27/04/2024 | 21:17 GMT+7, Hà Nội

Trao quyền cho Hà Nội để phát huy hiệu quả hợp tác công tư

Cập nhật lúc: 22/11/2023, 10:08

"TP Hà Nội cần phải được trao quyền, phân quyền để phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công - tư trong việc tái thiết những di sản công nghiệp thành những không gian phục vụ cộng đồng"...

Hà Nội đang nỗ lực tái thiết các di sản công nghiệp thành các không gian công cộng, hiện thực hóa tầm nhìn của Thành phố sáng tạo, Thành phố toàn cầu. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của chính quyền thành phố. Đó là đánh giá của TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam về vấn đề Hà Nội quy hoạch các không gian công cộng trong dự thảo quy hoạch Thủ đô lần này.

Bên lề Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được tổ chức vào sáng 21/11, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có trao đổi riêng với TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Hà Nội xoay quanh vấn đề này.

TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô
TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô

PV: Thưa ông, để giữ vững thương hiệu Thành phố Sáng tạo, TP Hà Nội đã có kế hoạch di dời một số nhà máy cũ ra khỏi nội đô hoặc cải tạo thành không gian công cộng, không gian sáng tạo. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực này của TP Hà Nội trong việc hướng đến quy hoạch xứng tầm, phù hợp với xu thế chung?

TS Emmanuel Cerise: Đầu tiên, tôi khẳng định chủ trương di dời và cải tạo những cơ sở công nghiệp cũ này của Hà Nội là vô cùng đúng đắn. Đây là xu thế chung mà rất nhiều nước trên thế giới đã từng làm. Tại Paris, vùng Ile-de-France, chúng tôi thường xuyên có những dự án cải tạo, chuyển đổi chức năng của những nhà máy là di sản công nghiệp cũ. Ở Paris, chúng tôi có những cơ sở nhà xưởng, công nghiệp từ thế kỷ 19. Những nhà máy này có thể được di dời hoặc ngừng sản xuất, được chính quyền thu hồi lại và phát triển thành những không gian sáng tạo văn hóa.

Không chỉ riêng ở Châu Âu mà còn là các nước Châu Á, ví dụ như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông… cũng có rất nhiều dự án tương tự và đã rất thành công.

Vấn đề nằm ở chỗ là chúng ta cần cố gắng duy trì chủ trương đúng đắn này và nhân rộng đối với những cơ sở công nghiệp khác.

Trước đây, thực tế là, một số cơ sở công nghiệp cũ của Hà Nội sau khi được di dời hoặc dừng hoạt động thì đã bị thu hồi để triển khai thành các khu chung cư, khu thương mại.

Xét về mặt đầu tư, tài chính thì đó vẫn là những dự án phát huy hiệu quả nhưng về khía cạnh văn hóa, theo tôi, chúng ta vẫn cần phải duy trì sự tiếp nối truyền thống, bản sắc của từng khu vực. Đó chính là câu chuyện về di sản đô thị. Không có thành phố hay không gian đô thị nào được hình thành từ một bãi đất trống mà đều từ một vùng đất, địa danh có lịch sử, và chúng ta cần phải duy trì được cái gọi là “ký ức đô thị”. Khi thực hiện những dự án di dời này, chúng ta cần giữ lại những không gian đó, "ký ức đô thị" tồn tại trong nó. Chúng ta không nên xóa nhòa tất cả chỉ để phục vụ cho mục đích kinh tế.

TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam
TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam

Có hai ví dụ điển hình tại Paris mà tôi muốn đề cập với bạn. Một là, trung tâm nghệ thuật đương đại 104 trong nội đô Paris. Trước đây, nơi này là một lò mổ từ thế kỷ 19, giờ đây đã được cải tạo thành một trung tâm nghệ thuật đương đại phong phú với nhiều hoạt động diễn ra thường xuyên.

Thứ 2 là vườn ươm doanh nghiệp sáng tạo mang tên Station F, trước đây là nhà xưởng công nghiệp tương tự như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Chúng tôi vẫn giữ lại nguyên công trình của nhà xưởng, chỉ cải tạo lại thành một vườn ươm doanh nghiệp. Hiện nay các Start-up của vùng đều tập trung vào đó. Họ tổ chức nhiều sự kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp để có thể bắt đầu hành trình thuận lợi.

PV: Thưa ông, chủ trương tái thiết các di sản công nghiệp này được đánh giá là đúng đắn. Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại những vướng mắc về cơ chế, luật pháp cần tháo gỡ. Ông có ý kiến gì về việc Hà Nội cần phải được trao quyền hay có những chính sách đặc thù để Thủ đô phát huy hết nguồn lực, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa?

TS Emmanuel Cerise: Về vấn đề pháp chế, tôi không phải là chuyên gia để đưa ra ý kiến về việc đó. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn quy hoạch, tôi thấy rằng, đối với những khu vực, địa điểm có tính chất là di sản công nghiệp, để phát huy giá trị thông qua chuyển đổi chức năng sử dụng nhằm phục vụ cho cộng đồng thì chính quyền TP Hà Nội cần kiểm soát được khung giá đất riêng cho những cơ sở công nghiệp cũ bởi bản chất những khu vực này đều là đất công.

Tiếp đến, cần phải phát huy mô hình hợp tác công tư, vì như vậy chúng ta sẽ có các đối tác là doanh nghiệp tư nhân. Chính quyền TP phải có quan điểm rõ ràng. Đối tác tư nhân có năng lực tài chính nhưng không được phép có thẩm quyền can thiệp sâu vào việc sử dụng đất công mà thẩm quyền đó vẫn thuộc về thành phố. Các nhà đầu tư tư nhân cần hiểu họ được chào đón và chính quyền sẵn sàng hợp tác với họ, nhưng không có nghĩa họ muốn làm gì cũng được. Nếu muốn hướng chức năng của những khu vực đó để phục vụ cộng đồng thì vai trò quyết định giá đất của TP nên là ưu tiên số 1.

Chúng ta có một khuôn khổ pháp lý - Luật Thủ đô, nhưng đến nay câu hỏi đặt ra là, Luật Thủ đô đã thực sự phân quyền nhiều cho chính quyền đô thị của Hà Nội chưa? Tôi cho rằng, so với các tỉnh thành khác trên cả nước, Hà Nội chắc chắn phải có những thẩm quyền riêng (đã quy định trong Luật Thủ đô). Nhưng chúng ta phải áp dụng và cụ thể hóa được nó, để chính quyền Hà Nội có được những lựa chọn linh hoạt hơn trong việc áp dụng mô hình hợp tác công tư.

PV: Thưa ông, những công trình Pháp cổ tại Hà Nội hiện tại vẫn mang giá trị lịch sử nhất định. Hà Nội nên có ưu tiên gì về việc khai thác, phát huy những di sản đó để giữ được bản sắc riêng và trong quy hoạch Thủ đô lần này, những điều này có cần được thể hiện không?

TS Emmanuel Cerise: Điều đầu tiên là nghiêm cấm các hành vi phá bỏ công trình, nếu muốn tháo dỡ cần phải thông qua những quy trình thẩm định đánh giá chặt chẽ. Qua đó, sẽ hạn chế những tư tưởng phá cũ xây mới, bởi khi phá bỏ đi thì chúng ta sẽ mất đi di sản.

Dù những dự án về bảo tồn và phát huy giá trị di sản là rất tốn kém, phức tạp, điển hình như công trình tại 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vừa qua, nhưng sau khi làm được thì đã chứng minh công sức của chúng ta là xứng đáng. Vì vậy, trong công tác quy hoạch Thủ đô, những vấn đề này đều cần phải được nhắc đến.

PV: Trân trọng cám ơn ông!

PGS-TS. Bùi Tất Thắng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam

Gần đây, TP Hà Nội đã nỗ lực biến những di sản công nghiệp để tạo ra những không gian văn hóa đặc sắc. Điển hình như trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đang diễn ra, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã trở trành trung tâm của Lễ hội với rất nhiều sự kiện văn hóa, thu hút người dân Thủ đô và khách du lịch.

Điều này cho thấy, Hà Nội đang rất quyết liệt, có hướng đi đúng theo xu thế của thế giới.

Tôi cho rằng, cần duy trì chủ trương và nhân rộng với các di sản khác như Ga Hàng cỏ, cầu Long Biên…., để cho thấy Hà Nội vừa tiếp nối truyền thống vừa hòa nhập với xu thế hiện đại vì trong quy hoạch Thủ đô lần này, Hà Nội hướng đến vai trò dẫn dắt và xứng tầm vươn ra thế giới chứ không chỉ so sánh với tỉnh, thành khác trong nước.

Trao quyền cho Hà Nội để phát huy hiệu quả hợp tác công tư
PGS-TS. Bùi Tất Thắng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô bên lề hội thảo.
 

Nguồn: https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/trao-quyen-cho-ha-noi-de-phat-huy-hieu-qua-hop-tac-cong-tu-86840.html