26/04/2024 | 16:48 GMT+7, Hà Nội

Tiền mất, tật mang khi chữa bệnh theo cách… truyền miệng

Cập nhật lúc: 05/03/2019, 21:00

Phương pháp chữa bệnh bằng sử dụng đá tự nhiên, đá nano cho đến nay chưa biết tác dụng thực sự ra sao. Tuy nhiên, điều hiển hiện là đã có những trường hợp “tiền mất, tật mang”, thậm chí tính mạng bị đe dọa do sử dụng “đá nano” hay “cặp đá kỳ diệu”.

Điểm chung của những bệnh nhân này là mua, dùng sản phẩm tại sự kiện tư vấn sức khỏe. Những viên đá này được quảng cáo như “thần dược”, chữa bách bệnh nên mọi người đã không ngần ngại mua về dùng thay cho thuốc do bác sỹ kê đơn.

Cụ bà Phùng Thị M, 67 tuổi ở Hà Nội có tiền sử tiểu đường type 2 vẫn điều trị đều đặn theo chỉ định của bác sỹ. Tuy nhiên, từ khi tham dự sự kiện tư vấn về sức khỏe và nằm giường mát-xa, cụ M, được tặng một viên đã được quảng cáo là “đá nano” có tác dụng chữa bách bệnh. Từ đau xương khớp (chỉ cần dán vào chỗ đau), viêm họng (ngậm), đái tháo đường (pha vào nước uống)… là khỏi.
Quá phấn khởi vì viên đá nhỏ mà nhiều công dụng, cụ M, về nhà áp dụng ngay. Đang điều trị tiểu đường bằng thuốc, cụ M, liền bỏ thuốc mà dùng “đá nano”. Khi bị ho, cụ M, mang ra ngậm bất cứ lúc nào cả khi thức lẫn khi ngủ. Cho đến khi vô tình nuốt phải vì ngậm lúc ngủ, cụ M, đã phải đến BV cấp cứu.

Tại khoa Thăm dò chức năng-nội soi, BV E các bác sỹ đã tiến hành nội soi thực quản-dạ dày gắp dị vật ra khỏi đường tiêu hóa cho cụ M. Viên “đá nano” được gắp ra có đường kính gần 2cm mắc trong đường tiêu hóa trên của bệnh nhân, gây nên hiện tượng nuốt vướng.

tien mat tat mang khi chua benh theo cach truyen mieng

Cụ ông 82 tuổi bị bỏng nặng sau khi được chườm “cặp đá kỳ diệu” vào gan bàn chân.

Cái khó của ca bệnh này, dị vật mà bệnh nhân nuốt phải là hình tròn, trơn, nên rất khó gắp ra. Thêm nữa, dị vật này có thể không nằm cố định mà di chuyển trong đường tiêu hóa của bệnh nhân. Nếu không xử lý sớm dị vật có thể đi sâu vào cơ thể, gây tổn thương cơ quan nội tạng như thực quản, dạ dày, ruột… Đặc biệt, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2 do bỏ thuốc nên tình trạng bệnh nặng thêm, các bác sỹ BV E cho biết.

Một trường hợp khác không trực tiếp mua sản phẩm nhưng được sử dụng do người anh trai mua tặng (sau khi tham dự sự CLB dưỡng sinh) cũng bị tai nạn bỏng nặng vùng gan bàn chân. Đó là cụ ông Nguyễn Xuân T, 82 tuổi ở Hà Nam có tiền sử tiểu đường từ 27 năm nay.

Người anh trai của cụ sau khi tham dự sự kiện tư vấn về sức khỏe được nghe quảng cáo về “cặp đá kỳ diệu” có công dụng: “Chườm gan, chườm thận, chườm đa năng, giúp đả thông bế tắc mao mạch ngoại vi, lưu thông máu huyết...” nên đã mua về cho em với mong muốn giúp em giảm chứng tê bì chân tay.

Sản phẩm “cặp đá kỳ diệu” gồm hai viên đá được quảng cáo là đá bazan, được gia công dưới dạng thỏi phẳng, một đôi găng tay, một chiếc khăn mặt bông. Sản phẩm được bán với nhiều mức giá trên thị trường , dao động từ 260-700.000 đồng. Cách sử dụng được giới thiệu hết sức đơn giản là luộc trong nước sôi 20 phút hoặc hâm nóng bằng nhiệt độ cao 2-5 phút trong lò vi sóng rồi chườm vào các bộ phận trên cơ thể.

Về nhà, vợ của cụ T, đã lấy “cặp đá kỳ diệu” cho vào lò vi sóng quay nóng với nhiệt độ cao trong 5 phút để chườm vào chân cho cụ ông. Sau khi chườm 30 phút, cụ ông xảy ra tình trạng huyết áp tăng, mặt đỏ lựng. Đến thời điểm con trai cụ ông phát hiện thì bàn chân cụ đã bị bỏng nặng, xuất hiện những mảng phồng rộp lớn. Bệnh nhân được đưa vào BV Nội tiết Trung ương và được các bác sỹ cắt lọc, rửa vết thương hàng ngày. Tuy nhiên, tổn thương bỏng sâu hai chân lan rộng nên việc điều trị gặp khó khăn và kéo dài.

Các bác sĩ cảnh báo, đây không phải trường hợp hiếm gặp khi bệnh nhân đái tháo đường tự ý chườm nóng bằng các nguyên liệu khác nhau: Đắp lá, chườm đá, dùng đá muối Hymalaya... Việc chườm nóng, dùng nhiệt điều trị chứng tê bì cần hết sức thận trọng và phải được kiểm soát vì với bệnh nhân đái tháo đường, biến chứng thần kinh ngoại vi khiến bệnh nhân tê bì, mất cảm giác nóng lạnh. Khi sử dụng đá chườm, người bệnh không cảm nhận được sức nóng của đá, gây bỏng nghiêm trọng mà vẫn không biết.

ThS. Bác sỹ Đỗ Nguyệt Ánh, khoa Thăm dò chức năng-nội soi, BV C cảnh báo: “Hiện chưa biết rõ công dụng thực sự của loại đá này đối với sức khỏe con người nên người dân đừng tin tưởng mà bỏ thuốc điều trị bệnh, nhất là các mãn tính của người già như tăng huyết áp, đái tháo đường, cơ xương khớp…”.

Ngoài ra, người dân cũng không nên tự ý sử dụng hoặc ngậm các vật có hình dáng tròn cứng, trơn… dễ gây nên tình trạng hóc vào đường tiêu hóa, hô hấp. Nguy hiểm nhất là dị vật đường thở có thể gây ngừng thở, ngừng tim nếu không được phát hiện, xử lý cấp cứu kịp thời.

ThS. Bác sỹ Đỗ Nguyệt Ánh, khoa Thăm dò chức năng-nội soi, BV C cảnh báo: Đây không phải là trường hợp đầu tiên các bác sĩ gắp được dị vật đường tiêu hóa là loại đá này. Trước đó, bệnh nhân nam, trên 50 tuổi, Hà Nội cũng ngậm đá này để chữa bệnh huyết áp cao và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, sức khỏe và bệnh tật chưa được cải thiện thì đã phải vào viện vì nuốt dị vật vào đường tiêu hóa.