21/11/2024 | 23:46 GMT+7, Hà Nội

Trả thực phẩm sạch về với giá trị thật?

Cập nhật lúc: 21/04/2018, 06:14

Thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ có thực sự đắt như chúng ta tưởng? Hay là chúng đã bị "thổi giá" để móc túi người tiêu dùng một cách vô lý?

Thổi giá vô tội vạ?

Theo anh Nguyễn Hoàng Phương, người sáng lập cộng đồng những người cung cấp và sử dụng thực phẩm sạch Greener, thực tế giá thành các loại thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ không đắt như mọi người nghĩ.

Tuy nhiên, người tiêu dùng đã và đang bị đẩy vào câu chuyện thổi phồng giá thành và chất lượng của các sản phẩm hữu sạch, thực phẩm hữu cơ.

Giá các loại thực phẩm sạch đang bị

Giá các loại thực phẩm sạch đang bị "thổi" vô tội vạ?

"Ngoài kia người ta bán 40.000 - 50.000 đồng/kg rau hữu cơ nhưng tôi bán với giá 21.000 đồng/kg đã có lãi rồi.", anh Phương chia sẻ.

Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, giá các loại rau sạch, tùy theo loại giấy chứng nhận mà chúng được đính kèm từ VietGap, Global Gap, PGS (chứng nhận hữu cơ toàn cầu), USDA (chứng nhận hữu cơ Mỹ), sẽ được "đẩy" lên mức 70.000 - 80.000 đồng/kg. Các loại rau rừng, rau được cho là tốt cho sức khỏe hay các loại rau ít nhà cung cấp thậm chí còn có giá cao hơn nhiều lần.

Các loại hoa quả, thực phẩm tươi sống cũng không nằm ngoài phạm vi bị thổi giá của các cửa hàng thực phẩm sạch.

Ví dụ như xoài cát Hòa Lộc, giá mua lẻ loại xoài này từ một cửa hàng thực phẩm sạch theo hình thức "bao ăn" (đảm bảo chất lượng từng quả) tại khu vực chợ Phạm Văn Hai, TPHCM từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Nếu tính thêm cước chuyển phát nhanh bằng máy bay, ra đến Hà Nội, mỗi cân xoài cát Hòa Lộc "xịn", loại không tẩm thuốc và chín cây sẽ có giá khoảng 110.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, các cửa hàng treo biển thực phẩm sạch tại Hà Nội đang bán loại trái cây này với giá 160-200.000 đồng/kg.

Các loại thực phẩm tươi sống, từ gà, bò, heo tôm, cá,... cũng cùng chung tình trạng này khi giá bán của chúng luôn cao gấp vài lần so với các sản phẩm cùng loại nhưng không được gắn mác thực phẩm sạch hoặc được bán ở các cửa hàng nhỏ thay vì các shop thực phẩm lớn.

Câu hỏi đặt ra là, các loại thực phẩm sạch thực sự có giá bao nhiêu?

Giá của thực phẩm sạch là bao nhiêu?

Rất khó để có thể tìm được mức giá thực tế của từng loại thực phẩm sạch vì mỗi cơ sở nuôi trồng, chế biến, mỗi đơn vị phân phối, bán lẻ,.. đều có quy trình riêng nên giá của các sản phẩm này là không có định.

Tuy nhiên, có một điều khẳng định là giá thành thực tế (bao gồm chi phí nuôi trồng, thu hoạch, đóng gói, phân phối, lợi nhuận thông thường...) của các loại thực phẩm này chắn chắn không cao như giá bán của chúng.

Ông Nguyễn Khánh Trình, CEO chuỗi cửa hàng Sói Biển Trung Thực từng bức xúc chia sẻ về các "chi phí ảo" của các mặt hàng thực phẩm sạch.

Mỗi loại thực phẩm sạch đều phải chịu nhiều

Mỗi loại thực phẩm sạch đều phải chịu nhiều "chi phí ảo".

"Một con heo chúng tôi sản xuất ra, nuôi trong 6 tháng 1 tuần, có giá vốn có thể chỉ 45,000đ/kg nhưng chi phí cho các loại giấy phép, các chi phí không tên có thể gấp 1.5 số đó. Do đó, nếu có bán ra 120,000đ/kg chúng tôi cũng chỉ có lãi ~ 5%. Còn nếu có hàng tồn, huỷ thì sẽ bị lỗ."

Còn theo giải thích của anh Nguyễn Hoàng Phương, với tính chất là một cộng đồng chung, Greener là nơi gặp gỡ trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, do vậy nếu gặp đúng những người sản xuất thực phẩm hữu cơ thì người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm với giá rất tốt. Còn trên thị trường, do qua khâu trung gian nên chi phí bị đẩy lên nhiều dẫn đến việc giá các loại thực phẩm đang khá đắt so với mặt bằng chung.

Không chỉ vậy, còn phải kể đến trường hợp các cửa hàng thực phẩm sạch cố tình "thổi" giá để thu lợi nhuận khủng hoặc bù đắp các chi phí vận hành quá lớn.

Các mặt hàng thực phẩm sạch đang đẩy gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng.

Các mặt hàng thực phẩm sạch đang đẩy gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng.

 "Các cửa hàng thực phẩm sạch đang bị lôi vào một vòng xoáy cạnh tranh. Họ thuê địa điểm "vàng" với chi phí cực đắt đỏ như các góc ngã 3, ngã 4 đường phố lớn, tầng trệt các khu đô thị sang trọng và đầu tư rất nhiều vào trang thiết bị, nhân sự và đặc biệt là chi phí quảng cáo khiến giá bán của sản phẩm bị đẩy lên gấp 3-4 lần so với giá thành ban đầu", anh Minh, một người kinh doanh thực phẩm lâu năm tại Hà Nội cho biết. 

Và tất nhiên, "khi có quá nhiều chi phí, các cửa hàng thực phẩm sạch sẽ đẩy gánh nặng này lên vai người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán", anh Minh nhận định.

Bên cạnh đó, còn một lý do khá... giời ơi nữa khiến giá bán các loại thực phẩm sạch bị thổi lên tận... mây xanh là do thói quen suy nghĩ "tiền nào của nấy" của một số người tiêu dùng. 

Suy nghĩ này bắt nguồn từ việc thị trường thực phẩm luôn nằm ở ngưỡng báo động trong những năm vừa qua, khiến nhiều bà nội chợ sẵn sàng móc hầu bao gấp đôi, gấp 3 khi đi chợ với kỳ vọng bỏ nhiều tiền thì sẽ mua được sản phẩm sạch. 

Như vậy, có thể thấy, giá trị thực sự của các loại thực phẩm sạch không hề cao chót vót như cái giá mà người tiêu dùng đang phải móc hầu bao ra trả. Phần lớn giá bán của các loại sản phẩm này nhằm chi trả cho các chi phí hành chính, mặt bằng, quảng cáo,... mà các chi phí này chỉ nhằm để giải quyết sự nhũng nhiễu của một số cán bộ nhà nước hoặc sự cạnh tranh giữa các thương hiệu chứ không nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, với quá nhiều các tầng bậc chồng chéo, việc tháo gỡ nút thắt về giá thực phẩm sạch và đưa chúng về đúng với giá trị thật để tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.