20/05/2025 | 14:05 GMT+7, Hà Nội

TS. Nguyễn Minh Thảo: Đây là thời điểm vàng để cải thiện môi trường kinh doanh

Cập nhật lúc: 20/05/2025, 07:29

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 198/2025/QH15, cụ thể hóa các mục tiêu cải cách thể chế đã được nêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Một trong những điểm nhấn làm "nức lòng" cộng đồng doanh nghiệp là yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh - kiểm tra chồng chéo, đảm bảo không quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Trao đổi với Reatimes, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược khẳng định, đây là thời điểm vàng để hành động. Bởi tinh thần cải cách đã rõ, năng lượng cải cách đang lên cao, và doanh nghiệp đang rất mong mỏi nhìn thấy những thay đổi mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh.

PV: Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết 198/2025/QH15, quyết nghị một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm phát triển kinh tế tư nhân đã đề ra tại Nghị quyết 68 - NQ/TW của Bộ Chính trị. Là người nhiều năm theo sát các nỗ lực cải cách thể chế hỗ trợ doanh nghiệp, bà nhìn nhận thế nào về những đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh mà những Nghị quyết này mang lại?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là một bước ngoặt quan trọng trong tư duy phát triển kinh tế của Đảng. Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được xác định rõ là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế và là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động, và có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng khu vực tư nhân đạt 10 - 12%/năm, cao hơn bình quân chung của nền kinh tế…

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược.

Để đạt được những mục tiêu này, Nghị quyết đề ra các giải pháp toàn diện: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn, công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu vào các lĩnh vực trọng yếu như hạ tầng, công nghiệp quốc phòng, và công nghệ cao.

Có thể nói, Nghị quyết đã đặt ra những mục tiêu rất tham vọng, và đi kèm với nó là những giải pháp tương ứng. Tôi đánh giá cao tính bao quát và độ phủ của Nghị quyết đối với khu vực kinh tế tư nhân, một khu vực vốn rất đa dạng, không đồng nhất về quy mô, hình thức tổ chức và trình độ quản trị. Tinh thần cải cách mà Nghị quyết 68 đặt ra là rất mạnh mẽ, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực thực thi chính sách.

Với tinh thần đó, Nghị quyết 198 mà Quốc hội vừa thông qua đã cụ thể hoá thêm một bước những mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh đã đặt ra ở Nghị quyết 68. Điểm mấu chốt hiện nay chính là cách làm như thế nào, và giải pháp được cụ thể hóa hơn nữa ra sao để có thể đưa các Nghị quyết vào cuộc sống hiệu quả. Đây cũng chính là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong chờ

PV: Một trong những điểm được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt hoan nghênh là yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài và không cần thiết; đồng thời bảo đảm nguyên tắc chỉ thanh - kiểm tra không quá một lần mỗi năm, trừ khi có bằng chứng rõ ràng về vi phạm. Có lẽ bà cũng đã nhiều lần lắng nghe những phản ánh từ doanh nghiệp về vấn đề này. Theo bà, quy định nêu trên có ý nghĩa ra sao trong việc giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Đây là chỉ đạo rất thiết thực và đúng với mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều năm qua, một trong những gánh nặng lớn nhất mà khu vực tư nhân phải đối mặt là tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, từ nhiều cơ quan ban ngành. Có doanh nghiệp phản ánh, trong một năm phải tiếp hàng chục đoàn kiểm tra, có khi cùng một nội dung, cùng một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau. Doanh nghiệp phải bố trí riêng nhân sự chỉ để phục vụ tiếp đoàn, cung cấp hồ sơ, bổ sung giấy tờ liên tục. Nhiều cuộc kiểm tra kéo dài cả tháng trời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và việc sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng phải nói thêm, yêu cầu tháo gỡ gánh nặng thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp không phải là một nhóm giải pháp mới, nhưng nhiều năm qua chưa được thực hiện hiệu quả.

Điểm đặc biệt là lần đầu tiên chủ trương này được khẳng định rõ ràng trong một Nghị quyết mang tính chính trị cao của Bộ Chính trị. Khi đã là chỉ đạo của Đảng, thì tính ràng buộc và mức độ cam kết trong thực thi sẽ mạnh hơn rất nhiều.

Vừa rồi, tại Nghị quyết 198 của Quốc hội, ngoài việc nhấn mạnh quan điểm chỉ thanh tra mỗi năm 1 lần, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng tại Nghị quyết 68, thì còn làm rõ nội hàm: Số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có), bao gồm cả kiểm tra liên ngành, không được quá 01 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Đối với cùng một nội dung quản lý nhà nước, trường hợp đã tiến hành hoạt động thanh tra thì không thực hiện hoạt động kiểm tra, hoặc đã tiến hành kiểm tra thì không thực hiện hoạt động thanh tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Nếu thực hiện tốt thì sẽ giảm đi một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp.

PV: Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 Quốc hội ban hành đã nhấn mạnh "thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát". Vậy theo bà, cần lưu ý những yếu tố nào để quá trình chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm đạt được hiệu quả, thực chất, vừa đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Hậu kiểm đang được xác định là một trong những phương thức trọng tâm trong quản lý nhà nước hiện đại. Việc ưu tiên hậu kiểm giúp nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp. Tức là, nếu doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu pháp luật thì cứ chủ động thực hiện, còn cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra sau đó. Việc áp dụng hiệu quả chính sách ưu tiên hậu kiểm, sẽ giảm tải cho bộ máy hành chính, vừa thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn.

Tuy nhiên, để hậu kiểm hiệu quả thì cần các giải pháp thực thi cụ thể. Đầu tiên là phải áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong việc phân loại và lựa chọn đúng đối tượng hậu kiểm. Với gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động thì rất khó để cơ quan nào có thể đủ năng lực, nguồn lực và nhân sự để giám sát toàn bộ. Do đó, trong từng lĩnh vực quản lý, cần xây dựng hệ thống tiêu chí rủi ro riêng, xác định đâu là nhóm doanh nghiệp có nguy cơ cao để tập trung hậu kiểm phù hợp.

Trong đó, doanh nghiệp càng lớn thì tính tuân thủ pháp luật, điều kiện kinh doanh càng cao. Nếu cứ chọn doanh nghiệp lớn để thanh - kiểm tra thì dường như đang đi ngược với logic của quản trị rủi ro. Nghị quyết 68 quy định miễn kiểm tra thực tế với doanh nghiệp tuân thủ tốt, thì mỗi một lĩnh vực quản lý nhà nước phải có những tiêu chí khác nhau để đo lường thế nào là doanh nghiệp tuân thủ tốt. Một số lĩnh vực như thuế đã áp dụng cách tiếp cận này. Tuy nhiên, nhìn chung, phần lớn các cơ quan thanh tra chuyên ngành vẫn chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí cụ thể để đánh giá rủi ro hoặc mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.

Để khắc phục thì trước hết, phải nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan được giao nhiệm vụ hậu kiểm. Nhiều cơ quan hiện nay chưa đủ nguồn lực cả về nhân lực lẫn kinh phí để triển khai hoạt động hậu kiểm một cách thực chất. Trong khi đó, tính chất của hậu kiểm là phải đi đến tận cơ sở, điều tra, đối chiếu, phân tích, chứ không thể chỉ làm trên giấy tờ. Nhiều cơ quan có xu hướng ưu tiên tiền kiểm vì đơn giản hơn, chỉ cần ngồi xét duyệt, cấp phép. Do đó, nếu không đi kèm ngân sách, nhân lực, hoạt động này khó có thể triển khai được một cách hiệu quả.

Thứ hai, cần đầu tư cho hệ thống công nghệ và cơ sở dữ liệu dùng chung. Không thể kỳ vọng hiệu quả từ hậu kiểm nếu vẫn làm thủ công, phân tán và thiếu thông tin. Như vậy, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ công tác hậu kiểm, coi đó là một phương thức quản lý chính thức chứ không phải là nhiệm vụ bổ sung.

Cuối cùng, cần thiết lập một cơ chế đánh giá hiệu quả hậu kiểm, thông qua một đơn vị độc lập với các chỉ số cụ thể như: số doanh nghiệp được hậu kiểm, tỷ lệ vi phạm được phát hiện, mức độ cải thiện của doanh nghiệp sau hậu kiểm... Có như vậy, chúng ta mới có thể đo lường chính xác tác động và giá trị thực tế của hoạt động này.

PV: Như bà chia sẻ, thanh tra, kiểm tra là một hình thức của hậu kiểm. Vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng chéo đã từng được Chính phủ nhận diện và xử lý từ sớm. Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng năm 2017 đã yêu cầu không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá một lần mỗi năm, đồng thời yêu cầu rà soát, điều chỉnh kế hoạch để tránh trùng lặp giữa các lực lượng thanh tra, kiểm toán, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, việc thanh tra - kiểm tra chồng chéo lại tái diễn. Liệu lần này có còn lo ngại này không, thưa bà?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Đúng là trên thực tế, doanh nghiệp thường chịu sự giám sát từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp khác nhau, như cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, thanh tra lao động, môi trường, y tế, xây dựng, quản lý thị trường, phòng cháy chữa cháy, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm… Chỉ cần mỗi cơ quan này thanh tra một lần/năm thì doanh nghiệp cũng đã phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra.

Chỉ thị 20/CT-TTg ban hành năm 2017 đã yêu cầu không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá một lần mỗi năm, đồng thời yêu cầu rà soát, điều chỉnh kế hoạch để tránh trùng lặp giữa các lực lượng thanh tra, kiểm toán, kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, việc thanh tra- kiểm tra chồng chéo chỉ hạn chế được một thời gian. Tháng 10/2024, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1182/QĐ-TTg, bãi bỏ Chỉ thị 20, giao Thanh tra Chính phủ hướng dẫn lại hoạt động thanh tra, kiểm tra theo Luật và các nghị định mới như Nghị định 43/2023/NĐ-CP và Nghị định 03/2024/NĐ-CP. Điều này cho thấy việc hiện thực hóa nguyên tắc "chỉ kiểm tra một lần/năm" là không đơn giản, nếu không có cơ chế nhận diện và điều phối giữa các cơ quan có thẩm quyền.

Đáng mừng là Nghị quyết 198 của Quốc hội đã làm rõ nội hàm của nguyên tắc "chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 01 lần đối với doanh nghiệp" như tôi đã chia sẻ, tránh tình trạng mỗi bộ, ngành đều có thể viện dẫn rằng họ chỉ kiểm tra một lần duy nhất về lĩnh vực chuyên ngành của mình, dẫn đến chồng chéo.

Nhưng bên cạnh đó, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan với nhau. Cần xác lập được một cơ quan đầu mối có trách nhiệm điều phối hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa các ngành và các cấp, để nguyên tắc "chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần đối với doanh nghiệp" được thực thi một cách nghiêm túc và nhất quán.

PV: Trước đây, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng “trên thoáng dưới tắc” trong thực thi chính sách. Theo bà, cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này? Và việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên được đo lường ra sao để phản ánh đúng chất lượng và hiệu quả cải cách?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Thực tế, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương rất đúng và kịp thời, nhưng quá trình thực thi ở cấp bộ, ngành, địa phương lại chưa nhất quán, thậm chí còn có biểu hiện né tránh, trì hoãn hoặc thực hiện hình thức.

Để khắc phục tình trạng này, đầu tiên cần thiết lập cơ chế giám sát độc lập và minh bạch đối với việc thực thi các chủ trương cải cách. Chúng ta không thể đánh giá cải cách chỉ bằng số lượng văn bản ban hành, mà phải đo bằng mức độ thay đổi thực sự trong hành vi quản lý và trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, cần áp dụng cách tiếp cận theo hướng “cải cách có kiểm chứng”, tức là các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh cần đi kèm chỉ số đo lường kết quả đầu ra. Ví dụ, có bao nhiêu điều kiện kinh doanh thực sự được cắt giảm, bao nhiêu quy trình được rút gọn, thời gian, chi phí tuân thủ giảm bao nhiêu phần trăm, hay phản hồi của doanh nghiệp có tích cực không...

Đồng thời, cần thúc đẩy cơ chế gắn trách nhiệm cá nhân hóa trong thực thi cải cách, nghĩa là cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương. Không thể để cải cách bị tắc nghẽn mà không xác định rõ ai chịu trách nhiệm. Trách nhiệm này cần được thể hiện minh bạch thông qua việc công bố kết quả thực hiện cải cách ở từng đơn vị, từng cá nhân liên quan, gắn với cơ chế đánh giá, khen thưởng hoặc kỷ luật phù hợp.

Khi trách nhiệm thực thi được cá thể hóa rõ ràng, có giám sát độc lập và đo lường minh bạch, thì cải cách mới có cơ hội đi vào thực chất, chạm được tới nhu cầu và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Chính sách cải thiện môi trường kinh doanh cần đi kèm đo lường kết quả. Ví dụ, có bao nhiêu điều kiện kinh doanh thực sự được cắt giảm, bao nhiêu quy trình được rút gọn, thời gian, chi phí tuân thủ giảm bao nhiêu phần trăm, phản hồi của doanh nghiệp có tích cực không...
TS. Nguyễn Minh Thảo

PV: Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong đó cũng có định hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, sau một số kết quả tích cực ban đầu, quá trình thực thi lại chững lại và chưa đạt như kỳ vọng. Theo bà, khi triển khai Nghị quyết 68 lần này, chúng ta cần rút ra bài học gì để tránh lặp lại những hạn chế trước đây?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Bất kỳ nghị quyết nào của Bộ Chính trị khi ban hành cũng đều mang theo kỳ vọng, nhiệt huyết thực thi rất lớn từ cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng quan trọng là làm sao để các mục tiêu, định hướng lớn được cụ thể hóa thành hành động rõ ràng, có lộ trình và được giám sát hiệu quả.

Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đưa ra năm 2017. Văn kiện này có nhiều chủ trương đúng đắn, đặc biệt trong cải cách thể chế và phát triển kinh tế tư nhân. Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2019, chúng ta đã chứng kiến những chuyển động tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó, các rào cản dần quay trở lại, thậm chí có phần nặng nề hơn trước.

Nghị quyết 68 lần này có phạm vi bao quát rộng hơn, mục tiêu tham vọng hơn và hệ thống giải pháp cũng toàn diện hơn so với Nghị quyết trước. Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, điều kiện tiên quyết là phải quyết liệt rà soát, sửa đổi các quy định hiện hành bằng công cụ quy phạm pháp luật, có cơ chế kiểm tra, giám sát lâu dài.

Điều quan trọng là kịp thời tận dụng được “sức nóng” từ sự đồng thuận chính trị, sự quan tâm của dư luận và tâm thế sẵn sàng hành động của cả hệ thống và sự kỳ vọng, tâm thế đón lấy cơ hội từ doanh nghiệp. Khi năng lượng cải cách đang lên cao chính là thời điểm vàng để triển khai. Nếu chậm trễ, sức nóng này sẽ nguội dần, mất đi cơ hội tạo ra những chuyển biến đột phá. Nhất là trong các ngành, lĩnh vực có tốc độ thay đổi nhanh chóng như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)... Nếu phải chờ 1 - 2 năm, thậm chí 3 - 5 năm mới có chính sách phát triển thì thời điểm “vàng” đã trôi qua, xu hướng công nghệ đã khác, và chúng ta lại lỡ nhịp.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!

Nguồn: https://reatimes.vn/ts-nguyen-minh-thao-day-la-thoi-diem-vang-de-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-202250518194744468.htm