19/01/2025 | 06:58 GMT+7, Hà Nội

Thực phẩm biến đổi gen có an toàn cho sức khỏe?

Cập nhật lúc: 27/09/2018, 08:01

Thực phẩm biến đổi gen có an toàn, có thật sự dinh dưỡng, hay có làm biến đổi gen người… là những băn khoăn của nhiều người khi ăn thực phẩm biến đổi gen. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

  Để phân biệt thực phẩm biến đổi gen, người tiêu dùng cần chú ý con số trên mã code của sản phẩm. Ảnh minh họa

Để phân biệt thực phẩm biến đổi gen, người tiêu dùng cần chú ý con số trên mã code của sản phẩm. Ảnh minh họa.

Lo sợ khi ăn củ quả to

Gia đình chị Trần Hồng Thơm (ở Hà Nội) bình thường vẫn mua loại ngô ngọt về chế biến đủ các món khác nhau cho cả gia đình như làm súp ngô, xôi ngô, chè... Vậy nhưng, gần đây đọc trên mạng xã hội có thông tin rằng ngô ngọt là loại sản phẩm biến đổi gen (GMO) khi ăn vào có thể làm rối loạn nội tiết, tăng cân, chị đã rất lo lắng.

Gia đình anh Dũng thì lại lo sợ với những loại củ quả to bất thường. Anh chia sẻ rằng, không dám mua những loại quả “bất thường” về hình dáng như cà chua đen, ổi tím… vì là thực phẩm biến đổi gen, mà nhiều người lại cho rằng ăn thực phẩm biến đổi gen thì không an toàn.

Về vấn đề này, TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu rõ về cây trồng biến đổi gen (GMO) và thực phẩm biến đổi gen. Ngô ngọt hay những sản phẩm lạ mắt như ổi tím, nhãn tím, cà chua đen… không chắc chắn có phải là thực phẩm biến đổi gen hay không. Ví dụ, những người nông dân khi trồng họ có thể lai tạo những quả đó với nhau tạo hình khối, chọn lọc một số tính trạng… để tạo ra những loại quả như vậy. Thực chất, các loại quả có màu sắc lạ như vậy chỉ là sản phẩm của công nghệ lai tạo giống, chọn lọc những đặc tính ưu việt để kích thích giác quan của người tiêu dùng. Không nên cái gì lạ, để lâu không hỏng cũng quy cho thực phẩm biến đổi gen.

Ngày nay, các thực phẩm biến đổi gen phổ biến nhất là các loại cây trồng thực vật như đậu nành, khoai tây, đu đủ, ngô, cà chua, bí đỏ… Thực phẩm biến đổi gen được định nghĩa là đã áp dụng một số công nghệ sinh học. Người ta có thể chèn vào một gen hoặc lấy ra một gen, họ phải làm trong phòng thí nghiệm hiện đại và áp dụng những kĩ thuật như bắn gen, kỹ thuật chuyển gen thông qua vi khuẩn… Mục đích chủ yếu của cây trồng biến đổi gen chủ yếu là để cải thiện năng suất, tăng sức đề kháng với sâu bệnh hoặc tăng khả năng chịu đựng với các loại thuốc diệt cỏ. Bên cạnh đó, nhằm thu được màu sắc cây trồng đẹp hơn, vòng đời lâu hơn.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho biết, các loại quả độc đáo, to lạ trên thị trường không phải là sản phẩm biến đổi gen. Quả biến đổi gen không phải là biến đổi hình thù mà nó chỉ là loại cây trồng thích hợp với môi trường, chống lại sâu bệnh, có sức đề kháng với các loại hóa chất. Thực tế, trong tự nhiên cây trồng vẫn tự biến đổi gen nhưng sự biến đổi trong thiên nhiên rất chậm. Với công nghệ sinh học, các chuyên gia họ cắt, dán những gen tốt cho một loại cây trồng để cây trồng phát triển tốt cho năng suất cao.

Không ít người tỏ ra lo ngại khi ăn phải những loại củ, quả to bất thường. Mọi người không nên quá lo ngại, ăn cũng chẳng có vấn đề hại đến sức khỏe bởi đó là sự đột biến tự nhiên. Và muốn biết chắc chắc những loại củ, quả khổng lồ này có bị dùng thuốc kích thích hay không cần lấy mẫu để kiểm nghiệm mới biết chính xác được.

TS Trương Hồng Sơn cho biết thêm, người tiêu dùng không nên quá lo sợ khi dùng thực phẩm biến đổi gen. Đây là một trong những sản phẩm được kiểm soát ngặt nghèo nhất. Các thực phẩm GMO đã được sử dụng trên thế giới trên 30 năm và cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào đưa ra một tác động tiêu cực của thực phẩm biến đổi gen lên sức khỏe của người tiêu dùng. Theo nghiên cứu của Cơ quan An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), thực phẩm biến đổi gen có giá trị dinh dưỡng tương đương với thực phẩm cùng loại không bị biến đổi gen. Thậm chí, với các tính trạng đặc biệt còn cung cấp nguồn thực phẩm dinh dưỡng hơn so với thực phẩm cùng loại như gạo vàng biến đổi gen…

“Các tổ chức khoa học quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã đánh giá bằng chứng về sự an toàn và lợi ích của công nghệ sinh học thực phẩm. Các tổ chức này đều ủng hộ việc áp dụng công nghệ sinh học sẽ góp phần trong việc giải quyết mất an ninh lương thực, dinh dưỡng trong bối cảnh hội nhập”, TS Trương Hồng Sơn cho hay.

Cách nhận diện thực phẩm biến đổi gen

TS Trương Hồng Sơn cho biết, thông thường với các loại quả nhập thường vượt qua các hàng rào về kiểm định kỹ thuật, đảm bảo về sức khỏe. Nhưng những thực phẩm nhập không rõ nguồn gốc thì rất khó biết, phải phụ thuộc vào nhà nhập khẩu. Chúng ta nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được nhập khẩu hoặc sản phẩm trong nước của những nhà chất lượng.

Để nhận diện thực phẩm biến đổi gen, có thể thông qua mã code. Mã code thường được dán theo quy định của nước ngoài và do các cơ sở kiểm định của Việt Nam trực tiếp thực hiện. Theo quy định, các nguyên liệu chế biến được bày bán trên thị trường hiện nay đều phải có mã code để phân biệt.

Người tiêu dùng cũng phải xem nhãn thực phẩm. Người tiêu dùng hiện vẫn còn thiếu thông tin trong đọc nhãn thực phẩm. Đơn giản như một nhãn trên hoa quả thì có 4 hoặc 5 số. Ví dụ 4 số, số đầu tiên là số 4 – những thực phẩm được trồng bằng công nghệ thông thường, có sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ được sử dụng theo liều lượng đúng quy chuẩn trước khi thu hoạch hai tuần. Số 8 là thực phẩm biến đổi gen, số 9 là thực phẩm hữu cơ…

“Nhãn là để cho người tiêu dùng chọn theo ý thích, song không có nghĩa là loại nào kém loại nào. Ngay cả khi sử dụng thuốc trừ sâu nhưng đúng quy trình thì cũng không gây độc. Muốn biết những loại thực phẩm như rau củ quả, trái cây có phải là giống biến đổi gen hay không thì cần chú ý đến con số trên mã code. Nếu trên tem có dãy số gồm 5 chữ số, bắt đầu bằng số 8 thì đây là loại thực phẩm biến đổi gen GMO”, TS Trương Hồng Sơn cho hay.

Bên cạnh đó, cũng có thể nhận diện thông qua cách đọc nhãn kiểm định. Quy định dán nhãn thực phẩm biến đổi gen đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, trong đó có Việt Nam. Chú ý đến các chữ viết tắt "GMO-free", "Non-GMO" hoặc "Sản phẩm không có thành phần biến đổi gen"; các sản phẩm này có thể chứa GMO nhưng không quá 0,9%. Cụm từ “biến đổi gen” bằng tiếng Việt sẽ được ghi bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm, theo quy định

Lưu ý khi chế biến thực phẩm

- Luôn giữ tay sạch sẽ trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm.

- Nấu chín kỹ những loại thực phẩm này.

- Ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín.

- Thức ăn đã nấu chín nếu không ăn hết cần được bảo quản cẩn thận. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu mốc hỏng, quá hạn sử dụng. Đun kĩ lại thực phẩm trước khi ăn.

Phương Thuận