Thương mại điện tử "dắt mũi" NTD dưới góc nhìn luật sư
Cập nhật lúc: 22/04/2019, 06:00
Cập nhật lúc: 22/04/2019, 06:00
Trước thực trạng mua bán hàng hoá qua các sàn thương mại điện tử khiến người tiêu dùng “hoa mắt, chóng mặt” vì giá cả, mẫu mã, thương hiệu và mang cả nhưng rủi ro khôn lường. Để có được những thông tin hữu ích cho người tiêu dùng, phóng viên Tieudungplus.vn đã có buổi phỏng vấn độc quyền với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
PV: Thưa luật sư việc người tiêu dùng bị “mắc bẫy” các tiểu thương trên các sàn thương mại điện tử Sendo, Shoppee, Tiki..., gần đây rất nhiều trường hợp người tiêu dùng không mua hàng nhưng vẫn bị giao hàng tận nhà, hay người tiêu dùng bị “hớ” vì tưởng rằng mua được hàng sale 50% nhưng thực tế giá không thay đổi khi người tiêu dùng kiểm tra lại trên website chính hãng của mặt hàng. Như vậy, các sàn mạng thương mại có phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng hay không?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 13 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì chủ sở hữu các trang thương mại điện tử sẽ phải: c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
PV: Việc các sàn thương mại điện tử cho phép tiểu thương, nhà kinh doanh tự tổ chức giảm giá, giảm trên 50%, bán phá giá, sai giá có vi phạm pháp luật hay không? Vi phạm ở luật, khoản nào, điểm nào luật sư có thể nói rõ cho bạn đọc được không?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Căn cứ quy định Khoản 1 Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại quy định mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, với các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%. Các chương trình khuyến mại tập trung ở đây có thể là các đợt khuyến mại vào dịp Tết Âm lịch và các dịp lễ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Tuy nhiên giá bán ở đây phải là giá gốc cụ thể theo giá nhập khẩu, giá thị trường của hãng để làm cơ sở tính giá khuyến mại.
Việc sàn thương mại cho phép tiểu thương tự ý tổ chức giảm giá, tự quyết định giá bán thì không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tiểu thương có trách nhiệm phải tuân thủ pháp luật về các mức giá đăng bán và các chương trình giảm giá khuyến mại. Đồng thời, trang thương mại có trách nhiệm phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ (khoản 4 Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP), và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử (khoản 8 Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP).
PV: Có thể thấy việc quản lý các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam còn nhiều "lỗ hổng pháp luật". Vậy người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của mình đối với nhãn hàng, cửa hàng và sản phẩm, đồng thời cũng nâng cao hiểu biết đối với pháp luật về thương mại và tiêu dùng để có thể tránh được những tình huống bất lợi và tự bảo vệ được quyền lợi của bản thân. Và đặc biệt, khi phát hiện những sai phạm của tiểu thương hoặc sàn thương mại thì người tiêu dùng cần lập tức báo cho cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời xử lý các sai phạm đó.
PV: Các cơ quan chức năng nào sẽ là nơi xử lý vi phạm, sai phạm của các sàn thương mại điện tử “tiếp tay” cho gian lận thương mại?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Theo khoản 5 Điều 78 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Thanh tra Bộ Công Thương, Cơ quan quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan nhà nước khác có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử theo thẩm quyền quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan.
PV: Mức xử phạt cao nhất cho các cá nhân, tổ chức này căn cứ theo điều luật nào? Luật sư có thể chỉ rõ và phân tích cho bạn đọc được không?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Các vi phạm về thương mại điện tử sẽ bị xử phạt hành chính.
- Phạt tối đa 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
+ Không cung cấp thông tin và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
+ Không thực hiện nghĩa vụ thống kê, báo cáo theo quy định.
- Phạt tối đa 30.000.000 đồng đối với hành vi không công bố đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trên website khuyến mại trực tuyến theo quy định.
- Phạt tối đa 30.000.000 đồng đối với hành vi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin
+ Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
- Phạt tối đa 20.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng và có lựa chọn thông minh để mua được hàng giá rẻ mà sử dụng phù hợp. Trong trường hợp không am hiểu về các sản phẩm khuyến mãi thì nên nhờ bạn bè hoặc những người hiểu biết về sản phẩm, hoặc tra cứu thông tin trên internet. Người tiêu dung không nên nóng vội khi thấy giảm giá có thời hạn là đặt hàng ngay vì hám lợi trước mắt.
Cảm ơn luật sư!
22:56, 18/04/2019
06:00, 14/04/2019
16:00, 17/02/2019