23/11/2024 | 16:22 GMT+7, Hà Nội

Từ vỉa hè Seoul nhìn về Hà Nội – Chả lẽ cán bộ mình tệ thế?

Cập nhật lúc: 10/04/2019, 07:00

Tôi đứng trên hè phố Seoul lát bằng gạch block “con sâu” nhưng không một cọng rác, không có sự lấn chiếm và nghĩ về các cuộc “cách mạng vỉa hè” của Hà Nội rồi tự hỏi: Chả lẽ Seoul nghèo hơn mình?

 

Tôi sang Hàn Quốc đúng vào đầu mùa hoa anh đào, khắp đường phố, công viên, đâu đâu cũng ngập tràn sắc hoa đẹp đến mê hồn. Nhưng cái mà mọi người trong đoàn chúng tôi trầm trồ thán phục là đường phố Seoul phong quang, sạch sẽ, đặc trưng đầu tiên của một thành phố văn minh. Đặc biệt, vỉa hè hết sức thông thoáng, không có hàng rong, không có lấn chiếm bán hàng trên hè phố…

Sực nhớ đến việc Hà Nội đã năm lần bảy lượt lát đi lát lại vỉa hè và hiện lại vừa mới quyết định tiếp tục thay thế gạch lát vỉa hè bằng đá tự nhiên trên khoảng 100 tuyến phố, tôi nhìn xuống dưới chân và bỗng giật mình…

Nơi tôi đứng là một con phố to ở khu vực gần trung tâm, nhưng vỉa hè cũng chỉ lát bằng gạch block hết sức giản dị, thậm chí còn là loại gạch block đời đầu dạng “con sâu”, thứ mà Hà Nội đã dỡ đi lát lại từ lâu và hiện cả loại gạch đời sau “con sâu” cũng đang được chuẩn bị dỡ bỏ để thay bằng đá.

Nhiều tuyến phố ở thủ đô Seoul (Hà Quốc) vẫn lát vỉa hè bằng gạch block, thậm chí là lát nhiều loại gạch trên cùng một hè phố.

Nhiều tuyến phố ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vẫn lát vỉa hè bằng gạch block, thậm chí lát nhiều loại gạch trên cùng một hè phố nhưng trông không hề xấu.

Viết đến đây, tôi thấy cũng cần điểm lại đôi chút về các loại vật liệu lát vỉa hè của Hà Nội. Tôi nhớ không đầy đủ lắm, nhưng thời bao cấp, các hè phố Hà Nội chủ yếu lát bằng gạch xi măng đúc vuông 30 x 30cm. Đến thời mở cửa, kinh tế và công nghệ phát triển, nhất là xuất hiện nhiều loại vật liệu mới thì một số hè phố của Hà Nội được lát lại bằng gạch block hình dích dắc mà dân gian quen gọi nôm na là gạch “con sâu”, vì nó dài dài và uốn đi uốn lại trông giống con sâu đang bò. Ban đầu chỉ là loại gạch xi măng xám xịt, sau đó là gạch có nhiều màu sắc, đẹp hơn. Sau đó nữa gạch block phát triển nhiều hình dạng phong phú hơn thì nhiều nơi người ta lại dỡ bỏ gạch con sâu và thay vào đó cũng bằng gạch block nhưng hình lục giác, giữa 4 viên gạch to chêm một viên gạch nhỏ hình vuông… Lại… sau đó, có nơi tiếp tục thay thế bằng loại gạch Tezarro, gạch bê tông bọt CLC hay còn gọi là gạch vân đá, gạch giả đá…

Và bây giờ, nhiều tuyến phố đang lát vỉa hè bằng loại gạch block lục giác lại sắp sửa được dỡ lên, thay thế bằng… đá tự nhiên.

Nhìn xuống những viên gạch block con sâu cũ kỹ trên hè phố Seoul, tôi nghĩ đến các cuộc “cách mạng vỉa hè” của Hà Nội và bỗng tự hỏi: Tại sao Hà Nội năm lần bảy lượt lát lại vỉa hè trong khi một thành phố văn minh và giàu có như Seoul cho đến giờ vẫn giữ nguyên loại gạch block con sâu? Chả lẽ là do ta nhiều tiền hơn Hàn Quốc? Hay chả lẽ chính quyền Seoul không có khiếu thẩm mỹ, không biết thế nào là đẹp và không biết làm đẹp cho thành phố của mình từ cái… vỉa hè?

Tôi đặt câu hỏi rồi lại tự trả lời bằng một câu hỏi ngược lại: Tại sao lại phải phá bỏ vỉa hè lát bằng gạch block trong khi nó vẫn đang còn rất tốt và không hề xấu để thay thế bằng loại gạch khác, vô cùng lãng phí và chưa chắc đã tốt hơn? Và lịch sử cho thấy, những nước giàu có, phát triển hầu hết là những nước biết sử dụng ngân sách, đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân một cách tiết kiệm nhất. Còn việc phá bỏ vỉa hè còn tốt để lát lại là một sự đại lãng phí và lãng phí kép. Bởi vì không phải chỉ tốn tiền để mua vật liệu mới, thuê nhân công phá đi lát lại mà những viên gạch cũ còn tốt kia bị vứt bỏ lại trở thành rác thải phải xử lý, trong khi vấn nạn rác thải đã thừa làm đau đầu cả người dân lẫn chính quyền thành phố.

Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) là một trong những tuyến phố kiểu mẫu được thí điểm lát đá tự nhiên cho vỉa hè vào cuối năm 2016. Hiện tại, vỉa hè tuyến phố này đã rơi vào tình trạng xuống cấp, nhếch nhác, nhiều nơi còn sụp xuống, đọng nước.

Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) là một trong những tuyến phố kiểu mẫu được thí điểm lát đá tự nhiên cho vỉa hè vào cuối năm 2016. Hiện tại, vỉa hè tuyến phố này đã rơi vào tình trạng xuống cấp, nhếch nhác, nhiều nơi còn sụp xuống, đọng nước. Ảnh: Thanh Xuân.

Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh cũng bị nứt nẻ, bong tróc hàng loạt.

Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh cũng bị nứt nẻ, bong tróc hàng loạt. Ảnh: Thanh Xuân.

Tôi lại nhìn lên vỉa hè Seoul, nghĩ về các cuộc ra quân chấn chỉnh sự nhếch nhác vỉa hè của Hà Nội nhưng cứ như bắt cóc bỏ đĩa và bỗng tự hỏi: Giữa cái sự dọn dẹp hè phố phong quang, trả lại vỉa hè cho người đi bộ và giữ cho hè đường sạch sẽ với việc phá bỏ vỉa hè cũ vẫn còn tốt để “mặc áo mới” nhưng chưa chắc đã tốt hơn ấy thì cái nào cần thiết hơn? Tôi không biết các bạn sẽ chọn cái nào, nhưng nhìn vào vỉa hè ở Hàn Quốc thì câu trả lời đã rõ: Vỉa hè, lòng đường sạch sẽ, không một cọng rác, không có cảnh kê bàn ghế, bày hàng quán lấn hết vỉa hè hay biến vỉa hè thành bãi đỗ xe; và vẫn giữ nguyên gạch block con sâu lát hè vì nó vẫn còn tốt mà cũng không hề xấu.

Còn chính quyền thành phố Hà Nội chọn phương án nào thì cũng đã quá rõ.

Tôi chia sẻ những nhận xét và quan điểm này với một số người trong đoàn, mọi người đều cười ồ lên: Không lát đi lát lại thì làm gì đẻ được ra dự án, mà không có dự án thì lấy đâu phết phẩy…

Tôi không đồng tình với quan điểm này, vì nếu như thế thì chả hóa ra, cán bộ mình tệ đến thế sao???

Nhưng tôi về Hà Nội, đứng trên vỉa hè phố Hoa Lư mà những viên đá sắp sửa hất tung những viên gạch block vào lịch sử thì lại tự hỏi: Vậy khi lập và phê duyệt dự án lát vỉa hè bằng gạch block này, người ta tính tuổi thọ của nó là bao nhiêu năm? Nếu chỉ đến thời điểm này đã hết đời thì quả là quá ngắn ngủi; và nếu một công trình xây dựng tuổi thọ chỉ ngắn đến thế thì tại sao lại vẫn phê duyệt? Còn nếu tuổi thọ của nó vẫn còn thì tại sao lại phá bỏ để làm mới cho tốn tiền dân? Trong cả hai trường hợp này, người phê duyệt đều có lỗi, thậm chí là có tội!

Có đôi điều rút ra: Chính quyền thành phố Seoul không quá cầu kỳ trong việc lát vỉa hè nhưng lại rất chú trọng giữ gìn vệ sinh và bộ mặt đường phố trật tự, ngăn nắp, phong quang, sạch sẽ. Còn chính quyền thành phố Hà Nội lao tâm khổ tứ quá nhiều trong việc chọn cái gì lát lên vỉa hè (đồng nghĩa với việc tốn quá nhiều tiền), nhưng lại để hè phố nhếch nhác, lộn xộn như một cái chợ trời.

Để kết thúc bài viết này, xin nhấn mạnh, tôi không phải là người sùng bái ngoại. Tôi cũng nghĩ, không phải cái gì của nước ngoài cũng là tốt và cần học.

Nhưng có một điều, học sự tránh lãng phí từ bất kỳ ai cũng là cần thiết và đều không bị chê là ngu!