19/01/2025 | 10:14 GMT+7, Hà Nội

Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Hà Nội: \"Bệ phóng\" đánh thức tiềm năng

Cập nhật lúc: 20/11/2023, 10:17

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với các quy định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, nếu được thông qua sẽ có tác động rất lớn tới việc huy động, sử dụng nguồn vốn đầu tư, ngân sách Thủ đô.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, điều này không gây mâu thuẫn với các quy định hiện hành, thay vào đó, sẽ tăng tính chủ động, đánh thức tiềm năng rất lớn hiện có của thành phố.

Hà Nội cần lượng vốn đầu tư rất lớn

Thông tin tổng hợp từ UBND thành phố Hà Nội cho thấy, đối với lĩnh vực tài chính công, trong năm 2022, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Hà Nội đạt mức 332 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 18,3% tổng thu NSNN của cả nước. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, Hà Nội cần huy động và triển khai một lượng vốn đầu tư rất lớn đề xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình thể thao, văn hóa, y tế, giáo dục, thủy lợi, cấp thoát nước.

Hà Nội cần tới 4,7 triệu tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối trung tâm với đô thị vệ tinh, 888 nghìn tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị. Đó là chưa tính đến các nguồn vốn cho các dự án xe buýt công cộng, các cầu bắc qua sông Hồng, các công trình văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ khác nữa. Huy động được nguồn vốn khổng lồ này đã là một khó khăn nhưng việc sử dụng nguồn vốn, giải ngân, thực hiện đúng tiến độ các dự án cũng là thách thức không kém.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.

Đáng quan tâm hơn, tính tổng thể giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu chi của Thủ đô cho đầu tư phát triển 650 nghìn tỷ đồng nhưng khả năng ngân sách chỉ đáp ứng được 284,1 nghìn tỷ đồng, mức thiếu hụt là 365,8 nghìn tỷ đồng, hay 56% tổng nhu cầu chi. Dự báo tổng nhu cầu chi này sẽ tăng lên lên 704,8 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030, song mức thiếu hụt cũng được dự báo sẽ tăng lên mức 394,2 nghìn tỷ đồng.

Chỉ có những cơ chế đặc thù vượt trội thì mới có thể tạo nguồn lực nhằm giải quyết sự thiếu hụt này và mới có thể hoàn thành được một khối lượng khổng lồ kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là 9 tuyến được sắt đô thị, các tuyến đường nối các đô thị vệ tinh với trung tâm, các cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đà, hệ thống giao thông công cộng, y tế, giáo dục, các công trình văn hóa thể thao. Từ đó, tạo nền tảng để đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD, trong đó kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước và có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới vào năm 2045.

Tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Hà Nội

Trước việc Luật Thủ đô còn vắng các quy định và cơ chế cụ thể cần thiết trong phân cấp quản lý tài chính, ngân sách và đầu tư theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về phát triển Thủ đô, TS. Lê Duy Bình ủng hộ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có các quy định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, trong việc sử dụng ngân sách.

Theo TS Lê Duy Bình, việc phân cấp, phân quyền đã được khẳng định khá rõ cả về nguyên tắc thực hiện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 “căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình”.

Do vậy, nếu thực hiện sẽ tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Hà Nội trong việc sử dụng ngân sách. Chủ trương này phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn và điều kiện, tình hình cụ thể của Hà Nội để bảo đảm khả năng triển khai các dự án đầu tư, thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm và các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thực tiễn cũng cho thấy, việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp này cũng phù hợp với khả năng thực hiện của thành phố Hà Nội, được minh chứng rất rõ ràng qua việc chuẩn bị và triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà thành phố thực hiện với vai trò chủ đầu tư trong thời gian vừa qua.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm, sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô là điều luật mới so với Luật Thủ đô năm 2012, được xây dựng trên cơ sở luật hóa nhiều quy định đã được thông qua bởi Quốc hội bằng các nghị quyết khác nhau và có điều khoản được xây dựng mới (khoản 7).

PGS.TS Phạm Thị Giang Thu góp ý nên đưa ra định nghĩa về nguồn lực tài chính được đề cập trong phần giải thích từ ngữ (có bao gồm cả tài chính công hay tư). Cách nhìn nhận đúng về nguồn lực tài chính sẽ tạo ra căn cứ khoa học trong việc quy định các vấn đề về tài chính ngân sách trong Luật Thủ đô được đầy đủ. Cũng liên quan đến chế độ chi, cần xác định mối tương quan với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội tương ứng như là căn cứ để ban hành điều kiện, tiêu chuẩn; tỷ lệ cao hơn tối đa mà Hà Nội có thể ban hành so với Trung ương và so với địa bàn cùng điều kiện.

PGS.TS Phạm Thị Giang Thu kỳ vọng rằng các cơ chế đặc thù, phân cấp dành cho thành phố Hà Nội sẽ sớm được thông qua và đi vào thực tiễn với cơ chế giám sát tương ứng. Nhờ đó, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội trong điều kiện và bối cảnh mới; người dân Hà Nội và người dân cả nước sẽ sớm được hưởng lợi từ các chính sách, giải pháp chính sách và cơ chế đặc thù này.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/day-manh-phan-quyen-phan-cap-cho-ha-noi-be-phong-danh-thuc-tiem-nang-648473.html