22/11/2024 | 08:32 GMT+7, Hà Nội

Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử

Cập nhật lúc: 18/04/2019, 22:56

Sáng nay, 18/4, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức Hội thảo tập huấn Bảo vệ tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo tập huấn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo tập huấn

Tại Hội thảo tập huấn, 5 sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam gồm: Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn đã tham gia ký kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử" nhằm thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ trong việc chung tay đẩy lùi nạn hàng giả, cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc; không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30%. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 30% với tổng mức doanh thu bán lẻ thương mại điện tử đạt trên 8 tỷ USD.

Song hành với tốc độ phát triển của thương mại điện tử, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến, các vi phạm cũng ngày càng tinh vi. Để chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, từ nhiều năm nay Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) rất quyết liệt trong việc chỉ đạo.

Từ năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 1.224.000 vụ vi phạm, tổng số tiền xử lý vi phạm lên tới 92 nghìn tỷ đồng. Con số này cho thấy sự quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 trong việc xử lý vi phạm bởi số xử lý vụ vi phạm càng nhiều cho thấy việc đấu tranh đối với hàng giả ngày càng cấp thiết.

Chia sẻ về những khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát hàng giả tại các website, Tổng cục Quản lý thị trường Ông Trần Hữu Linh cũng nhấn mạnh, thời gian qua thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả hàng giả, hàng gian, hàng cấm của các đối tượng, dẫn đến mất lòng tin của người tiêu dùng. Năm 2018, riêng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử phạt gần nửa tỷ đồng. Vụ việc điển hình mới đây nhất do lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ là đối tượng sử dụng website cá nhân bán các sản phẩm kích dục với giá trị lên tới gần 2 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các trường hợp vi phạm chủ yếu là không đăng ký, tập trung vào các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các trang web này đều đăng hình ảnh hàng hóa thật để thu hút người tiêu dùng, giá rất rẻ do là hàng nhái, giả... nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, pháo... nhưng nguồn gốc, chất lượng là vấn đề đáng bàn.

 

Hơn nữa, các công ty chuyển phát hầu hết không có hóa đơn chứng từ và hàng hóa được thanh toán qua trung gian, các cơ quan chuyển phát đã vô hình chung trở thành vận chuyển hàng giả, hàng gian... gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường. Đặc biệt với thanh toán điện tử để lần tìm vết người bán người mua hết sức khó khăn do các quy định của ngân hàng; sàn thương mại điện tử chưa có công cụ kiểm soat hiệu quả.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị, với đặc điểm của internet được khởi tạo nhanh và gỡ đi cũng nhanh nên cần chế tài xử lý mạnh hơn để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh, mạnh như hiện nay.

Cùng với đó, cần xây dựng một Nghị định quản lý mới có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử phải mạnh hơn xử lý vi phạm ngoài đời thực, dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử và nhất là sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các cơ quan tài chính, thuế...

Riêng lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh tập huấn nâng cao trình độ đấu tranh với hàng giả, hàng gian, liên kết giữa các doanh nghiệp sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng để nhận biết các sàn thươmg mại uy tín.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) chia sẻ, Cục đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cùng nhau xây dựng một số kế hoạch kinh doanh trên internet trong thời gian tới.

Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy việc chống hàng giả thương mại điện tử như tiến hành các văn bản pháp quy phạm pháp luật và quy phạm pháp luật hình sự nhất là đối với thương mại điện tử.

Ngoài ra, phối hợp cùng Tổng cục Quản lý thị trường rà soát những hành vi liên quan đến vi phạm về hàng rào trong thương mại điện tử, phân loại các website cũng như ứng dụng thương mại điện tử giúp nhận diện các nhóm mặt hàng và những website có hành vi vi phạ hàng giả cũng như hàng giả nhiều để qua đó tập trung xử lý.

Mặt khác, tăng cường thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp, xây dựng hệ thống tiếp nhận giải quyết khiếu nại liên quan đến tuyến liên quan đến hàng giả hàng nhái…để các đơn vị nắm bắt được tình hình phản ánh và qua đó lấy căn cứ xử lý các doanh nghiệp bán hàng giả hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tại hội thảo tập huấn, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong việc đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường internet và đưa ra kinh nghiệm của một số sàn thương mại điện tử lớn về các giải pháp nhằm đẩy lùi hàng giả trên các sàn thương mại điện tử; định hướng đấu tranh chống hàng giả trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twiter... và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.

*Chiều cùng ngày, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì buổi tập huấn về "Thực thi pháp luật trong thương mại điện tử" cho các cán bộ thuộc Bộ công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước, Cục quản lý thị trường các địa phương.