19/01/2025 | 06:58 GMT+7, Hà Nội

Từ vụ 42 người nhiễm HIV: Ngăn chặn lây truyền từ mẹ sang con thế nào?

Cập nhật lúc: 14/08/2018, 23:00

42 người phát hiện nhiễm HIV ở Phú Thọ đang là cú sốc lớn đối với dư luận. Câu hỏi đặt ra là, nếu mẹ nhiễm HIV thì ngăn chặn việc lây truyền sang con bằng cách nào?

 
Theo ThS.BSCKII Lê Thế Vũ, Trưởng khoa Sản nhiễm trùng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba đường lây nhiễm của HIV. Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong cả ba thời kỳ: mang thai, khi sinh và cho con bú.
 

Trong thời kỳ mang thai, HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ.

Khi sinh con, có một tỷ lệ nhất định trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV từ khi còn nằm trong tử cung. Nhiều nghiên cứu cho rằng sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thường xảy ra muộn vào thời kỳ chuyển dạ, hoặc khi đứa trẻ qua đường sinh dục của mẹ để ra ngoài. Khi đó, trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo hoặc máu của mẹ hoặc do sự trao đổi máu mẹ - thai nhi khi chuyển dạ.

Khi trẻ bú mẹ, virus HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ. Ảnh minh họa

Khi trẻ bú mẹ, virus HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ. Ảnh minh họa.

Thời kỳ cho con bú, HIV cũng sẽ lây truyền sang con qua sữa mẹ, dù nồng độ HIV trong sữa mẹ không cao. Khi trẻ bú mẹ, virus HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng.

Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong khoang miệng và gây nhiễm HIV cho trẻ.

Do đó, để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bác sĩ Vũ khuyến cáo, cần điều trị ngay cho thai phụ khi phát hiện nhiễm HIV không phụ thuộc tuổi thai, giai đoạn. Sản phụ không có cách nào khác ngoài uống thuốc để giảm khả năng lây nhiễm HIV sang con.

 

Sử dụng xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi và quyết định phác đồ điều trị ARV. Điều trị ARV bằng phác đồ 3 thuốc cho mẹ. Còn điều trị cho con với thời gian, phác đồ như thế nào phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ và lựa chọn có cho con bú hay không... 

Nếu được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, có thể bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.

Phụ nữ khi mang thai cần được phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV, từ đó áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh minh họa

Phụ nữ khi mang thai cần được phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV, từ đó áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh minh họa

Để đạt hiệu quả điều trị cao nhất, phụ nữ khi mang thai cần được phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV, từ đó áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: dự phòng bằng thuốc ARV, dùng sữa thay thế cho con và tư vấn cách chăm sóc, điều trị sau sinh.

Thời điểm bắt đầu điều trị ARV ở phụ nữ mang thai không cần phụ thuộc vào tuổi thai, cần điều trị liên tục trong suốt quá trình mang thai, khi sinh và sau sinh, có nghĩa càng sớm càng tốt, sau khi bệnh nhân đủ tiêu chuẩn điều trị. Việc điều trị cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV nếu không được chăm sóc điều trị thích hợp, không được dùng thuốc kháng HIV để phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con thì trung bình có 30 - 35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Trong khi đó nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5% (100 trẻ sinh ra có thể chỉ có 3 - 5 trẻ nhiễm HIV từ mẹ hoặc thậm chí còn ít hơn nữa).

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), năm 2017, trong số 2.777.144 phụ nữ mang thai trên cả nước chỉ có 1.394.785 người được xét nghiệm HIV, chiếm 50,2%.

Tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV ở số phụ nữ mang thai được xét nghiệm này lại khá cao, là 1.108 người, chiếm tỉ lệ 79%. Trong năm 2017, cả nước đã có 1.828 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, trong đó 99% bà mẹ được dự phòng lây truyền mẹ con từ thuốc ARV.

Vì vậy, phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời.