19/01/2025 | 09:29 GMT+7, Hà Nội

TP.HCM xử lý mạnh tay xe máy tự chế, xe quá "đát"

Cập nhật lúc: 22/10/2015, 06:38

Công an TPHCM đang thực hiện đợt cao điểm xử lý các loại xe mô tô 2 bánh không những không đảm bảo an toàn mà còn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Chiều 20/10, Công an thành phố Hồ Chí Minh tăng cường lực lượng thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý các loại xe mô tô 2 bánh không đảm bảo an toàn kỹ thuật trên địa bàn thành phố.

Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, hàng chục phương tiện xe máy cũ, quá hạn sử dụng, xe thay đổi kết cấu đã bị lực lượng tuần tra bắt giữ và xử lý hành chính. 

Trong 200 trường hợp bị xử phạt có đến 130 phương tiện đã bị tạm giữ trong ngày đầu tiên. Ngoài việc kiểm tra xử phạt trên đường phố, cảnh sát giao thông thành phố còn có kế hoạch kiểm tra đột xuất các điểm sửa chữa có nhận tự chế xe máy trái quy định. Dự kiến đợt cao điểm này sẽ kéo dài từ nay đến hết Tết Nguyên đán sắp tới.

Các phương tiện bị tạm giữ hầu hết vi phạm các lỗi không đảm bảo kỹ thuật để tham gia giao thông: như thay đổi dung tích xilanh, kết cấu khung sườn, thiếu đèn, gương chiếu hậu...

CSGT kiểm tra số khung, số máy của xe máy cũ

Trong đợt cao điểm này, Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Công an các địa phương tuần tra kiểm soát khép kín 24/24 giờ trên các tuyến đường của thành phố.

Tập trung vào các khu vực có hoạt động mua bán hàng hóa như các khu chợ, khu đông dân cư, tuyệt đối không để phát sinh tình trạng tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng và đua xe trái phép.

Đặc biệt đối với giấy đăng ký của phương tiện bị kiểm tra sẽ được đối chiếu với số khung, số máy thực tế của phương tiện đã bị tạm giữ.

Những trường hợp phát hiện có sự thay đổi về số khung, số máy và có liên quan đến một số vụ tai nạn giao thông xảy ra gần đây sẽ được tiến hành giám định tại Phòng Cảnh sát kỹ thuật hình sự, lấy lời khai người điều khiển, chủ phương tiện, chuyển hồ sơ vụ vi phạm qua Cơ quan Cảnh sát điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định. 

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ và Đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Gần đây xuất hiện nhiều xe gắn máy thay đổi kết cấu, đặc trưng của xe.

Thay đổi như vậy sẽ không bảo đảm an toàn khi lưu thông trên đường và gây nguy hiểm cho người điều khiển xe cũng như những người tham gia giao thông. Loại xe này rất dễ gây tai nạn và để lại hậu quả lớn. Hiện Công an thành phố đang quyết liệt xử lý loại xe này”.

Về việc xử lý đối với xe cũ nát, theo đại diện Phòng CSGT - CATP Hà Nội, xe cũ nát không chỉ gây mất an toàn đối với người điều khiển phương tiện mà còn tạo ra khói bụi, tiếng ồn, đặc biệt là tại các ngã ba, ngã tư, trong giờ cao điểm, khiến những người tham gia giao thông khác rất bức xúc.

Khi chủ các phương tiện này vi phạm các quy định về an toàn giao thông, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý do xe đã được mua đi bán lại nhiều lần nhưng không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ. Người điều khiển phương tiện thường “bỏ của chạy lấy người” do giá trị xe thấp. Do vậy, thủ tục xác minh chủ sở hữu xe và công tác thanh lý tài sản cũng gặp nhiều khó khăn. 

Xe máy cũ gây ô nhiễm môi trường

Theo Quyết định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ 1-1-2018, xe mô tô, xe gắn máy các loại, xe ô tô các loại hết thời hạn sử dụng sẽ buộc phải bị thu hồi, chấm dứt quá trình sử dụng. Hi vọng với quy định này, việc thu hồi phương tiện quá “đát” sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ từ nhóm phương tiện này.