18/01/2025 | 20:04 GMT+7, Hà Nội

Thực trạng đất 'vàng' Hà Nội nhìn từ dự án LOD Building 5 năm bị bỏ hoang

Cập nhật lúc: 14/08/2020, 10:10

Tọa lạc tại vị trí đắc địa số 38 Trần Thái Tông nhưng kể từ khi bị đình chỉ thi công vào năm 2015, LOD Building đến nay vẫn chịu cảnh "dầm mưa dãi nắng" chẳng ai đoái hoài, dù nằm trên "đất vàng" của quận Cầu Giấy.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Dự án hoang phí trên đất 'vàng'

Dự án LOD Building ban đầu do Công ty Cổ phần Hợp tác lao động Nước ngoài (LOD) làm chủ đầu tư nhưng sau đó lại được chuyển nhượng cho Tập đoàn Phúc Lộc. Theo đó, LOD Building được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn hạng C, với quy mô 10 tầng nổi và 1 tầng hầm trên khu đất có diện tích 1.100 m2.

Với lợi thế nằm trên khu vực sôi động và phát triển bậc nhất quận Cầu Giấy, ngay ngã tư Trần Thái Tông - Duy Tân tuyến đường kết nối khu vực Tây Hà Nội, với mặt bằng một sàn 600m2, LOD Building từng được kỳ vọng mang đến hơn 5.600 m2 sàn cho thuê. Thế nhưng, năm 2015, dự án này đã bị buộc dừng thi công. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy dự án sẽ tiếp tục được thực hiện.

Dự án LOD Building đã bị bỏ hoang phí gần 5 năm.

Cụ thể, ngày 18/6/2015, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã có Quyết định số 126/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm đối với công trình LOD Building. Tiếp đó, ngày 29/6/2015, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký Quyết định số 204/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng đối với chủ đầu tư công trình là Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc. Đồng thời, UBND quận buộc chủ đầu tư phải cho công trình ngừng thi công và làm thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng. Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, nếu Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc không xuất trình giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ…

Sau khi bị UBND quận Cầu Giấy ra quyết định xử phạt, ngày 11/7/2015, chủ đầu tư đã chấp hành nộp số tiền theo quy định. Vậy nhưng, thay vì chấp hành nghiêm túc yêu cầu của quận, chủ đầu tư sau đó ngang nhiên tự ý phá dỡ, thay đổi kết cấu công trình. Nhận thấy việc phá dỡ công trình tòa nhà LOD có thể nguy hiểm đối với các công trình lân cận, sau khi phát hiện sự việc, người dân ở tòa nhà D11 đã phản ánh đến chính quyền địa phương.

Cùng năm, dự án LOD Building do Công ty CP Hợp tác Lao động Nước ngoài (LOD) làm chủ đầu tư, đơn vị nhận chuyển nhượng dự án là Tập đoàn Phúc Lộc cũng bị nêu tên trong Quyết định số 331/QĐ-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc làm rõ nội công dân khiếu nại, tố cáo và báo chí phản ánh. Sau đó, dự án cũng rơi vào lãng quên, chủ đầu tư tiến hành dừng thi công.

Nhếch nhác và đổ nát là những từ được người dân miêu tả dự án này.

Đáng nói, dù đã dừng thi công nhưng đến năm 2018, dự án này vẫn được rao bán, mời thuê công khai trên mạng. Nhiều trang thông tin còn đưa chi tiết về thời hạn và giá cả khi thuê diện tích sàn tại tòa nhà LOD Buiding: Thời hạn hợp đồng: Tối thiểu 01 năm; Giá thuê: $18 - $20/m2/tháng (bao gồm VAT và phí dịch vụ); Chi phí tiền điện nước: tính theo mức sử dụng thực tế của Bên thuê; Chi phí điện thoại, Internet, thu dọn vệ sinh, bảo dưỡng do khách thuê sử dụng tại mặt bằng được thuê...

Còn tồn tại nhiều dự án bỏ hoang và hệ lụy

Theo kết quả giám sát tại kỳ họp thứ 9 (9/7/2019) của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, tại 8 quận, huyện có tới 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa và chưa có biện pháp khắc phục. Nếu tính tất cả các quận, huyện, thị xã còn lại, trên địa bàn Hà Nội có tới trên 380 dự án chậm triển khai.

Trong đó, địa phương có nhiều dự án bỏ hoang nhất là huyện Hoài Đức với 51 dự án, tiếp đến là Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án), Bắc Từ Liêm (23 dự án)…

Trong đó, địa phương có nhiều dự án bỏ hoang nhất là huyện Hoài Đức với 51 dự án, tiếp đến là Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án), Bắc Từ Liêm (23 dự án)… Thậm chí, tại các địa phương này, có những chủ đầu tư sau khi lập dự án xong, đã “bỏ của chạy lấy người”, không phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định.

Đơn cử, tại huyện Mê Linh, trong số 47 dự án vốn đầu tư ngoài nhà nước, thì có đến 13 dự án chưa thực hiện giải phóng mặt bằng và chưa có kế hoạch giải phóng mặt bằng, mặc dù đã được phê duyệt dự án từ hơn chục năm nay.

Tòa nhà Habico với tổng vốn đầu tư nhiều triệu USD bị bỏ hoang.

Theo thống kê của Ban Giải phóng mặt bằng UBND huyện Mê Linh, trên địa bàn huyện hiện có hàng chục dự án nhà ở, khu đô thị mới. Chỉ tính riêng 4 xã Tiền Phong, Tráng Việt, Đại Thịnh, Thanh Lâm và thị trấn Quang Minh đã có hơn 20 dự án khu đô thị quy mô từ vài chục đến vài trăm héc-ta như Khu đô thị Minh Giang Đầm Và, Tiền Phong, Phúc Việt, Hà Phong, Cienco 5, Chi Đông, Diamond Park New, River Land… Các dự án hầu hết được khởi công rầm rộ vào giai đoạn 2008 - 2009, nhưng đến nay cơ sở hạ tầng vẫn dang dở.

Ngay tại Hà Nội, Dự án Vicem Tower, cạnh tòa nhà Keangnam, đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy) thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy do Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành 3 năm sau đó, nhưng dù đã xong phần thô, toà tháp cao 31 tầng, vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng này nhiều năm nay vẫn chưa thể hoàn thành. Đến 2019, Vicem đề xuất thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương. Được biết, Vicem hiện đang sở hữu nhiều lô đất lớn nhưng lại có ý định xin chuyển nhượng hoàn toàn các diện tích đất này trước khi thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên, tại báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đồng thời đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, tại Công ty mẹ - Vicem loại tài sản không cần dùng khỏi giá trị doanh nghiệp và đề nghị điều chuyển, bàn giao không đúng quy định.

Không chỉ Vicem Tower, trong Khu đô thị mới Cầu Giấy hiện còn hơn 20 dự án trụ sở doanh nghiệp cũng đang “đứng hình” cả chục năm nay. Nhiều khu đất được giao cho các tổng công ty, tập đoàn làm trụ sở hiện đang bị bỏ hoang, hoặc cho thuê kinh doanh sai mục đích. Có thể kể đến các dự án của Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom), lô 1 - E9; Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) lô 2 - E9; Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, lô 4 - E7; Công ty cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), lô 5 - E7; Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, lô 6 - E7; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), lô 9 - E6; Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), lô 11 - E6; Tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vitrancimex), lô 19 - E4…

Theo quy định của Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội bị thu hồi hiện nay rất ít.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị, tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng, tiếp tục gây lãng phí tài nguyên đất. Đồng thời, Thành phố cần ban hành chế tài xử phạt nặng đối với chủ đầu tư, nhằm tăng cường quản lý đầu tư công và loại bỏ nhà đầu tư yếu kém.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc chậm triển khai dự án là sự lãng phí vô cùng lớn. Ngoài lãng phí tài nguyên đất, làm thất thu ngân sách nhà nước, việc dự án chậm triển khai cũng kéo theo hệ lụy làm mất mỹ quan đô thị, tạo đất cho các tệ nạn…

Theo kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư mà nhiều năm chủ đầu tư không thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thì cần phải sớm thu hồi để tái sử dụng vào mục đích khác, để tăng giá trị sử dụng và nguồn ngân sách đóng góp cho Nhà nước.

Việc thu hồi các dự án đã có đầu tư hạ tầng cơ bản trên thực tế rất khó, do đó Hà Nội mới thu hồi 30/380 dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, nếu không kiên quyết thực hiện, thì sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng, lãng phí tài nguyên đất, ảnh hướng đến kêu gọi đầu tư, môi trường sống, cảnh quan đô thị và đời sống của người dân. Hơn nữa, việc thu hồi các dự án này càng chậm, thì Nhà nước càng thất thu ngân sách từ sử dụng đất tại dự án đó”, ông An nhấn mạnh.