng dịch” là không đúng luật.
Tại TP Hà Nội có ổ dịch tại BV Bạch Mai, còn ở TP HCM có quán bar Buddha. Đó là các ổ dịch chứ không phải TP HCM và TP Hà Nội là ổ dịch. Hiện cũng chưa có văn bản chính thức nào khẳng định TP HCM và Hà Nội là vùng dịch. Hơn nữa, chỉ Bộ Y tế mới có quyền công bố địa phương có dịch.
Về thẩm quyền của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Luật sư Lê Hồng Vân cho biết, BCĐ phòng chống dịch có ba cấp, cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Cấp quốc gia do Phó Thủ tướng là Trưởng ban, cấp tỉnh và huyện thường do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban.
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trưởng BCĐ có quyền huy động, trưng dụng các nguồn lực; Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch; Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch và tổ chức cách ly y tế…
Như vậy, việc cách ly y tế phải là với người từ vùng có dịch, ổ dịch, người mắc bệnh, người nghi nhiễm, mang mầm bệnh dịch hoặc người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia mới có quyền công bố vùng có dịch, ổ dịch; những nhóm đối tượng nào sẽ bị cách ly y tế. Trưởng BCĐ các tỉnh, huyện không có thẩm quyền này.
Ngoài ra, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 cũng không có điều khoản nào cho phép Chủ tịch UBND cấm người dân đi lại, không cho người từ địa phương khác đến địa phận của mình quản lý, hay đưa người đi cách ly y tế tập trung mà không có căn cứ pháp luật.
12:21, 08/04/2020
12:15, 08/04/2020
12:07, 08/04/2020