TPBank ưu tiên vốn cho các dự án điện mặt trời mái nhà
Cập nhật lúc: 20/08/2020, 13:26
Cập nhật lúc: 20/08/2020, 13:26
Điểm nổi bật của chương trình này là TPBank nhận chính hệ thống điện mặt trời mái nhà làm tài sản bảo đảm, doanh nghiệp vay vốn không cần bổ sung bất cứ tài sản nào khác, tỷ lệ cấp tín dụng lên tới 70% chi phí đầu tư dự án.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng đang tạo thách thức lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước có hạn, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu, hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất… Việc khuyến khích các doanh nghiệp có sẵn mặt bằng mái, đặc biệt các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, các chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà để chủ động nguồn điện, giảm áp lực cho ngành điện ngày càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa bền vững.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển điện mặt trời như giảm thuế, hỗ trợ về giá điện… đã góp phần giúp nguồn năng lượng tái tạo và các dự án điện mặt trời mái nhà được đẩy mạnh, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 5/2020, tổng số lượng dự án điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam là 31.506 tương đương với giá trị công suất lắp đặt xấp xỉ 652 MWp, tăng thêm 3.661 dự án, công suất tăng thêm 79MWp so với cuối tháng 4/2020.
Thực tế, việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ giúp các doanh nghiệp sử dụng điện với chi phí tiết kiệm nhất. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp có thể bán lại nguồn điện dư thừa cho cho EVN với mức giá ưu đãi.
Chung tay cùng Chính phủ trong việc góp phần đẩy mạnh tín dụng xanh, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về vốn thông qua các chương trình ưu đãi tín dụng dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Gần đây, nhà băng đã tung ra gói tín dụng “Tài trợ dự án điện mặt trời mái nhà dành cho doanh nghiệp” với mong muốn giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Đáng chú ý, với gói tín dụng này, TPBank nhận chính hệ thống hiện mặt trời mái nhà làm tài sản bảo đảm cho khoản vay mà không yêu cầu bổ sung thêm bất cứ bất động sản nào khác. Đây là một ưu điểm mà không phải ngân hàng nào cũng có.
Ngoài ra, tỷ lệ cấp tín dụng của gói lên tới 70% chi phí đầu tư của dự án, lãi suất giảm sâu tới 2%/năm so với mức lãi suất hiện hành. Gói tín dụng được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà, không phân biệt phân khúc.
Đại diện TPBank cho biết: “Gói tín dụng là một trong những hành động của TPBank trong việc thể hiện vai trò của ngân hàng với xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng xanh, giảm ô nhiễm môi trường.”
Thời gian vừa qua, TPBank đã triển khai nhiều gói tài trợ tín dụng xanh với tổng ngân sách lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Một trong số đó là sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác nguyên tắc với Tập đoàn Bamboo Capital về việc tài trợ 11.000 tỷ đồng thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trong vòng 2 năm, được sử dụng cho các dự án điện gió với tổng công suất 650 MW tại tỉnh Cà Mau, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh; Nhà máy điện mặt trời 330MW tại Bình Định và các dự án điện mặt trời mái nhà.
Trước đó, ngân hàng cũng triển khai nhiều hoạt động hợp tác và cung cấp gói tín dụng cho Nhà máy điện mặt trời GAIA với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng, tổng công suất 140MW tại huyện Thạch Hóa, tỉnh Long An; 1.000 tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời Phước Hữu tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; các dự án điện mặt trời mái nhà trải dài tại các tỉnh Đaklak, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Quảng Nam, Đồng Nai…
TPBank cũng là một trong 8 ngân hàng tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương vinh dự nhận được giải thưởng từ Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC trong lĩnh vực tài trợ thương mại cho các dự án thích ứng biến đổi khí hậu thông minh.
15:00, 06/08/2020
16:22, 22/07/2020
11:13, 16/07/2020