Đã đến lúc ô tô đi và dừng đỗ trên vỉa hè sẽ bị xử phạt nặng?
Cập nhật lúc: 08/02/2019, 02:12
Cập nhật lúc: 08/02/2019, 02:12
Kết cấu vỉa hè chỉ có thể đủ sức chịu đựng với người đi bộ, trước tình trạng một loạt các phương tiện ô tô trọng tải lớn đỗ, đi trên vỉa hè như vậy thì vỉa hè rơi vào tình trạng nứt, sụt lún là điều không tránh khỏi. Ảnh: TL
Hiện nay, nhiều vỉa hè tại TP Hà Nội bị trưng dụng làm nơi dừng đỗ các phương tiện, trong đó có ô tô. Thậm chí, nhiều điểm trông giữ xe đã được dựng lên, sử dụng mặt bằng từ chính những vỉa hè phố.
Điều này không những khiến không gian của người đi bộ bị thu hẹp mà còn là tác nhân gây ra tình trạng xuống cấp, hư hỏng vỉa hè trên nhiều tuyến phố.
Đánh giá về tình trạng trên, ông Hoàng Thế Tùng - Vụ phó Vụ An toàn giao thông (thuộc Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, vỉa hè vốn là nơi dành riêng cho người đi bộ. Do đó, kết cấu của vỉa hè mang tính đặc thù và có sự khác biệt rất lớn so với lòng đường và những mặt bằng hạ tầng giao thông khác.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là vỉa hè có kết cấu cường độ nhẹ hơn so với đường. Điều này khiến vỉa hè chịu được áp lực tải trọng phương tiện di chuyển trên bề mặt thấp hơn nhiều. Khi nhiều phương tiện di chuyển trên vỉa hè, đặc biệt là phương tiện có tải trọng lớn như ô tô sẽ dễ khiến kết cầu này bị phá vỡ, từ đó dẫn đến hiện tượng sụt lún, bong tróc, xuống cấp của vỉa hè.
Vụ phó Vụ An toàn giao thông cho rằng, hiện nay do thực tiễn đời sống, đặc biệt là mặt bằng dừng đỗ xe ô tô ở Hà Nội ngày càng hạn chế nên tình trạng ô tô đi trên vỉa hè, dừng đỗ trên vỉa hè và cả những điểm trông giữ xe được tổ chức ngay trên vỉa hè xuất hiện ngày càng nhiều.
Điều này vừa khiến vỉa hè xuống cấp, vừa hạn chế không gian của người đi bộ cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi bộ. “Các lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm để răn đe và ngăn nguy cơ tai nạn cho người đi bộ” – ông Tùng đề nghị.
Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi ô tô đi trên vỉa hè đã có chế tài xử phạt từ lâu. Điều này được quy định cụ thể trong Nghị định 46/2016 của Chính phủ với chế tài xử phạt rất nặng.
Theo Luật sư Ứng, tại điểm c khoản 4 điều 5 Nghị định 46 quy định các hành vi người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà sẽ bị xử phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
“Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển ô tô vi phạm một trong những điều trên có thể sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Trong trường hợp thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng” – Luật sư Ứng cho hay.
Thanh Hương
16:32, 07/02/2019
15:10, 07/02/2019
04:00, 06/02/2019