19/01/2025 | 23:49 GMT+7, Hà Nội

Trục lợi từ dịch bệnh: Đạo đức ở đâu?

Cập nhật lúc: 02/02/2020, 06:00

Vài chục ngàn đồng tăng giá cho một hộp khẩu trang y tế là món lợi nhuận có thể kiếm được từ sự hoang mang của đồng loại. Liệu họ có thể làm giàu từ hành vi ấy?

Hơn 1 tháng kể từ ngày bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virus corona bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Việt Nam là nước láng giềng có đường biên giới dài với Trung Quốc và đang nỗ lực, thực hiện mọi biện pháp để phòng, chống dịch.

Trong những ngày qua, mặc dù dịch bệnh do virus corona gây ra ở nước ta vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song lại xuất hiện nhiều câu chuyện buồn. Cái buồn ấy chính là vừa lo chống dịch chúng lại phải đồng thời chống luôn tăng giá, chống cả...tin đồn.

Những thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh được tung lên mạng xã hội gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Người người, nhà nhà lo sợ đổ xô đi mua khẩu trang, xà phòng diệt khuẩn khiến những mặt hàng này tăng "phi mã".

Hình ảnh đẹp về những người cấp phát khẩu trang miễn phí

Ngày thường một hộp khẩu trang y tế có vài chục ngàn đồng thì nay có lúc tăng lên cả nửa triệu. Có những cơ sở còn găm hàng thổi giá. Cơ quan chức năng đã vào cuộc, một vài đơn vị bị xử phạt, song người dân thì chưa hẳn đã yên tâm.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiên quyết chỉ đạo: "Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hiệu thuốc tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”.

Ở Trung Quốc, trung tâm của dịch bệnh, có một hiệu thuốc ở Thiên Tân trục lợi bằng cách tăng giá khẩu trang từ 19 tệ mỗi cái lên 68 tệ (gấp 3,4 lần), một nhà thuốc khác ở Bắc Kinh cũng trục lợi bằng cách tăng giá khẩu trang gấp 6 lần, cả hai nhà thuốc này bị chính quyền phạt 3 triệu NDT, tương ứng với 10 tỉ đồng tiền Việt.

Hãy nhớ rằng, không một pháp luật nào, dù hoàn thiện đến đâu chăng nữa cũng khó có thể là chuẩn mực cho mọi hành vi, trong đó có đạo đức kinh doanh. Nó không thể thay thế vai trò của đạo đức kinh doanh trong việc khuyến khích mọi người làm việc thiện, tác động vào lương tâm của mỗi người.

Người ta muốn làm giàu trên sự "hỗn loạn" của đồng loại? Tiền có thể làm được gì nếu như không thể khắc chế được đại dịch lây lan ra cả cộng đồng? Đặt câu hỏi đạo đức ở đâu trong trường hợp không biết dư thừa.

Chợt nhớ đến nhà đạo đức và kinh tế nổi tiếng người Nhật Bản ông Ninomiya Sontoku từng nói rằng “phú quý tại trời”, nếu hành vi của mình phù hợp thiên lý thì giàu có không cầu mà tự đến. Người làm buôn bán, tốt nhất không nên có ý nghĩ làm việc bất chính để giàu nhanh, phải có đạo kinh doanh, làm tốt bổn phận bằng trái tim chân thành và cần cù thì giàu có rồi sẽ đến. Nếu chỉ biết lợi ích nhất thời, làm trái đạo thương mại là tự chuốc lấy tai họa.

Không xấu hổ sao được khi trong xã hội văn minh này vẫn tồn tại kiểu làm ăn "chộp giật", "ăn xổi" giữa lúc cần nhiều hơn sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua những biến động của cuộc sống.

Đúng dịp dịch bệnh đang hoành hành thì chốn thiền môn vẫn nghi ngút khói hương, rì rầm cầu khấn. Có ai trong số đó cầu cho quốc thái dân an, tiêu tan dịch bệnh? Mâm cao cỗ đầy bày ra trước Phật chẳng biết họ cầu khấn điều gì nếu không kìm hãm lòng tham và tự tu sửa chính mình?

Tất nhiên, giữa cái bát nháo vô đạo ấy vẫn là phần nhiều những tấm lòng thiện, những trái tim vì cộng đồng. Chúng ta ít nhiều thấy ấm lòng khi xuất hiện ở khắp nơi những địa chỉ cung cấp những chiếc khẩu trang miễn phí, thậm chí mang phát cho người đi đường. Những hành động ấy thật ý nghĩa và vô cùng đẹp.

Chỉ cần chúng ta lan tỏa đi những hành động thiện lương ấy thì đại dịch ắt bị đẩy lùi.