19/01/2025 | 09:34 GMT+7, Hà Nội

Thương hiệu Việt “đình đám một thời” (2): Níu chân khách hàng bằng giá cả và chất lượng

Cập nhật lúc: 06/01/2018, 12:08

Khảo sát tại các siêu thị BigC, Fivimart, Hapro thấy giá các sản phẩm “đình đám một thời” của các công ty “thuần Việt” trong nước rẻ hơn hẳn giá các sản phẩm tương đương của các công ty liên doanh hoặc công ty nước ngoài.

Giá thành rẻ, chất lượng đảm bảo

Cụ thể, giá sữa rửa mặt E100 tinh chất nghệ/ lô hội/ dưa leo/ sữa bò... (công ty Đại Việt Hương) chỉ 17.000 – 25.000 đồng/hộp.

Kem sâm Thorakao (công ty Lan Hảo) giá 16.000 đồng/hộp, kem nứt gót chân, kem thoa tay, kem chống nắng có giá từ 7.000 – 21.000 đồng; kem ốc sên ngày/đêm Thorakao giá 160.000 đồng/hộp…

Giá các loại xà bông thơm Mỹ Hảo, nước rửa chén, nước giặt, xà phòng giặt, lăn khử mùi, dầu gội của công ty Mỹ Hảo, công ty Lan Hảo, công ty Đại Việt Hương đều có giá khá “mềm”, chỉ từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng/sản phẩm.

Kem nghệ Thorakao là một trong những sản phẩm lành tính, nhiều công dụng, được nhiều người sử dụng

Không nặng về quảng cáo sản phẩm, không bao bì bắt mắt, các thương hiệu thuần Việt gìn giữ chứ tín với người tiêu dùng bằng những sản phẩm "hiểu người Việt" (Ảnh: N.Hạnh)

Một số sản phẩm cao cấp đặc trị da lão hóa, da nám giá cao hơn, nhưng cũng chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng, rẻ bằng 1/3 – 1/2 giá của dòng sản phẩm tương đương của thương hiệu nước ngoài.

Bên cạnh giá thành rẻ, các thương hiệu thuần Việt còn khá phong phú đa dạng, đặc biệt, để cạnh tranh với các sản phẩm cùng lọa nhập khẩu từ nước ngoài, các hãng mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm trong nước đi sâu nghiên cứu các dòng sản phẩm thân thiện với người Việt.

Ví dụ, với dòng sản phẩm dầu gội của Thorakao, công ty Lan Hảo chú trọng những sản phẩm chiết suất từ các thành phần tự nhiên, thân thiện với môi trường, lại có tác dụng nuôi dưỡng tóc, chống gàu như vỏ bưởi, chanh, sả, bồ kết, cỏ mần trầu...

Các thương hiệu Việt níu chân khách hàng bằng những sản phẩm có nguyên liệu lành tính, thân thiện, không gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, giá thành các sản phẩm rẻ hơn nhiều so với sản phẩm ngoại nhập cùng loại.

Các thương hiệu Việt níu chân khách hàng Việt bằng chất lượng và giá thành (Ảnh: N.Hạnh)

Dòng kem dưỡng da cũng lấy trọng điểm là những thành phần 100% thiên nhiên như nghệ, nha đam, dưa leo, dịch nhầy ốc sên, sữa dê, sữa bò, dâu tằm, mật ong, tinh chất ngọc trai, gấc, lúa mì, dừa, ô-liu…, là những nguyên liệu lành tính, không gây kích ứng, không độc hại cho da vì không chứa Corticoid, Isobutyl Parabens.

Đa dạng hóa để cạnh tranh

Thương hiệu Thorakao (Công ty Lan Hảo) vẫn được biết đến với sản phẩm kem nghệ, kem sâm, kem trị mụn, sữa rửa mặt nghệ, kem tan mỡ bụng, kem gấc, kem chống nắng, sữa rửa mặt sữa bò, kem tẩy tế bào chết, kem trị thâm quầng mắt, dầu gội bồ kết, lotion dưỡng tóc, kem lột nhẹ…

Thorakao cũng được nhà sản xuất đầu tư, nghiên cứu, cho ra thị trường các dòng kem đặc trị cho da lão hóa, da nám, đồi mồi, thâm sạm, có các dòng kem hỗ trợ như kem ngừa nám ốc sên, kem trang điểm Liquid, kem giảm vết nhăn, kem giảm thâm quầng mắt, dưỡng trắng da sữa dê, kem nghệ collagen,…

Những sản phẩm thuần Việt đi sâu vào nghiên cứu những nguyên liệu thiên nhiên thân thiện môi trường, phù hợp với thu nhập của đa số người lao động

Những sản phẩm thuần Việt đi sâu vào nghiên cứu những nguyên liệu thiên nhiên thân thiện môi trường, phù hợp với thu nhập của đa số người lao động (Ảnh: N.Hạnh)

Công ty TNHH SX&TM Đại Việt Hương với các dòng mỹ phẩm E100, Biona được đa dạng hóa, nghiên cứu đổi mới nhằm cạnh tranh với các sản phẩm trong nước và sản phẩm nước ngoài. Đại Việt Hương cũng cam kết dùng nguồn nguyên liệu 100% chiết tách từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho người dùng.

Với công ty Mỹ Hảo, các sản phẩm nước rửa bát, nước giặt, bột giặt và nước tẩy Mỹ Hảo vẫn là những sản phẩm quen thuộc trong nhiều gia đình Việt.

Dòng sản phẩm chăm sóc cá nhân như nước hoa 777, nước hoa Puloo, dầu gội LeNa, dầu gội Tulip, xà bông thơm Hoa Lài, Cỏ May… cũng vẫn được coi là những sản phẩm cạnh tranh của công ty này.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo giá thành, công ty Mỹ Hảo, công ty Lan Hảo, Đại Việt Hương cũng chú trọng đến việc mở rộng thị trường, đưa hàng Việt xuất khẩu ra nước ngoài.

Câu chuyện giữ chân khách hàng trong nước, cạnh tranh với hàng ngoại nhập và mở rộng thương hiệu ra nước ngoài là con đường gian nan các công ty “thuần Việt” phải đương đầu. Mời độc giả đón đọc câu chuyện này ở bài viết sau.

(còn nữa…)