20/04/2024 | 07:24 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 1: Toàn cảnh thị trường thực phẩm chức năng

Cập nhật lúc: 02/11/2022, 06:00

Phát triển nở rộ trong vài thập kỷ qua, thực phẩm chức năng đã trở thành một sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng bản chất của loại sản phẩm này...

Thực phẩm chức năng (TPCN) đã không còn là một khái niệm xa lạ trong xã hội hiện đại. Khi điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người cũng gia tăng. Ngày càng có nhiều người tìm đến với các sản phẩm TPCN để bổ sung các dưỡng chất tăng cường sức khỏe. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người vẫn còn nhầm tưởng TPCN là thuốc và có tác dụng như thuốc chữa bệnh, mặc các khuyến cáo liên quan mà cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành. 

Vượt qua cái tên "thực phẩm", nhiều người đang tìm đến TPCN với mong muốn chữa được bệnh, thậm chí là bệnh nan y càng khiến các sản phẩm này nở rộ, mọc lên như nấm. 

Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 21% dân số đang sử dụng TPCN, tương đương hơn 20 triệu người ở khắp 63 tỉnh thành. Thị trường khổng lồ này là mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị sản xuất TPCN, chính vì vậy không ít đơn vị đã không từ các "thủ đoạn" để quảng cáo, tâng bốc các công dụng của TPCN, cố tình "đánh lận con đen" để người tiêu dùng hiểu lầm. 

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, trên tinh thần nghiên cứu, chúng tôi khởi đăng tuyến bài: Thị trường thực phẩm chức năng: Phức tạp như "ma trận". 

Xin mời quý độc giả đón đọc Kỳ 1: Toàn cảnh thị trường thực phẩm chức năng. 

Phát triển nở rộ từ Nhật Bản, đến các nước Âu - Mỹ rồi lan rộng ra toàn cầu, trong vài thập kỷ qua thực phẩm chức năng đã trở thành một sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng bản chất của các sản phẩm thực phẩm chức năng... 

Thực phẩm nào cũng có hương vị và giá trị dinh dưỡng. Chúng có thể chứa các khoáng chất mang đến lợi ích sinh lý cho cơ thể con người như: protein, carbohydrate, vitamin,…

Một số ví dụ về thực phẩm chức năng có tác dụng tốt với sức khỏe là thực phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất, men vi sinh hoặc thực phẩm bổ sung chất xơ.

Các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như trái cây, rau, quả hạch, hạt và ngũ cốc cũng thường được coi như thực phẩm chức năng do những lợi ích về sức khỏe do chúng đem lại. Ví dụ, quả việt quất có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa mạnh mẽ, bao gồm anthocyanin và các hợp chất thực vật khác, một số chất có thể vượt qua hàng rào máu não và phát huy tác dụng bảo vệ não bộ. Hoặc cá hồi chứa hàm lượng axit béo omega-3 lớn nhất; cải xoăn giàu hàm lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất chống oxy hóa; hay rong biển - thậm chí còn bổ dương hơn cả rau quả, vì đặc biệt giàu các khoáng chất như canxi, sắt, magie và mangan...

Với sự phát triển của khoa học công nghệ chế biến thực phẩm, con người đã tìm ra nhiều cách để bổ sung thêm "các thành phần có lợi" hoặc lấy bớt đi những "thành phần bất lợi" từ thực phẩm tự nhiên và tạo ra nhiều loại thực phẩm chức năng theo các công thức nhất định để phục vụ cho mục đích của con người. Nhờ khoa học công nghệ, con người đã khoa học hóa các lý luận và công nghệ chế biến thực phẩm chức năng. Từ đó cho ra đời nhiều loại thực phẩm chức năng đa dạng, dưới dạng viên, gói, bột, dung dịch...

Từ đây trở đi, thực phẩm chức năng được đề cập trong bài là loại thực phẩm chức năng được sản xuất công nghiệp, đã qua bổ sung, biến đổi, tinh chế, cô đặc…

Được phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới từ Đông sang Tây, nhưng Nhật Bản là quốc gia đầu tiên văn bản hóa các khái niệm, điều luật về thực phẩm chức năng. Khoảng những năm 1980 của thế kỷ 20, chính phủ Nhật Bản đã ban hành quy định và hệ thống quản lý các loại thực phẩm có lợi ích đặc biệt đối với sức khỏe con người. Họ gọi những thực phẩm này là Thực phẩm tốt cho sức khỏe được chỉ định (Food for Specified Health Uses - FOSHU). Thuật ngữ đầu tiên về thực phẩm chức năng được ra đời.

Vậy cụ thể, thực phẩm chức năng được định nghĩa như thế nào? Mỗi quốc gia, cơ quan lại có một định nghĩa khác nhau về thực phẩm chức năng.

Bộ Y tế Nhật Bản định nghĩa: Thực phẩm tốt cho sức khỏe được chỉ định (FOSHU) là các loại thực phẩm có chứa thành phần tốt cho sức khỏe và chính thức được thừa nhận là có tác động sinh lý trên cơ thể con người.

Ủy ban hành động về thực phẩm chức năng Châu Âu (FUFOSE) của Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất khái niệm về thực phẩm chức năng như sau: “Một thực phẩm có ảnh hưởng tốt đến một hoặc nhiều chức năng trong cơ thể vượt qua giá trị dinh dưỡng cơ bản giúp cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh. Nó không phải là một viên thuốc, viên nang hoặc bất kỳ hình thức bổ sung chế độ ăn uống nào”.

Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế (IFIC) định nghĩa, thực phẩm chức năng là “thực phẩm hoặc các thành phần thực phẩm có thể cung cấp các lợi ích ngoài dinh dưỡng cơ bản”.

Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam định nghĩa: Thực phẩm chức năng (Functional Food) là sản phẩm hỗ trợ các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ và tác hại bệnh tật.

Thông tư số 08/TT-BYT ngày 23/08/2004 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng” đã đưa ra định nghĩa: thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật.

Như vậy, dù được định nghĩa như thế nào, thì có thể hiểu thực phẩm chức năng đúng như tên gọi của nó, là một loại thực phẩm có tác dụng tốt cho một hoặc nhiều bộ phận trong cơ thể người, và không phải là thuốc.

Vì đa dạng về nguồn gốc và thành phần nên thực phẩm chức năng cũng được chia ra làm nhiều nhóm.

Tại Việt Nam, theo Thông tư 43/2014/TT-BYT (thay thế Thông tư 08/2004/TT-BYT) quy định về quản lý thực phẩm chức năng, phân chia các nhóm thực phẩm chức năng theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, với các tên gọi khác nhau là: Thực phẩm bổ sung; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Thực phẩm dinh dưỡng y học và Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các loại thực phẩm chức năng cũng được phân loại theo bản chất cấu tạo và tác dụng như: Nhóm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất; Nhóm thực phẩm chức năng dạng viên, không béo, không đường, tăng lực, giàu chất xơ tiêu hóa, tăng cường chức năng đường ruột…  

Tuy nhiên, ở Mỹ, không phân chia theo công dụng, thành phần, Hội đồng Khoa học và Sức khỏe đã tiến hành phân loại các thực phẩm chức năng thành từng nhóm như: Nhóm có bằng chứng đáng tin cậy, Nhóm có bằng chứng đủ độ tin cậy, Nhóm có bằng chứng ở mức vừa phải, Nhóm có bằng chứng chưa đủ tin cậy cần nghiên cứu thêm và Nhóm còn tranh cãi nhiều. Phân chia như vậy với mục đích để người sử dụng tìm hiểu và lựa chọn.

Nguyên nhân là bởi, xung quanh thực phẩm chức năng vẫn còn rất nhiều những tranh cãi, câu hỏi về tác dụng của sản phẩm này với sức khỏe của con người.

Dù còn nhiều tranh cãi, thực phẩm chức năng vẫn là một trong những loại hàng hóa được tiêu thụ với số lượng rất lớn. Thị trường thực phẩm chức năng là một trong những thị trường tăng trưởng nhiều và nhanh nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí có thời điểm lên tới 20 – 30% mỗi năm.

Một báo cáo của Precedence Research cuối năm 2020 đã cho thấy, quy mô thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu được định giá 173,26 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 309,00 tỷ USD vào năm 2027. Thị trường này được dự báo sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm đạt 7,5% trong giai đoạn 2020 - 2027. 

Châu Á – Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực sẽ thống trị thị trường thực phẩm chức năng trong giai đoạn hiện tại, tới 2027. Tình hình đô thị hóa ngày càng tăng, chi tiêu cho các sản phẩm sức khỏe tăng… được cho là sẽ thúc đẩy thị trường này tại khu vực. Hơn nữa, sự thay đổi trong lối sống và những thay đổi mạnh mẽ trong sở thích ăn uống đang ảnh hưởng nhiều hơn đến sự tăng trưởng của thị trường thực phẩm chức năng châu Á – Thái Bình Dương.

Cũng theo báo cáo của Precedence Research, châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm hơn 40% thị phần và giá trị của thị trường thực phẩm chức năng trong thời gian tới.

Tại Nhật Bản, sau khi đưa ra Luật về thực phẩm chức năng năm 1991, hàng loạt sản phẩm FOSHU được tung ra thị trường. Kết quả là, doanh thu ròng của các sản phẩm này đạt 6,2 tỷ USD vào năm 2007. Sau thời điểm này, thị trường gần như bão hòa. Nhưng sau sự ra đời của một hệ thống quản lý mới được gọi là "Thực phẩm có công bố chức năng", tổng doanh số bán thực phẩm chức năng tại quốc gia này, bao gồm các sản phẩm FOSHU đạt 8 tỷ USD vào năm 2018. Tính đến năm 2019, đã có 1.063 sản phẩm FOSHU được phê duyệt tại đất nước mặt trời mọc và 1.753 loại theo hệ thống mới.

Tại Việt Nam, những sản phẩm thực phẩm chức năng đầu tiên xuất hiện trên thị trường từ khoảng những năm 1999, ban đầu là những sản phẩm nhập khẩu. Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ thời điểm những năm 1999 – 2000, thị trường ghi nhận khoảng hơn 60 sản phẩm thực phẩm chức năng và hầu hết là sản phẩm nhập khẩu. Sau 10 năm, con số này là hơn 3.700 sản phẩm, với hơn 1.600 cơ sở sản xuất kinh doanh. Đến năm 2016, thị trường nội địa ghi nhận khoảng hơn 3.500 sản phẩm thực phẩm chức năng; trong đó, hơn 70% sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường là do các cơ sở sản xuất trong nước sản xuất, còn hơn 20% là nhập khẩu.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, cho biết, tại Việt Nam, thị trường thực phẩm chức năng rất sôi động. Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều nghiên cứu về phương pháp tách chiết được ứng dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm chức năng. Đây cũng là một lợi thế lớn của Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất khẩu thực phẩm chức năng ra nước ngoài.

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng (VAFF), số người sử dụng thực phẩm chức năng ngày càng tăng trong những năm qua.

Năm 2000, số người biết và sử dụng thực phẩm chức năng còn rất ít, chỉ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn, ước tính khi đó chỉ có khoảng 500.000 người sử dụng (khoảng 0,5% dân số).

Đến nay, số người sử dụng thực phẩm chức năng liên tục gia tăng và tăng nhanh chóng. Nếu năm 2005, có xấp xỉ khoảng 1 triệu người ở 23 tỉnh, thành phố sử dụng thực phẩm chức năng (chiếm 1,1% dân số) thì đến năm 2010, cả nước có khoảng 5,7 triệu người sử dụng (chiếm 6,6% dân số) ở khắp 63 tỉnh, thành.

Năm 2015, số người dùng thực phẩm chức năng đã tăng lên với khoảng 15,5 triệu người dùng (chiếm 17% dân số) ở khắp các tỉnh, thành và đến năm 2017, số người dùng thực phẩm chức năng đã tăng lên 21% dân số, gần 20 triệu người.

Đến năm 2019, lượng người sử dụng thực phẩm chức năng đã tăng lên chóng mặt. Tổng người sử dụng là hơn 20 triệu người, chiếm tới hơn 21% dân số Việt Nam. Đặc biệt, những người này phân bố ở khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Năm 2019 toàn bộ thị trường Việt Nam có tổng doanh số ngành thực phẩm chức năng gần 6 tỷ USD.

Nói như vậy để thấy, thực phẩm chức năng có rất nhiều dư địa để phát triển tại Việt Nam dựa trên nhu cầu khổng lồ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, dùng sao cho đúng, hiểu sao cho phải về thực phẩm chức năng thì không phải ai cũng biết.

Quay trở lại câu chuyện định nghĩa và hiểu đúng về thực phẩm chức năng, dù được hiểu một cách thông thường hay theo những định nghĩa chính xác theo sự quản lý của pháp luật thì đều phải xác định thực phẩm chức năng nói chung hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng là một loại THỰC PHẨM (nghĩa là con người có thể ăn, uống được), và không phải là thuốc, nên luôn đi kèm chú thích trên bao bì các loại sản phẩm dòng chữ: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; để tránh người sử dụng các loại thực phẩm chức năng hiểu lầm việc sử dụng các loại thực phẩm này có thể thay thế được thuốc. Dòng chữ này được lưu ý trong Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng, khi quy định việc quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các phương tiện nghe nhìn.

Vậy sự khác nhau giữa thuốc và thực phẩm chức năng là gì?

Điều 2 Luật Dược 2016 định nghĩa: Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.

Thông tư số 08/TT-BYT ngày 23/08/2004 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng” định nghĩa: thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật.

Có thể hiểu, thuốc tham gia vào hoạt động chuyển hóa trong cơ thể, khiến cấu trúc sinh lý hoặc bệnh lý đang mắc phải thay đổi. Thuốc giúp chữa lành những tổn thương trong cơ thể, giúp cho tiến triển bệnh tốt hơn. Việc sử dụng thuốc nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh cũng như phục hồi và điều chỉnh các chức năng cơ thể.

Tuy nhiên, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ chức năng cho các bộ phận trong cơ thể. Thực phẩm chức năng có thể có hoặc không có tác dụng dinh dưỡng. Nó nhằm tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh và tạo sự thoải mái cho cơ thể.

Quy trình sản xuất cả thuốc và thực phẩm chức năng đều phải đạt tiêu chuẩn GMP, tuy nhiên là hai loại tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau. Tiêu chuẩn GMP đối với thuốc khắt khe hơn nhiều đối với thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, thuốc là kết quả y học cần được đánh giá dựa trên các bằng chứng cũng như nghiên cứu cụ thể. Bởi vậy, quy trình sản xuất 2 loại sản phẩm này cũng khác nhau. Đối với thực phẩm chức năng, không yêu cầu kỹ thuật chế biến quá cao nhưng với thuốc chữa bệnh thì hoàn toàn ngược lại.

Theo GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe cán bộ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thực phẩm chức năng có lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã quảng cáo quá đà về công dụng của chúng khiến người mua không hiểu được bản chất của sản phẩm.

GS. Khải cho hay khác với thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh có vai trò tham gia vào các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Nó làm thay đổi cấu trúc sinh lý hoặc bệnh lý của cơ thể để sửa chữa những tổn thương trong cơ thể, giúp tiên lượng bệnh tốt hơn. Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng, phục hồi và điều chỉnh các chức năng của cơ thể.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén và hỗn hợp có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng vật, hóa dược, sinh học. Thuốc có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau như mục đích sử dụng, tính chất hóa học, cơ chế, ảnh hưởng đến hệ sinh học, hoặc hiệu quả điều trị…

Kỹ thuật điều chế thực phẩm chức năng không cần quá cao thì điều chế thuốc có một quy trình chặt chẽ và kỹ thuật phức tạp. Tổ chức FDA (Mỹ) quy định thuốc đăng ký chỉ có giá trị độc quyền tối đa trong 10 năm. Khi gần hết hạn, thuốc sẽ được thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tác dụng, hiệu quả.

"Thuốc là kết quả và sản phẩm của y học cần phải dựa trên bằng chứng không phải dựa trên sự suy luận. Còn công dụng của thực phẩm chức năng đều dựa trên giá trị tiềm năng từ sự suy luận. Một sản phẩm thực phẩm chức năng khi lưu hành được vô hạn giá trị độc quyền về thời gian và cũng không có thử nghiệm lâm sàng sau 10 năm sử dụng”, GS. Khải cho hay. 

Khác với thực phẩm chức năng, thuốc có những quy định rất chặt chẽ cần phải ghi rõ nguyên liệu chất hoặc hợp chất, có tính công dụng và luật định, sự chuyển hóa trong cơ thể đào thải ra sao, tác dụng phụ, hàm lượng…

Nhưng có một sự thật là hiện nay, nhiều người dùng đang không biết cách phân biết từ hình thức đến công dụng của thuốc và thực phẩm chức năng, dẫn đến sự nhầm lẫn trong sử dụng. Nhiều loại thực phẩm chức năng thì được biết và sử dụng như thuốc chữa bệnh, cũng có nhiều loại bản chất có công dụng như thuốc nhưng lại được bán dưới dạng thực phẩm chức năng.

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế từng khẳng định, tại Việt Nam, việc quản lý thuốc và thực phẩm chức năng rất khó phân định ranh giới. Nhiều loại nhập nhằng giữa thuốc và thực phẩm chức năng khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Nếu cơ quan chức năng không có sự phối hợp chặt chẽ sẽ có nhiều khoảng không về pháp lý và quản lý.

Mặc dù được kỳ vọng và trên thực tế đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, thị trường thuốc và thực phẩm chức năng tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập. Công tác quản lý, sản xuất và phân phối khá lỏng lẻo, còn nhiều hạn chế nên đã dẫn đến thị trường này phát triển một cách tự phát, tràn lan và thiếu minh bạch. Trên thị trường trôi nổi không ít sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng, lừa đảo người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hoặc những sản phẩm được quảng cáo công dụng quá đà, như “thần dược chữa bách bệnh”, gây hiểu lầm giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh…

Mời quý độc giả tiếp tục đón đọc Kỳ 2: Màn sương mù bao phủ thị trường thực phẩm chức năng.

Minh Hà/Doanhnhanvn.vn/Video: Nguyễn Thương - Trịnh Tây
Thanh Thảo
04/12/2021 06:00

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/toan-canh-ve-thuc-pham-chuc-nang--20201231000001544.html