19/01/2025 | 09:39 GMT+7, Hà Nội

Thực phẩm xách tay cho căn bếp (1): “Sính ngoại” vì sợ thực phẩm bẩn trong nước

Cập nhật lúc: 28/12/2017, 19:55

Mấy năm gần đây, do thiếu tin tưởng về thực phẩm trong nước, nhiều người tiêu dùng đã chọn mua thực phẩm cho căn bếp (các loại gia vị, thực phẩm) từ nước ngoài bằng đường xách tay. Hãy cùng Tiêu dùng + tìm hiểu xu hướng này.

Nhu cầu dùng thực phẩm nước ngoài ngày càng tăng

Trên thực tế, thói quen đặt mua các sản phẩm từ nước ngoài qua người quen hay nguồn xách tay tin cậy đã có ở Việt Nam nhiều năm nay. Từ thời bao cấp, nhiều người tiêu dùng đã biết gửi người quen mua từ nước ngoài (Nga, Pháp, Mỹ) các loại đồ gia dụng như nồi, chảo, ấm chén, bàn là, máy xay hay bánh kẹo, thuốc lá…

Nhu cầu sử dụng thực phẩm nước ngoài cho căn bếp ngày càng gia tăng

Nhu cầu sử dụng thực phẩm nước ngoài cho căn bếp tại các gia đình Việt ngày càng gia tăng. (Ảnh N.Hạnh)

Thời điểm đó, hàng ký gửi từ nước ngoài (hàng xách tay) giống như một thói quen tiêu dùng xa xỉ của những người có tiền. Cho đến sau này, khi giao thương giữa Việt Nam và các nước được ký kết, nhiều người tiêu dùng có cơ hội được biết và sử dụng nhiều mặt hàng gia dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng từ các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Đức…

Tuy nhiên, thói quen mua hàng xách tay vẫn là nhu cầu của nhiều người và ngày càng gia tăng theo thu nhập và sự phát triển của xã hội.

Bên cạnh thói quen đặt mua những sản phẩm gia dụng, máy móc, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những bà nội trợ “bỉm sữa” còn chú trọng đến những thực phẩm cho căn bếp. Họ đặt mua “tất tần tật” những gì liên quan đến bữa ăn hàng ngày của gia đình, với niềm tin tuyệt đối rằng, chỉ có sản phẩm nước ngoài mới đem lại sức khỏe cho gia đình họ.

Bên cạnh nguồn thực phẩm nhập khẩu, nguồn hàng xách tay từ các nước cũng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn

Bên cạnh nguồn thực phẩm nhập khẩu, nguồn hàng xách tay từ các nước cũng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. (Ảnh: N.Hạnh)

Chính vì vậy mà thay vì tìm mua dễ dàng những sản phẩm sử dụng hàng ngày như dầu ăn, mì chính, hạt nêm, mật ong, ngũ cốc,… tại chợ, đại lý, siêu thị ngay gần nhà thì nhiều người lại đặt mua những thực phẩm đó từ nước ngoài.

Bởi đó, nhiều mặt hàng có thương hiệu trong nước như hạt nêm Aji-ngon (của Tập đoàn Ajinomoto) hay nước tương Chinsu, nước tương Maggi, dầu Tường An… đều bị bỏ qua. Thậm chí, nhiều người còn nghi ngờ cả hàng nhập khẩu nước ngoài, nhất nhất chỉ đặt mua hàng xách tay qua những người họ tin cậy.

"Sính ngoại" vì muốn... an toàn

Lý giải về điều này, chị Dương Thị Mến (Hoàng Mai, Hà Nội) - một “tín đồ” của thực phẩm xách tay cho biết: “Thực phẩm của nước ngoài chất lượng, đảm bảo cho sức khỏe là điều hiển nhiên. Không ai có tiền lại chọn mua những thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc thực phẩm bẩn đề “đầu độc” gia đình mình.” 

“Hàng nhập khẩu bây giờ cũng bị trà trộn nhiều, không đảm bảo chất lượng. Tôi nhờ người thân, bạn bè sống và làm việc ở nước ngoài mua rồi gửi về để dùng”, chị Mến lý giải cho thói quen “sính ngoại” của mình.

Cũng theo chị Mến, ban đầu chị được một cô em họ đi Nhật Bản về cho mấy gói hạt nêm và ruốc cá hồi. Chị ăn, cảm nhận ngon hơn hẳn những sản phẩm mua ngoài chợ.

Chị bắt đầu nhờ người quen đặt mua những thực phẩm đơn giản như hạt nêm, mì chính, nước tương rồi đến bột làm bánh, gia vị nấu ăn, mật ong, thực phẩm chức năng từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sữa trẻ em, sữa công thức cho người già, người bệnh của các nước Đức, Hà Lan, Nhật Bản cũng là những sản phẩm bán chạy trên thị trường Việt Nam

Sữa trẻ em, sữa công thức cho người già, người bệnh của các nước Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Ba Lan cũng là những sản phẩm bán chạy trên thị trường Việt Nam. (Ảnh: N.Hạnh)

Thực phẩm xách tay đắt hơn thực phẩm trong nước, nhưng cảm giác dùng thì an tâm tuyệt đối. Tôi nghĩ, tốn tiền mà được sức khỏe thì chẳng có gì phải tiếc”, chị Mến chia sẻ.

Đồng quan điểm với chị Mến, chị Hoàng Thị Mai (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, khoảng 2 năm nay, nhà chị chuyển hẳn sang dùng các loại gia vị, thực phẩm gửi mua từ nước ngoài cho căn bếp.
“Đắt sắt ra miếng” là động lực chị chi thoáng cho các khoản mua sắm phục vụ ăn uống cho cả gia đình. Chị Mai thường tin dùng thực phẩm của Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc.
Dầu ăn, hạt nêm, gia vị, bột làm bánh..., của Nhật Bản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Trong căn bếp của nhiều người, bột trà xanh Nhật Bản là thực phẩm không thể thiếu vì công dụng đa năng, vừa dùng để nấu nướng vừa có thể sử dụng để làm đẹp

Dầu ăn, hạt nêm, gia vị, bột làm bánh... của Nhật Bản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Trong căn bếp của nhiều gia đình, bột trà xanh Nhật Bản là thực phẩm không thể thiếu vì công dụng đa năng, vừa dùng để nấu nướng vừa có thể sử dụng để làm đẹp. (Ảnh: N.Hạnh)

Gia vị nước ngoài, nhất là gia vị của Nhật Bản phong phú và tinh tế hơn gia vị trong nước rất nhiều. Ngoài chất lượng đảm bảo, không chất bảo quản, gia vị Nhật được chiết xuất từ đúng các thành phần như tên gọi hoặc ghi trên nhãn mác.

Ví dụ, riêng dòng hạt nêm của Nhật Bản có tới hơn chục loại như hạt nêm cá biển, hạt nêm cá cơm, hạt nêm gà, hạt nêm rong biển, hạt nêm sò điệp, hạt nêm rau củ… đáp ứng nhu cầu và thỏa mãn khẩu vị cho mọi lứa tuổi”, chị Mai cho hay.

Nhu cầu được sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe là một nhu cầu đúng. Không chỉ riêng chị Mến, chị Mai, mà rất nhiều người nội trợ khác, khi có điều kiện kinh tế, họ cũng muốn cải thiện bữa ăn gia đình bằng những loại thực phẩm đến từ nước ngoài.

Thực phẩm xách tay đến với người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu được dùng hàng chất lượng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi cầu tăng cao thì nguồn cung cũng trở nên đa dạng. Vì lợi nhuận, không ít tiểu thương đã trộn hàng nhái, hàng giả vào hàng xách tay để bán cho người tiêu dùng. Vấn đề này sẽ được Tiêu dùng + làm rõ ở nội dung bài sau.

(còn nữa...)