Tràn lan sai phạm trong quản lý, sử dụng đất công
Cập nhật lúc: 02/11/2018, 11:30
Cập nhật lúc: 02/11/2018, 11:30
Theo đó, một số người đấu giá bị “tố” thông đồng "dìm" giá nhiều lô đất để hưởng mức chênh lệch. Cụ thể, trong vụ đấu giá đất công tại tổ dân phố 3 (thường gọi là cánh đồng La Trao, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô), các lô đất được bán cao hơn so với giá khởi điểm nhưng đến chiều cùng ngày, hầu hết các lô đất đấu giá chỉ cao hơn mức khởi điểm 1 bước giá (10%), điều này gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo một thành viên giám sát buổi đấu giá của một đơn vị trực thuộc UBND huyện Krông Nô cho biết, buổi đấu giá diễn ra ồn ào, người tham gia đi lại tự do, thỏa thuận dìm giá, không cho trả giá. Có sự thông đồng, móc nối giữa người có tài sản, người tham gia đấu giá và tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá… .
Theo đó, người này còn đưa ra nhiều dẫn chứng trong buổi đấu giá, cụ thể, lô G2.3 và G2.7 có giá khởi điểm hơn 600 triệu đồng, giá trúng đấu giá hơn 1,5 tỷ đồng, chênh lệch 900 triệu đồng và đây là mức giá phù hợp, có đấu giá thực sự. Trong khi đó, lô G2.4 (kế bên G2.3) và G2.6, G2.8 (sát bên G2.7) có giá khởi điểm hơn 600 triệu đồng nhưng giá trúng chỉ hơn giá khởi điểm 10 triệu và 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thành viên giám sát buổi đấu giá cũng đã báo cáo và kiến nghị UBND huyện Krông Nô không công nhận kết quả đấu giá đối với những lô đất mua bằng hoặc cao hơn 1 bước giá. Bên cạnh đó, kiến nghị UBND huyện yêu cầu công an làm rõ trách nhiệm của chủ đất đã có hành vi bao che, dìm giá… làm thiệt hại ngân sách Nhà nước.
“Dư luận xã hội đang bức xúc việc thỏa thuận, ăn chia giữa hội đồng và người tham gia đấu giá nên đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ, trả lời công khai trước nhân dân, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ”, báo cáo nêu rõ.
Theo UBND huyện Krông Nô, dự án cải tạo khu dân cư cánh đồng La Trao được thực hiện từ năm 2006. Theo lộ trình, hằng năm, huyện phân lô, bán đấu giá vào ngày 30/8 với 28 lô đất. Sau khi đấu giá, dư luận địa phương cũng cho rằng các đối tượng “cò đất” thông đồng nhau để dìm giá. Đến nay, UBND huyện chỉ thống nhất công nhận 11 lô đất trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm, tăng từ 3 - 4 bước giá; hiện tại, chưa phê duyệt 17 lô còn lại mà chờ kết quả điều tra.
Đó là trường hợp sai phạm về đất công của Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Đắk Nông (xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, Đắk Nông). Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiến hành xử lý các sai phạmtrong việc quản lý, sử dụng phần đất thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Đắk Nông đã thuê để làm trụ sở trước đó.
Theo đó, vào ngày 29/4/2009, UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Đắk Nông thuê gần 5.600m2 đất sát đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) tại xã Trúc Sơn, thời hạn thuê 50 năm (thu tiền sử dụng đất một lần). Nhưng Công ty này lại tự ý phân 7 lô đất trên tổng diện tích 1.500m2 đất mặt đường để bán.
Sau khi được thuê đất, Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Đắk Nông sử dụng khoảng 2.200m2 xây dựng văn phòng làm việc, diện tích còn lại làm sân chơi (khoảng 3.000) và dãy nhà ở 10 gian (320m2) cho người lao động. Tuy nhiên, đến năm 2016 dãy nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng, công ty muốn sử dụng quỹ đất nhà ở này và đất sân chơi để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Ngày 2/8/2017, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông yêu cầu trong vòng 15 ngày, công ty này phải nộp văn bản xin gia hạn sử dụng đất để lập các thủ tục. Đến nay, công ty chẳng những không thực hiện đúng yêu cầu của Sở mà còn tự ý phân lô, bán đất.
Từ các sai phạm này, Sở TN&MT Đắk Nông đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 1.500m2 đất sát đường Hồ Chí Minh đã giao cho Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Đắk Nông vì “không có văn bản xin gia hạn sử dụng đất đúng quy định, chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, sử dụng đất không đúng mục đích”.
Bên cạnh đó, Sở này cũng đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Cư Jút kiểm tra, xử lý việc xây dựng nhà trái phép trên diện tích đất nhà nước giao công ty sử dụng làm trụ sở.
Còn đối với trường hợp Công ty Cổ phần Lâm sản Đắk Lắk (địa chỉ tại số 20 đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh cho thuê 3.271m2 đất để xây dựng nhà kho từ ngày 11/6/1998, thời hạn thuê đất 20 năm. Ngày 4/2/2015, sau khi tỉnh đồng ý chủ trương quy hoạch đất để xây dựng trường Mầm non Quốc tế, công ty này đã tự ý phân lô, xây dựng ki-ốt cho thuê làm kho, kinh doanh. Từ tháng 8/2017, các ngành chức năng yêu cầu chấm dứt ngay hợp đồng cho thuê, cho mượn, sử dụng trái mục đích quỹ nhà đất công dưới mọi hình thức, nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến.
Tương tự, năm 2002, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Đắk Lắk được UBND tỉnh cho thuê hơn 4.500m2 đất tại TP. Buôn Ma Thuột để xây dựng trụ sở làm việc trong 20 năm.
Tuy nhiên, sau đó công ty này mở tường rào, xây dựng quán cà phê để kinh doanh (với diện tích 180m2). Vào tháng 8/2017, Sở Xây dựng đã có đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng, trả lại hiện trạng nhưng đến nay cơ sở kinh doanh này vẫn hoạt động bình thường.
Rất nhiều trường hợp khác vẫn đang diễn ra tương tự tại nhiều nơi, dư luận xã hội đang bức xúc việc thỏa thuận, ăn chia giữa hội đồng và người tham gia đấu giá cũng như việc sử dụng đất công trái phép. Trước thực trạng đó, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ, trả lời công khai trước nhân dân, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ.
Hoài Phương
23:47, 03/06/2018
00:11, 23/11/2017
23:01, 21/09/2017