19/01/2025 | 18:40 GMT+7, Hà Nội

TP.HCM: Có 15 dự án cần thu hồi đất năm 2022

Cập nhật lúc: 10/12/2021, 06:30

Những dự án cần thu hồi đất trong năm tới gồm: dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với 16 ha; dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa...

Tại kỳ họp thứ tư, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND TP.HCM đã trình kỳ họp tờ trình về thông qua Danh mục dự án cần thu hồi đất trên địa bàn TP.

Theo thông tin tại tờ trình về danh mục dự án cần thu hồi đất trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình cho biết có 15 dự án cần thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022.'

Trong đó, có dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, diện tích cần thu hồi là hơn 16ha; dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa và khu tái định cư, diện tích cần thu hồi là 13,49ha; xây dựng nút giao thông An Phú… Ngoài ra, còn có 12 dự án cần thu hồi đất, trong đó có đất trồng lúa.

TP.HCM: Có 15 dự án cần thu hồi đất năm 2022
TP.HCM: Có 15 dự án cần thu hồi đất năm 2022

Ông Lê Hoà Bình cho rằng: Đối với tờ trình Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM, theo quy định tại Luật Kiến trúc, đến ngày 31/12/2021 các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị của thành phố sẽ không còn hiệu lực và được thay thế bằng Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM do UBND thành phố tổ chức lập và Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn do UBND cấp huyện lập.

Thành phố trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi, biến động trong quá trình phát triển, trong đó có sự chuyển dịch, biến động lớn về dân số, sự hình thành các dự án trọng điểm, các chủ trương chính sách mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. 

Về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn, ông Lê Hoà Bình cho biết UBND thành phố thống nhất hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2022 giữ nguyên như năm 2021.

Để lý giải nguyên nhân không tăng hệ số K, UBND thành phố cho rằng dù đã nỗ lực tăng hệ số K để tiệm cận thị trường, nhưng trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng rất nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, và các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn. Nếu điều chỉnh hệ số K quá cao sẽ tạo ra đột biến, gây khó khăn cho người sử dụng đất, ảnh hưởng an sinh xã hội.

Nếu được thông qua, đây là năm thứ 4 thành phố không thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 ở TP.HCM cao nhất là 2,5 lần so với bảng giá đất UBND thành phố ban hành ở khu vực I. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần ở khu vực V. Đất của hộ gia đình, cá nhân có hệ số 1,5 lần cho tất cả khu vực.

Ở TP.HCM, hệ số điều chỉnh giá đất được đánh giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Đơn cử, theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2025 được UBND TP.HCM ban hành, giá đất đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (Quận 1) là 162 triệu đồng/m2. Mức này nhân 2,5 lần (hệ số khu vực một), giá đất ở 3 tuyến đường hơn 400 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường hiện khoảng 800 triệu đồng/m2.

15 dự án cần thu hồi đất trong năm 2022 gồm:

1/ Chỉnh trang hẻm 30 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1

2/ Trạm biến áp 220kV quận 7 và đấu nổi vị trí trạm biến áp 220kV, phường Bình Thuận, quận 7

3/ Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình

4/ Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa và khu tái định cư - quận Tân Bình.

5/ Sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Tiến, quận Tân Phú.

6/ Mở rộng, nâng cấp hẻm 195 Nguyễn Thái Sơn, phường 4, quận Gò Vấp.

7/ Mở rộng, cải tạo 5 đầu hẻm có chiều rộng nhỏ hơn 2m trên địa bàn quận Gò Vấp (đầu đường số 9 với đường Lê Đức Thọ, hẻm 440 Thống Nhất phường 16; giao lộ 10 Huỳnh Văn Nghệ - Phan Huy Ích phường 12; đầu hẻm 405 Nguyễn Oanh và đầu hẻm 469 Nguyễn Oanh phường 17).

8/ Kè chống sạt lở ven rạch Mốc Keo bảo vệ khu dân cư ấp An Hòa (khu vực từ đường Tam Thôn Hiệp đến kè tổ 11 ấp An Hòa), huyện Cần Giờ.

9/ Nâng cấp, sửa chữa tuyến kè chống sạt lở sông Hà Thanh bảo vệ khu dân cư ấp Hòa Hiệp (từ khu dân cư Phước Lộc đến bến vật liệu Công ty TNHH Trung Long Hòa), huyện Cần Giờ.

10/ Nạo vét, xây dựng kiên cố hóa rạch nhánh sông Đồng Tranh khu dân cư tổ 6 ấp Đồng Tranh (từ đường bê tông đến sông Đồng Tranh), huyện Cần Giờ.

11/ Xây dựng đường Tân Hiệp 9 (đoạn từ đường Huỳnh Thị Mãi đến đường Đỗ Văn Dậy), huyện Hóc Môn.

12/ Nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Phước Hiệp, huyện Củ Chi.

13/ Chống sạt lở bờ phải thượng lưu sông Chợ Đệm - Bến Lức (khu vực cách cầu Chợ Đệm 820m), huyện Bình Chánh.

14/ Xây dựng nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức.

15/ Nhánh rẽ trạm 220kV Tân Sơn Nhất, TP. Thủ Đức.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-co-15-du-an-can-thu-hoi-dat-nam-2022-61824.html