21/11/2024 | 23:37 GMT+7, Hà Nội

Tự chủ đại học: Các trường chủ động xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách

Cập nhật lúc: 24/10/2017, 01:40

Theo báo cáo đánh giá của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục đại học đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận.

Trình bày tại Hội nghị, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 nhóm nghiên cứu cho biết mô hình thí điểm tự chủ ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục đại học đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận.

Các trường tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn nữa trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.

tại Việt Nam chỉ là 36,2% cơ sở có Hội đồng trường. Ảnh Hải Nam.

tại Việt Nam chỉ là 36,2% cơ sở có Hội đồng trường. Ảnh Hải Nam.

Thời gian mở ngành nhanh chóng hơn giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở ngành đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội. Đào tạo chính quy đại trà có phần suy giảm, trong khi quy mô các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2015.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, số đề tài khoa học công nghệ được phê duyệt từ 2013 - 2016 nhìn chung tăng lên. Tổng số đề tài trung bình hàng năm khoảng 500 đề tài. Số lượng các công trình được công bố của 12 trường tự chủ cũng tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013 - 2016, trong đó số lượng bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng từ 574 bài năm 2013 lên 1437 bài năm 2016.

Về tổ chức bộ máy, các trường chủ động hơn trong thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể, nâng cấp các đơn vị trong trường, nhà trường. Sự sắp xếp lại tổ chức đem lại những hiệu quả tích cực. Cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý hơn do lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên, trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên, nhân viên) giảm xuống.

Tự chủ đại học, tỷ lệ giảng viên chức danh GS và PGS tại các trường tự chủ trên 2 năm chiếm 9,2% tổng số giảng viên của các trường và lớn hơn khá nhiều so với tỷ lệ 6% trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị từ thạc sĩ trở lên tại các trường tự chủ đã tăng lên so với giai đoạn trước tự chủ.

Đến nay đã có 8/12 trường tự chủ trên 2 năm đã thành lập Hội đồng trường, chiếm tỷ lệ 66,7% - so với các trường chưa tự chủ, và tổng thể tỷ lệ các trường đại học tự chủ, có Hội đồng trường cao hơn rất nhiều (tỷ lệ cho các nhóm trường chưa tự chủ là 32,1% và tổng thể các trường đại học tại Việt Nam chỉ là 36,2% cơ sở có Hội đồng trường.

Về tài chính, tổng thu (không tính đầu tư xây dựng cơ bản) giai đoạn sau tự chủ so với trước tự chủ tăng 16,6%. Cơ cấu các khoản thu của các trường đại học công lập tự chủ chưa có sự thay đổi rõ rệt trước và sau tự chủ.

Thu từ học phí tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ và vẫn là nguồn thu chính của các trường đại học, chiếm trên 70% tổng thu của các trường.

Cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… Các trường có thể chủ động nhiều hơn trong đầu tư mua sắm; chi học bổng cho sinh viên tăng từ 98 tỷ lên 137 tỷ, tỷ lệ gần 40%...

Cùng với việc tăng học phí, các trường đã thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đối với người học, thực hiện chính sách xã hội hóa đối với người học, có những thay đổi về chính sách học bổng và học phí đối với đối tượng chính sách.