16/05/2025 | 21:50 GMT+7, Hà Nội

Nghị quyết 68 khơi thông nguồn lực về vốn, tạo động lực cho DN tư nhân

Cập nhật lúc: 14/05/2025, 09:54

Khơi thông dòng vốn và đa dạng các nguồn vốn trong nền kinh tế đang là yêu cầu cấp bách để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn - Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, doanh nghiệp tư nhân có những điểm chưa bình đẳng so với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là về khả năng tiếp cận vốn.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp Nhà nước, nhờ mức độ tín nhiệm đối với ngân hàng cao, họ có khả năng tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng; còn doanh nghiệp FDI thì có lợi thế sử dụng nguồn vốn giá rẻ. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước phần lớn vay vốn qua ngân hàng với lãi suất tương đối cao so với các nước khác. Do vậy, doanh nghiệp tư nhân Việt cũng khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Bày tỏ quan điểm về khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân, PGS.TS. Nghiêm Thị Thà – Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam hiện đang gặp khó khăn trong huy động vốn tín dụng.

Dữ liệu khảo sát của VCCI trong năm 2023 cho thấy, có tới 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản đảm bảo hoặc không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ tài chính. Dù Nghị định 13/2023/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm Fintech trong ngân hàng đã có hiệu lực, nhưng kết quả triển khai vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Nghiêm Thị Thà cho biết thêm, hiện khu vực tư nhân nước ta mới chỉ huy động được khoảng 13% vốn qua thị trường chứng khoán – khá khiêm tốn so với mức 40% – 60% ở các nước phát triển. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm cũng còn ít, chỉ khoảng 30 quỹ đang hoạt động và có xu hướng phân bổ vốn chưa hợp lý khi phần lớn chỉ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ.

Khu vực tư nhân gặp khó trong việc huy động vốn

Có nhiều nguyên nhân khiến công tác huy động vốn tại khu vực tư nhân chưa đạt hiệu quả, và một trong những "điểm nghẽn" lớn nhất được PGS.TS. Nghiêm Thị Thà chỉ ra là sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng, thiếu đa dạng về kênh huy động vốn.

PGS.TS. Nghiêm Thị Thà khẳng định, trong bối cảnh Nghị quyết 68 đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, khơi thông các dòng vốn cho khu vực này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là chiến lược then chốt để phát triển kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới.

Theo đó, Nghị quyết yêu cầu phải có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vay; đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả trung ương và địa phương; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn bảo lãnh cho các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

PGS.TS. Nghiêm Thị Thà cho rằng, trước tiên, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách tài chính, thông qua việc xây dựng luật hoặc nghị định riêng về tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần sửa đổi các luật liên quan như Luật Hỗ trợ DNNVV 2017, bổ sung cơ chế bảo lãnh tín dụng, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, bà cũng đề cập đến đề xuất thành lập Quỹ Phát triển tài chính tư nhân quốc gia nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi dài hạn.

PGS.TS. Nghiêm Thị Thà

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nhấn mạnh, ngoài nguồn vốn vay từ ngân hàng, Nhà nước cần chú trọng đến các nguồn vốn khác, đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận với vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, các quỹ như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí tự nguyện.

Ở điểm này, PGS.TS. Nghiêm Thị Thà đề xuất, cần phát triển đa dạng các kênh huy động vốn; Nhà nước nên khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư tư nhân theo mô hình "matching fund" – đối ứng giữa nguồn vốn công và tư, tương tự như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Cuối cùng, để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khu vực tư nhân, PGS.TS Nghiêm Thị Thà cho biết, cần phải nâng cao năng lực tài chính và quản trị cho khu vực kinh tế này.

Nói chung, để có thể thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững thì việc huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính ngắn hạn và dài hạn là yêu cầu then chốt và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể trong nền kinh tế, bao gồm Nhà nước, hệ thống ngân hàng – tài chính, nhà đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân. Qua đó, dòng vốn được kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng vững chắc để doanh nghiệp tư nhân bứt tốc mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của đất nước./.

Nguồn: https://reatimes.vn/nghi-quyet-68-khoi-thong-nguon-luc-ve-von-tao-dong-luc-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-lon-manh-202250513155020584.htm