19/01/2025 | 10:25 GMT+7, Hà Nội

Thương hiệu Việt “đình đám một thời” (1): Liệu đã bị lãng quên?

Cập nhật lúc: 05/01/2018, 15:15

Với sự xuất hiện ồ ạt cùng với chiến lược quảng cáo rầm rộ của các thương hiệu nước ngoài, những thương hiệu “vang bóng một thời” của các công ty hóa mỹ phẩm Việt Nam như Mỹ Hảo, Lan Hảo, Đại Việt Hương, Thanh Nga dường như không còn được người tiêu dùng để tâm đến…

Vẫn song hành cùng các “ông lớn”

Tuy nhiên, những sản phẩm như nước rửa chén, xà phòng, sữa rửa mặt, dầu gội, kem dưỡng da của các công ty này vẫn lặng lẽ đứng trên kệ hàng trong một số siêu thị lớn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành.

Cụ thể, bên cạnh rất nhiều các sản phẩm nước hoa, kem dưỡng, dầu gội liên doanh và nhập khẩu tên tuổi như Pantene, Argan, Lancom, Chanel… có thể kể đến các sản phẩm sữa rửa mặt E100 tinh chất sữa bò, lô hội, nha đam, tinh chất nghệ; nhãn hàng biona dưỡng da, trị mụn; kem chống nắng Sunspa, lăn khử mùi Ramus của công ty TNHH SX&TM Đại Việt Hương.

Mộ số thương hiệu Việt tưởng đã bị lãng quên, thực tế vẫn lặng lẽ song hành cùng các

Mộ số thương hiệu Việt tưởng đã bị lãng quên, thực tế vẫn lặng lẽ song hành cùng các "ông lớn" trong hệ thống siêu thị toàn quốc (Ảnh: N.Hạnh)

Hay các sản phẩm xà phòng Hoa Lài, xà phòng Cỏ May, nước hoa Puloo, nước hoa 777, nước hoa Eki, dầu gội Lena, dầu gội Mysilk, dầu gội Tulip, nước rửa chén Mỹ Hảo, nước giặt Mỹ Hảo của công ty Cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo. Dòng mỹ phẩm Thorakao và biona của công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo.

Đó là những tên tuổi “đình đám một thời”, nay dần bị lép vế với một số thương hiệu nước hoa, mỹ phẩm, dầu gội nhập khẩu từ nước ngoài.

Trải qua nhiều năm, khi nền kinh tế mở cửa, sản phẩm ngoại nhập ồ ạt tiến vào và chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng Việt Nam, các thương hiệu đình đám một thời của các công ty thuần Việt như Mỹ Hảo, công ty Lan Hảo và công ty Đại Việt Hương dần bị mai một, quên lãng bởi các thương hiệu hấp dẫn khác đến từ nước ngoài.

Người tiêu dùng vẫn tìm kiếm những thương hiệu Việt chất lượng tốt, vừa túi tiền

Người tiêu dùng vẫn tìm kiếm những thương hiệu Việt chất lượng tốt, vừa túi tiền (Ảnh: N.Hạnh)

Tại siêu thị Fivimart, chị Trần Thị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội), sau khi chọn mua cho gia đình rất nhiều thực phẩm, đồ gia dụng, chị không quên đến một góc của quầy mỹ phẩm, chọn cho mình hai bánh xà bông Hoa Lài, 2 hộp kem sâm Thorakao, sữa rửa mặt và lăn khử mùi E100.

Hỏi tại sao chị lại chọn mua những sản phẩm rất “cũ”, giữa một “rừng” mỹ phẩm được quảng cáo với nhiều tính năng ưu việt của nước ngoài, chị Hương không ngần ngại trả lời, vì giá những sản phẩm chị chọn mua rất rẻ. Tổng giá trị số mỹ phẩm chị Hương mua khoảng hơn 100.000 đồng.

Thương hiệu thân thuộc với nhiều gia đình

Chị Hương cho hay: “Mỹ Hảo, Thorakao, E100, Hoa Lài, Cỏ May… là những tên tuổi rất quen thuộc với người tiêu dùng lứa tuổi trung niên như chúng tôi. Sản phẩm không đình đám về chất lượng, nhưng không gây hại cho người dùng vì sử dụng nhiều thành phần từ thiên nhiên.

Giá thành sản phẩm rất hợp lý, vừa túi tiền của nhiều người lao động thu nhập thấp. Tôi dùng quen cả hai chục năm rồi nên không muốn đổi qua loại khác”.

Thương hiệu Thorakao vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo

Thương hiệu Thorakao vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. (Ảnh: N.Hạnh)

Cũng giống chị Hương, chị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chọn cho mình các sản phẩm dưỡng da Thorakao (công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo).

Chị Lan chia sẻ, chị dùng các loại kem dưỡng da của Thorakao hơn chục năm nay và thấy rất thích. Chị cũng được các con mua biếu một số kem dưỡng da của Thái Lan, Hàn Quốc, nhưng sau khi dùng thử các sản phẩm nước ngoài, chị Lan lại quay lại dùng sản phẩm Thorakao.

Tôi vẫn dùng xà bông thơm của Mỹ Hảo, sữa rửa mặt hạt nghệ và kem sâm Thorakao. Đặc biệt, các sản phẩm dưỡng da của Thorakao rất hợp với da có mụn nám như tôi. Giá sản phẩm rẻ nhưng khá chất lượng. Tôi dùng phần vì quen, phần vì muốn ủng hộ hàng Việt để giảm chi phí cho gia đình”, chị Lan chia sẻ.

Để níu chân được người tiêu dùng, cạnh tranh không ngừng với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, ngoài giá thành rẻ, các thương hiệu thuần Việt còn phải đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng và thân thiện với người Việt.

(còn nữa…)