18/01/2025 | 14:56 GMT+7, Hà Nội

Từ 15/2, CSGT được quyền trưng dụng tài sản

Cập nhật lúc: 16/02/2016, 05:16

Kể từ ngày 15/2/2016, Thông tư 01 của Bộ Công an quy định về quyền trưng dụng tài sản của CSGT chính thức có hiệu lực.

Theo Thông tư 01, từ ngày 15/2/2016, CSGT chính thức có quyền hạn "trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật” (điểm 6, khoản 5).

Thông tư này thay thế cho thông tư 65 đã được ban hành trước đó.

Về nội dung của thông tư, nhiều người dân và chuyên gia đã tỏ ra lo ngại. Tuy nhiên, ngày 4/2 vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đã ký Công văn số 525/C67-P9 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải thích rõ nội dung thực hiện Thông tư 01 nhằm giúp người dân yên tâm.

Công văn ghi rõ "Riêng lực lượng CSGT chỉ được thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an".

Ngoài ra, trong trường hợp đang thực hiện nhiệm vụ mà xảy ra tình huống cấp bách, cần thiết... CSGT có thể thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và người sử dụng, người điều khiển phương tiện đó.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, Thông tư 01 không đi ngược lại những văn bản pháp luật hiện hành như Luật Trưng mua, Trưng dụng Tài sản năm 2008 (về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục...) và Luật Công an nhân dân năm 2014.

Như vậy, quyền hạn trưng dụng phương tiện giao thông hay thông tin liên lạc,... mà lực lượng CSGT thực hiện phải được dựa trên sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an. 

Thông tư 01 cũng cho phép CSGT xử phạt không cần lập biên bản khi điều 15 quy định: "Đối với vi phạm thuộc trường hợp không phải lập biên bản vi phạm hành chính hoặc thuộc thẩm quyền của mình mà không cần điều tra xác minh thì có thể ra quyết định xử phạt tại chỗ hoặc ngay trong thời gian thực hiện ca tuần tra, kiểm soát...".

Cụ thể, các lỗi có thể xử phạt không cần lập biên bản vi phạm hành chính, nhà chức trách lý giải, cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ trên đường được ra quyết định xử phạt tại chỗ không quá 250.000 đồng gồm có: Người không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành vạch kẻ đường, không chấp hành chỉ dẫn của biển báo... song có đầy đủ giấy tờ theo quy định.