19/01/2025 | 16:16 GMT+7, Hà Nội

TP.HCM dự kiến mở 6 tuyến buýt mini loại 17 ghế ngồi

Cập nhật lúc: 19/07/2020, 08:00

Sở GTVT TP.HCM đề xuất mở 6 tuyến buýt mini loại 17 ghế ngồi phục vụ người dân ở các tuyến đường nhỏ, hẻm trên địa bàn TP.

Theo đó, dự kiến có 6 tuyến xe buýt mini được thí điểm hoạt động giữa các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông của thành phố, kết nối với tàu Metro trong tương lai và các tuyến xe buýt khác. Phương tiện sử dụng là ôtô dưới 17 chỗ (không có chỗ đứng), giá vé 30.000-40.000 đồng trong giờ cao điểm và 10.000-30.000 đồng giờ thấp điểm.

Cụ thể, lộ trình 6 tuyến buýt mini được đề xuất gồm: Tuyến số 1 sẽ kết nối quận 7 - quận 1 - quận 2, điểm đầu Chung cư Belleza, điểm cuối Vinhomes Central Park, chiều dài tuyến 20 km; Tuyến số 2: Kết nối giữa quận 2 - quận 1, điểm đầu Diamond Plaza điểm cuối Chung cư The Vista, chiều dài tuyến 12 km; Tuyến số 3 sẽ kết nối giữa quận 2 - quận 1, điểm đầu Chung cư Fideoco Riverview, điểm cuối Tòa nhà Vietcombank Tower.

Đối với tuyến số 4 sẽ kết nối Nhà Bè - quận 1, điểm đầu Thảo Cầm Viên, điểm cuối Chung cư The Park Residence, chiều dài tuyến 18 km; Tuyến số 5: Kết nối Cát Lái - Quận 1, điểm đầu Hồ Con Rùa, điểm cuối Ventura Cát Lái, chiều dài tuyến 18 km; Tuyến 6: Kết nối quận 9 - quận 1, điểm đầu Hồ Con Rùa, điểm cuối Khu phức hợp The Park Riverside, chiều dài tuyến 24 km.

Để mua vé, người dân tải phần mềm Godee trên điện thoại để chọn giờ đi, đặt ghế ngồi và có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng, ATM nội địa hoặc ví điện tử. Xe buýt chỉ dừng lại đón tại trạm khi khách đã đặt trước qua ứng dụng.

Sở GTVT nhận định đặc thù của đô thị TP.HCM có nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp, kết nối nhiều khu dân cư, khu đô thị vệ tinh người dân khó tiếp cận giao thông công cộng. Do đó, việc tổ chức các tuyến xe buýt nhỏ là phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, việc mở các tuyến buýt hoạt động không trợ giá từ ngân sách cũng phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển giao thông vận tải công cộng, kéo giảm ùn tắc, tai nạn.

Sở GTVT TP đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải công cộng đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân tại thành phố và 25% nhu cầu đi lại vào năm 2030. Ở giai đoạn 2021-2030, tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 393.792 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 47.644 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn từ xã hội hóa hoặc vốn ODA.