22/11/2024 | 19:08 GMT+7, Hà Nội

Tọa đàm Cafe Xanh về chủ đề: Đô thị Xanh & Con người Xanh

Cập nhật lúc: 10/11/2018, 03:23

15h15 chiều 9/11/2018, tại tầng 3 Meeting Hall, Tòa nhà A3, EcoLife Capitol, 58 Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội, với sự tham dự của Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các chuyên gia, kiến trúc sư hàng đầu về Đô thị - Kiến trúc, CEO các doanh nghiệp bất động sản và phóng viên các cơ quan báo chí – truyền hình.

16h55: Kết thúc chương trình, ông Đỗ Đức Đạt, Tổng Giám đốc Capital House và ông Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tặng hoa kỷ niệm các diễn giả buổi tọa đàm.
Đại diện Capital House tặng hoa
16h50: Điều phối viên, KTS. Phạm Thanh Tùng:
Công trình xanh là một bài toán xã hội. Rất cảm ơn những đơn vị, tổ chức đã làm được tọa đàm về công trình xanh. Cảm ơn các phóng viên, cơ quan báo chí, khán giả đã có mặt ở đây hôm nay. Rất mong, chương trình sẽ chuyển tải được thông điệp để góp phần vào xây dựng những công trình tốt đẹp để bất cứ ai đi đâu cũng mong được trở về ngôi nhà của mình.
16h40: Câu hỏi: "Nhiều công trình xanh tốn kém hơn công trình bình thường, Capital House có giải pháp như thế nào để giảm chi phí? Xin ông chia sẻ kinh nghiệm?"
Ông Trần Như Trung: Là một nhà quản lý ở Capital House, cũng là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kinh tế tôi xin được chia sẻ dưới góc độ kinh tế. Về kinh tế học, nơi nào có hiệu quả sinh lời cao thì đầu tư. Tôi lấy ví dụ, vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Bản thân tác phẩm Linh Đàm ban đầu khác, các nhà quy hoạch, KTS đã gửi gắm những điều tốt đẹp nhưng về sau nơi này bị thay đổi. Tôi cho là do biến động về lợi nhuận. Bức tranh tác phẩm bị biến dạng vì chúng ta chưa tính tới yếu tố kinh tế học.
Nhu cầu về lợi nhuận dẫn đến thiết kế của KTS bị biến dạng. Góc độ kinh tế thứ 2 là tại sao các không gian hiện nay không liên thông? Điều này có thể lý giải, sự liên thông hiệu quả cho cái chung mà không hiệu quả cho cá nhân.Góc độ thứ 3, làm sao để ngăn dòng người? Cái dở của mình là mình đang ngăn cản nguồn lực - chính là dòng người đổ vào đô thị.
Ông Trần Như Trung

Ông Trần Như Trung

16h25: Câu hỏi: "Dân số làm tăng áp lực đô thị, và câu chuyện đặt ra là phải giảm bớt dân số trong đô thị. Vậy trong quá trình phát triển đô thị xanh làm thế nào để giảm dân số?"
KTS. Nguyễn Hồng Thục: Chẳng nhẽ dùng hộ khẩu, chính sách để cản trở sự di dân vào đô thị? Tại sao phải ngăn người dân di cư vào đô thị khi họ có thể đóng góp rất nhiều cho đô thị đó. Ví dụ như ở Anh, những người di cư vào thành phố đóng góp 40% GDP cả nước. Thực tế là, con người cũng có mưu cầu hạnh phúc, ở đâu có cơ hội phát triển, cơ hội việc làm tốt hơn họ sẽ đến là lẽ dĩ nhiên. Tại sao lại ngăn họ? Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Một là quản lý đô thị theo đặc thù của thành phố. Chẳng hạn đặc thù của khu phố Cổ, khu phố Pháp... liên quan đến lịch sử; hay đặc thù của ngoại vi, liên kết với khu nông nghiệp thì khác, công nghiệp thì khác. Vậy bài toán đô thị phát triển quá nhiều quá nhanh, giải quyết như thế nào? Nhưng khi chúng ta phát triển vành đai xanh, không gian xanh thì chúng ta cần gì phải vào trung tâm như Hồ Gươm? Đây chính là sự giãn dân tự nhiên theo cơ thể của đô thị tốt đẹp.

Ở Singapore, họ phá hủy cả trung tâm để xây dựng ngoại vi, giải tỏa những nhà ổ chuột nghèo nàn ở trung tâm. Chúng ta lại đang đi ngược với điều đó. Nhà đầu tư giờ khổ vô cùng, họ không có tiếng nói. Vấn đề giờ là thay đổi tư duy đô thị. Không phải cứ đất nông nghiệp là chúng ta đến. Vì nông nghiệp là khí thở của chúng ta. Đô thị có tính chất liên kết, giống như cơ thể, có cả gan, tim, phổi... do đó không ai có thể bảo bỏ bộ phận nào.

KTS. Nguyễn Hồng Thục

KTS. Nguyễn Hồng Thục

Vấn đề là quản lý chức năng cần bắt buộc các nhà đầu tư phải đi vào tiện ích của người dân, dịch vụ kết nối, không gian mở,... Thứ hai, nhà đầu tư phải tạo ra được tư duy đột phá mà tôi nghĩ vành đai xanh là việc làm cực kỳ cần thiết.Tư duy đô thị phải như nồi Thạch Sanh để cho nhiều người cùng được ăn, được sống tốt nhất.

Muốn có công trình xanh, đô thị xanh thì chính sách phát triển phải đúng. Quy hoạch là công cụ được áp dụng sau. Về mặt tư duy, quy hoạch đáng nhẽ ra chỉ đến từng mảnh đất chứ không phải cả vùng như bây giờ. Tôi mong ước có tư tưởng đột phá cho đô thị Việt Nam, chứ không giẫm lên nhau rằng người ở tỉnh này, người ở tỉnh khác.

16h20: Câu hỏi: "Để thu hút công trình xanh, cần có những cơ chế nào để đảm bảo hài hòa về lợi ích?"
Ông Đỗ Viết Chiến: Nhà đầu tư có rất nhiều áp lực từ vốn, chính sách,... cần kiến nghị Nhà nước. Tôi cho rằng, nếu làm công trình xanh sẽ được rất nhiều lợi ích và cộng đồng sẽ được hưởng lợi ích đó. Từ đó, nhà nước sẽ có những khuyến khích để nhà đầu tư làm công trình xanh. Nhà nước phải nhắm đến đơn vị nào đầu tư xanh thì ưu tiên cho bên đó. Nhà nước cần có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng công trình xanh. Ngay chính sách vay, hình thức vay cũng cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư. Một điều nữa là pháp luật cũng phải bắt buộc, có những khu vực cấp cho 20ha chẳng hạn, quy định 5 - 7% xây dựng phải đạt tiêu chí công trình xanh. Không phải thích thì xây, không thích thì thôi.
16h15h: Điều phối viên, KTS. Phạm Thanh Tùng:

Đô thị là ngôi nhà lớn của cộng đồng nên cần sự chung tay chăm sóc của cả cộng đồng thì mới có đô thị xanh ở cấp độ Việt Nam, trên nền tảng lối sống và địa khí hậu của Việt Nam. Để tiếp tục Chương trình Cafe Xanh, mời các khán giả, các phóng viên báo chí cùng trao đổi về chủ đề ngày hôm nay.

Quang cảnh buổi Toạ đàm

Quang cảnh buổi Toạ đàm

15h48: Ông Đỗ Viết Chiến:
Tôi có may mắn khi học ở trường Kiến trúc ra được làm đúng chuyên ngành và suốt sau đó hoạt động trong ngành. Gắn bó suốt cả sự nghiệp với Hà Nội, tôi cũng có điều kiện tiếp xúc với đô thị ở các vùng miền, địa danh khác nhau.
 
Về đô thị xanh, nó có sự gắn bó mật thiết với bất động sản. Tất cả những công trình xây dựng trong đô thị, hạ tầng đô thị như điện, nước,... đều là quản lý của bất động sản. Bản thân một doanh nghiệp phát triển công trình phải có sự liên kết nhiều công trình thành hệ thống: công trình xanh, hạ tầng xanh.
Nhưng chúng ta rất nhạy với khái niệm mới, có cái mình chưa hiểu thì đã có khái niệm khác ví du như đô thị xanh, ngay sau đó lại có đô thị thông minh và giờ là đô thị hạnh phúc. Về sau chẳng hiểu đó là cái gì. Điều kiện sống mỗi ngày lại khác xưa, như trước đây sợ nhà cao tầng nhưng giờ lại thích nhà cao tầng. Các khái niệm luôn thay đổi, từ một đơn vị ở trước đây, giờ thành khu đô thị mới.
 
Những buổi tọa đàm như thế này sẽ tìm ra câu trả lời phải bắt đầu từ đâu.

Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam thấy được vai trò của công trình xanh, là xu thế tất yếu của sự phát triển. Rõ ràng vai trò truyền thông rất quan trọng nên năm 2017 đã mở lớp tập huấn cho báo chí về công trình xanh. Hai đơn vị Capital House và Reatimes là đi đầu trong việc tuyên truyền này.

Ông Đỗ Viết Chiến

Ông Đỗ Viết Chiến

Nói về liên kết đô thị, từ nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này. Như vậy chúng ta mới mong có được đô thị xanh.Tất cả đều phải thống nhất trong hành động chung mới có được mong muốn đô thị xanh. Nhiều cây xanh, mặt nước chỉ là điều kiện cần của một công trình xanh nhưng chưa đủ. Tiếp theo đó phải là vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Như việc chính phủ phải cấm đào đất nung gạch, phải chuyển sang gạch không nung.

Hai là khuyến khích sử dụng năng lượng sạch. Nhiều nước hiện nay, công trình sử dụng chính chất thải để tái tạo năng lượng xoay vòng. Một công trình gọi là chuẩn của ngày hôm nay chưa chắc đã là chuẩn ở thời điểm khác. Càng nhiều nhà đầu tư hiểu lợi ích của công trình xanh thì càng nhiều dự án xanh được xây dựng. Một đô thị nhiều công trình xanh, đô thị đó sẽ tốt lên.

Chúng ta cần sớm có cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào công trình này. Phải có nhiều công trình xanh mới có đô thị xanh. Quyết định 403 cũng đã đề cập, nhưng rất tiếc việc tuyên truyền còn khiêm tốn.

Thế nên Cafe Xanh là sáng kiến mới, rất hay. Những cuộc toạ đàm như thế này sẽ thấm dần vào từng đối tượng, tầng lớp.

15h45: Điều phối viên Phạm Thanh Tùng:
 
Xin cám ơn bà Nguyễn Hồng Thục. Những thuật ngữ công trình xanh, đô thị thông minh, đô thị hạnh phúc,... đều tập trung vào hạt nhân là con người. Ví dụ chúng ta đang khuyến khích công trình xanh, kiến trúc xanh và người chủ nhân ở đó làm sao sử dụng nhiên liệu tiết kiệm nhất, nếu dùng bóng đèn led thay thế cho bóng đèn truyền thống thì đắt... họ có đồng ý không? Do đó chính sách Nhà nước là rất quan trọng. Người dân được thừa hưởng điều gì đó bằng chính sách Nhà nước, như được tiết kiệm năng lượng, không khí sạch,... Mời ông Đỗ Viết Chiến từng có kinh ngiệm về quản lý đô thị làm rõ hơn về vấn đề này.
 
15h35: KTS. Nguyễn Hồng Thục:
 
Tôi đến đây hôm nay với tư cách là người dân đô thị, chứng kiến đô thị hóa của Việt Nam từ những bước đầu tiên. Tôi là người thiết kế bán đảo Linh Đàm. Khi đó, tôi cũng phải tìm hiểu rất nhiều để tìm ra tim mô hình ở này.
 
Thời kỳ đó người dân còn chê chung cư, đều tìm đến nhà thấp tầng. Từ năm 1996 đến giờ, 22 năm, đô thị hóa ở Việt Nam đi hết từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác. Người dân bắt đầu yêu thích ở chung cư, nhà cao tầng. Đô thị Việt Nam dần dần tích tụ được một số lượng lớn lao động trẻ và tầng lớp nghiên cứu. Và đô thị mọc lên như nấm, chúng ta bắt đầu bước vào khủng hoảng đô thị. Chúng ta đứng trước khủng hoảng đô thị là khủng hoảng môi trường sống. Vì thế, để xây dựng một đô thị tốt, chúng ta cần sự góp sức không chỉ là chính quyền, mà còn cần giớichuyên môn, những người dân và doanh nghiệp.
KTS. Nguyễn Hồng Thục

KTS. Nguyễn Hồng Thục

22 năm qua, công nghệ cơ bản đã đáp ứng được thực tiễn. Bản thân các doanh nghiệp đã trưởng thành, tôi cho rằng họ đã có những hiểu biết rõ ràng. Chúng ta khủng hoảng môi trường ở. Rõ ràng chúng ta cần đến sự liên kết. Gần như từ chính quyền, người dân đều mong đến những công trình xanh. Tuy nhiên, bản chất của từ xanh trong các công trình có chuyển động thật sự hay không? Khi định nghĩa về đô thị xanh, từ những năm 60, mới có automust house - tự làm ra điện, ra nước, tạo ra bảo ôn cho công trình... đã là vĩ đại rồi. Nếu đi thăm công trình xanh đầu tiên ở Nottingham, chúng ta vẫn thấy ngưỡng mộ. Cho đến bây giờ, gần như ở Việt Nam đang thịnh hành công trình xanh ở giai đoạn 1, nhưng lại không thể bắt kịp với tốc độ như vũ bão của đô thị hóa. Toàn bộ thanh niên trong độ tuổi lao động dồn về đô thị. Chúng ta trồng rất nhiều cây trên mặt đứng, dùng đến công nghệ. Thế nhưng công nghệ xanh không ăn thua đối với Việt Nam. Ở một đất nước mà người ta rời bỏ ngay làng quê để đến đô thị thì ý thức con người có lẽ đóng vai trò lớn.
 
Đô thị bắt buộc phải được liên kết bằng không gian và chống lại đô thị cho xe cơ giới.
 
Tôi chọn định nghĩa đô thị xanh của chúng ta thứ nhất là các công trình thích ứng và tiết kiệm năng lượng. Thứ hai là tạo tối đa không gian mở, liên kết trong đô thị để người dân giảm ô tô, khói bụi,... ở đô thị.Khi đến Capital House tôi đã rất ngạc nhiên với công trình này, mọi thứ đều được chăm chút rất tỉ mỉ và sạch sẽ.

Thứ ba là, làm xanh gì cũng là chuyển đổi về tư duy và lối sống. Ở Việt Nam rất cần sự đồng thuận của xã hội. Các nhà đầu tư hiện nay rất cần dấu ấn của xã hội. Do đó, vấn đề xã hội thức tỉnh đầu tiên là truyền thông. Truyền thông Việt Nam giỏi rất nhiều nhưng riêng về vấn đề đô thị chưa thật sự được chú ý. Chúng ta bắt coi trọng đầu tư chiều sâu chứ không coi trọng mở rộng đô thị nữa. Tôi rất mong lực lượng truyền thông sẽ làm nhiều hơn nữa về đô thị xanh. Làm nhiều những chương trình toạ đàm như Cafe Xanh và có những phóng viên giỏi, chúng ta sẽ tạo nên những trào lưu.

Thế nến theo tôi, 3 yếu tố quan trọng để làm nên một công trình xanh: Một là công trình tiết kiệm nhiên liệu, hai là không gian mở, ba là con người cần thay đổi tư duy.

15h30: KTS. Phạm Thanh Tùng - điều phối viên - mở đầu Chương trình Toạ đàm:
 
Chúng ta đang đứng trước rất nhiều thuật ngữ, bắt đầu là công trình xanh, kiến trúc xanh, đô thị bền vững, đô thị thông minh, đô thị 4.0,... Khoảng ngắt quãng đó là gì chưa ai định nghĩa hết.
 
Thế nên tôi nghĩ việc tổ chức chương trình tọa đàm này rất tuyệt vời. Đây là diễn đàn mở, là tiếng nói rất xã hội để các chuyên gia được nói. Qua diễn đàn này, chúng ta truyền tải tới xã hội rằng, chúng ta đang hướng đến đô thị xanh như thế nào? Đô thị xanh có phải nhiều tòa nhà cao tầng, to, hiện đại, như này không?Để một công trình xanh hiện diện cần có rất nhiều đơn vị cùng chung tay. Rất nhiều chủ đầu tư đang cố gắng để xây dựng những tòa nhà xanh mà con người sống thoải mái, hạnh phúc.

Ở đây không chỉ là nhà đầu tư mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhà đầu tư khi bán không thể quan tâm hết được người mua là ai, người dân tộc nào, công việc là gì,... Thế nên trong cùng một toà nhà thôi đã có rất nhiều sự va đập xã hội, va đập văn hóa... Thế mới thấy công trình xanh không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của mọi người. Nhưng cần có người cầm trịch - là chính quyền đô thị. KTS. Nguyễn Hồng Thục, bà định nghĩa thế nào về công trình xanh?

KTS. Phạm Thanh Tùng điều phối chương trình Toạ đàm

KTS. Phạm Thanh Tùng điều phối chương trình Toạ đàm

15h25: Ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Capital House chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn phát triển công trình xanh, mang đến lợi ích cho khách hàng của mình. Nhưng trong quá trình phát triển chúng tôi thấy mình lầm lũi vì quá khó khăn. Không chỉ chúng tôi mà nhiều công ty ở phía Nam cũng gặp phải tình huống tương tự. Chúng tôi thấy rất nhiều đơn vị cùng cảnh ngộ. Với mong muốn làm công trình xanh rộng rãi hơn nữa, bởi 1 tòa nhà chưa thể làm xanh cả thành phố, cũng như một cánh én chưa thể làm nên mùa xuân. Chúng tôi tổ chức chương trình này mong muốn thúc đẩy và sự tham gia của các chuyên gia, sự đồng lòng của doanh nghiệp và cư dân”.
 
Ông Trần Như Trung

Ông Trần Như Trung -Phó Tổng giám đốc Capital House

15h15: Chương trình Toạ đàm Cafe Xanh chính thức bắt đầu.
 
Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu mở đầu Toạ đàm.
"Xu hướng phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam không chỉ là tiềm năng, cơ hội mà còn là thách thức không nhỏ với ngành xây dựng nói riêng và toàn xã hội. Bởi ở Việt Nam, khái niệm về Công trình Xanh vẫn còn mới và chưa được nhận thức đầy đủ về lợi ích. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu. Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển Công trình Xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc đối với việc phát triển Công trình Xanh. Ngoài ra, sự tham gia của các quỹ tài chính, quỹ tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích phát triển Công trình Xanh còn hạn chế. Xuất phát từ thực tiễn, câu hỏi của chúng ta không phải là có làm Công trình Xanh hay không mà nên làm như thế nào? Phát triển Công trình Xanh là xu thế tất yếu, là con đường chúng ta buộc phải đi.
 
Sớm đón nhận xu hướng đó, năm 2017, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thành lập Ban điều phối Công trình Xanh trong 5 năm với 23 thành viên gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về Công trình Xanh và lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản lớn. Hiệp hội cũng đã xây dựng chương trình hành động cho 5 năm tới, với mục tiêu góp phần tạo lập nền tảng cơ bản cho việc hình thành một thị trường bất động sản xanh của Việt Nam", ông Đỗ Viết Chiến phát biểu.
 
Ông Đỗ Viết Chiến,

Ông Đỗ Viết Chiến,nguyên Cục trưởng Cục phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu mở đầu Toạ đàm

Cũng theo ông Chiến, nằm trong chuỗi các sự kiện của Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam từ 2017 - 2022, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam triển khai dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã giao cho Tập đoàn Capital House (nhà tài trợ chính của Chương trình) phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Cơ quan Ngôn luận của Hiệp hội) tổ chức chuỗi các chương trình Tọa đàm mang tên: Cafe Xanh.
 
Toạ đàm có sự tham dự của ông Phạm Thanh Tùng

Toạ đàm có sự tham dự củaKTS.Phạm Thanh Tùng, KTS. Nguyễn Hồng Thục, ông Đỗ Viết Chiến và ông Trần Như Trung

Để khỏi đầu cho chương trình này, nhân Ngày Đô thị Việt Nam, Ban Tổ chức đã lựa chọn chủ đề: Đô thị Xanh & Con người Xanh để các chuyên gia, nhà khoa học cùng bàn luận là một việc làm rất có ý nghĩa, nhất là khi xây dựng đô thị xanh – thông minh ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng biến đổi khắc nghiệt. Tuy nhiên, với Việt Nam "đô thị xanh" vẫn còn mới mẻ. Vậy cần làm gì để kiến tạo nên những đô thị xanh đúng nghĩa? Muốn có một đô thị xanh, và con người xanh, chúng ta phải bắt đầu từ đâu... là những câu hỏi lớn cần sớm được giải đáp.
 
"Chúng tôi tin tưởng rằng, Tọa đàm Cafe Xanh sẽ là diễn đàn mở, sinh động và hấp dẫn để tạo ra những góc nhìn đa chiều, những kiến giải mới cho việc liên kết và thúc đẩy phát triển Công trình Xanh; đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức của cả chủ đầu tư và người dân hiểu về lợi ích khi phát triển và sử dụng Công trình Xanh. Tôi cũng hy vọng các diễn giả sẽ tập trung bàn luận và đưa ra khuyến nghị nhằm hướng tới hình thành một thị trường bất động sản Việt Nam xanh và bền vững", ông Chiến nêu ý kiến.
 

Nằm trong chuỗi các sự kiện của Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam (từ năm 2017 - 2022), do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam triển khai dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN, Ủy ban KHCN & MT của Quốc hội; Hiệp hội đã giao cho Tập đoàn Capital House (Nhà tài trợ chính cho Chương trình), phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội) phối hợp tổ chức chuỗi chương trình Tọa đàm Cafe Xanh.

Tọa đàm sẽ được tổ chức định kỳ hằng tháng, với mong muốn tạo ra những góc nhìn đa chiều, những kiến giải mới cho việc liên kết và thúc đẩy phát triển Công trình Xanh; hướng tới hình thành một thị trường bất động sản Việt Nam xanh và bền vững.

Để khởi đầu cho chuỗi các chương trình Tọa đàm nêu trên, nhân Ngày Đô thị Việt Nam, Cafe Xanh số đầu tiên sẽ tập trung vào chủ đề: Đô thị Xanh & Con người Xanh.