19/01/2025 | 11:50 GMT+7, Hà Nội

Trẻ dễ mắc rối loạn này vì bị “nhồi” ngoại ngữ sớm

Cập nhật lúc: 26/10/2018, 09:00

Tại các thành phố, không khó bắt gặp trường hợp trẻ em từ 3-4 tuổi đã “bắn” tiếng Anh như gió tại các địa điểm công cộng, trong thang máy… Trong khi cha mẹ lấy làm vinh hạnh ngỡ con như “thần đồng”, song nhiều chuyên gia cho rằng, trẻ dễ bị rối loạn ngôn ngữ do bị ép học ngoại ngữ từ quá sớm.

 Cho trẻ học ngoại ngữ sớm là một xu hướng khá phổ biến của các bậc phụ huynh tại các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Q.A

Cho trẻ học ngoại ngữ sớm là một xu hướng khá phổ biến của các bậc phụ huynh tại các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Q.A

“Bắn” ngoại ngữ như gió từ nhỏ

Trong điều kiện xã hội phát triển như hiện nay, tại các thành phố lớn, không khó bắt gặp trường hợp trẻ em từ 3 - 4 tuổi đã “bắn” tiếng Anh như gió tại các địa điểm công cộng, trong thang máy… Khi thấy con nói ngoại ngữ, nhiều phụ huynh lấy làm phấn khích. Thậm chí, không ít phụ huynh tỏ thái độ nghiêm khắc nếu con lỡ “lọt” một câu tiếng Việt trong lúc hội thoại.

Anh N.Hưng (sinh sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, anh cho con tiếp cận ngoại ngữ từ khá sớm, cụ thể là học Tiếng Anh từ lúc 3 tuổi. Ban đầu, anh tự dạy con thông qua một số tranh, đồ vật, xem hướng dẫn trên tivi... Thấy con có khả năng tiếp thu ngoại ngữ và rất hào hứng, anh đăng ký học tại trung tâm cho con. Khi về nhà, con học trên phần mềm kết nối Internet. Sau vài năm, khả năng phát âm của con cũng khá tốt, lưu loát và nói “tay bo” với người nước ngoài không bị vấp, sai.

“Khả năng tiếng Anh của con là khá tốt, giáo viên đánh giá là gần ngang bằng với trẻ em các nước nói tiếng Anh. Tuy nhiên, khi lên lớp 1 con lại gặp chút khó khăn khi học tiếng Việt vì nhiều từ con không hiểu, đôi khi bị lẫn giữa hai ngôn ngữ vừa tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Cô giáo cũng trao đổi và gia đình cũng đã tăng thời lượng kèm con ở môn Tiếng Việt, giải thích nghĩa của các từ cho con hiểu. Tuy nhiên, hàng tuần vẫn đưa con đi học ở trung tâm vì con đã quen, rất thích học Tiếng Anh”, anh Hưng chia sẻ thêm.

Trên thực tế, không ít gia đình cho con tiếp cận sớm, nhiều trẻ “nghiện” dùng máy tính bảng, xem Youtube… và phát âm ngoại ngữ “làu làu”, quên cả tiếng mẹ đẻ. Những trẻ em này, trong khi bố mẹ, người thân coi là “thần đồng” thì các chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý lại cho rằng đây là hội chứng rối loạn ngôn ngữ.

Ép con học từ sớm là phản tác dụng

Nhiều năm nghiên cứu về não bộ, khả năng phát triển của trẻ em, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho biết, có tình trạng trẻ bị sang chấn tâm lý nếu ép buộc trẻ học ngoại ngữ không đúng cách. Trẻ chỉ “chụp” hình thức nói theo, làm theo chứ không hiểu về vấn đề, sự việc, hiện tượng.

Cũng theo PGS.TS Kỳ Anh, trong giai đoạn dưới 6 tuổi được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 0 - 3 tuổi là giai đoạn trẻ tiếp cận và phát triển mạnh về ngôn ngữ. Giai đoạn này, trẻ nghi nhớ nhanh và lâu về ngôn ngữ. Do đó, phụ huynh cần hiểu để kích thích, giáo dục sớm cho trẻ phát triển, tránh bỏ lỡ cơ hội phát triển cho trẻ. Tuy nhiên, kích thích ra sao, cần tuân thủ đúng phương pháp, tần suất tác động chứ không thể ép buộc, can thiệp tần suất cao.

Lấy ví dụ từ chính “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, PGS.TS Kỳ Anh cho rằng: “Cháu Nam có khả năng ngoại ngữ tốt như vậy, nhiều khả năng đã được “học” ngay từ trong bụng mẹ, quá trình thai giáo, não bộ được tiếp cận với tiếng Anh và khi còn nhỏ cũng hay được bố mẹ cho tiếp xúc, học tiếng Anh thông qua nhiều hình thức. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt, cha mẹ không nên áp đặt con cái, mà cho trẻ tiếp xúc sớm, cho trẻ làm quen dần và tôn trọng sở thích của trẻ, nếu không sẽ phản tác dụng. Giáo dục sớm cần được tiến hành một cách khoa học, chứ không nên chạy theo lời giới thiệu, quảng cáo bán sản phẩm, dịch vụ của một số nơi”.

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện tượng trẻ bị rối loạn ngôn ngữ đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây số trẻ bị triệu chứng này ngày càng nhiều hơn do trào lưu và kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Để con nói tốt 2 ngôn ngữ là một mong muốn chính đáng, song cần lựa chọn ngôn ngữ và độ tuổi cho trẻ tiếp cận. Thông thường, trẻ từ 4 tuổi trở lên mới thuần thục ngôn ngữ mẹ đẻ, nếu chưa thuần thục mà đã cho con tiếp cận ngôn ngữ mới dẫn đến giao thoa, lẫn lộn ngôn ngữ. Một số giáo viên Ngoại ngữ lại cho rằng, trẻ vẫn có thể tiếp xúc tiếng Anh từ sớm nhưng nên khống chế thời lượng, có giao tiếp và kiểm soát của người lớn. Không nên phó mặc giao con mình cho các trung tâm, lạm dụng chương trình tự học trên mạng Internet.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (có trụ sở tại Hà Nội), hai năm vừa qua, mỗi tháng đơn vị này phải tiếp nhận trung bình 50 trẻ được bố mẹ đưa đến xin trị liệu. Trong đó, có nhiều trường hợp bị rối loạn ngôn ngữ có sự nhầm lẫn giữa tiếng Việt và tiếng Anh, trẻ sử dụng ít tiếng Việt và dùng nhiều tiếng Anh mà chưa hiểu rõ về ý nghĩa của từ. Thường phải mất từ 2 - 3 năm trị liệu, khả năng ngôn ngữ của trẻ mới được cải thiện.

Quang Anh