24/11/2024 | 11:45 GMT+7, Hà Nội

Thực hư thông tin trẻ bị nhiễm vi-rút "lạ" không có thuốc đặc trị

Cập nhật lúc: 28/09/2018, 11:31

Những ngày vừa qua, thông tin về việc nhiều trẻ em bị viêm phổi do nhiễm vi-rút “lạ”, không có thuốc đặc trị, khiến nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang, lo lắng.

Theo tìm hiểu, đây là thông tin về việc khoảng 20 trường hợp trẻ em bị mắc vi-rút hợp bào RSV (Respiratory Syncytial Virus), thường gây bệnh về hô hấp ở trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh và dưới 2 tuổi mà Bệnh viện Nhi Trung ương mới thông tin cảnh báo ít ngày vừa qua.

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua, bệnh viện này có tiếp nhận và điều trị cho gần 20 trẻ bị nhiễm vi-rút hợp bào hô hấp (RSV) phải điều trị nội trú. Trong đó, hầu hết bệnh nhân phải được hỗ trợ thở ô-xy do viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp…

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hanh - Phó trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định lại, đây là những bệnh nhi bị nhiễm vi-rút hợp bào hô hấp (RSV) diễn ra theo mùa hàng năm, không phải bệnh mới như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hanh cho biết thêm, thông thường, vi-rút RSV phát triển, lây lan mạnh vào cuối mùa Đông – Xuân và Xuân - Hè. Tuy nhiên, năm nay, dịch bùng phát sớm hơn và là nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi… ở bệnh nhi dưới 2 tuổi do đường thở chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu.

“Đây là loại vi-rút không phải lạ. Tuy nhiên, trẻ bị nhiễm RSV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và đôi khi có triệu chứng giống như bệnh cảm cúm thông thường nên khó phát hiện bệnh. Vì thế, khi con trẻ có biểu hiện như chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém… thì cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời, chính xác”, PGS.TS Hanh khuyến cáo.

anhminhhoa

Thông tin trẻ bị nhiễm vi-rút "lạ" không có thuốc đặc trị chỉ là bị nhiễm vi-rút hợp bào hô hấp (RSV) (Ảnh minh họa).

Cũng theo PGS.TS. Lê Thị Hồng Hanh, nếu bị nhiễm RSV, trẻ có thể tự khỏi, nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng. Những trường hợp bội nhiễm phổi phải uống thuốc kháng sinh, truyền dịch, thậm chí hỗ trợ thở ôxy...

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa các gia đình có thể tự điều trị ở nhà, tự mua thuốc cho con uống mà vẫn phải đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám. Bởi, cha mẹ sẽ không thể nhận định được trẻ chỉ bị nhiễm vi-rút thông thường hay đã bị nhiễm RSV để quyết định sử dụng thuốc một cách hợp lý.

Để phòng tránh và xử lý trẻ bị mắc vi-rút RSV, các chuyên gia y tế khuyến cáo, do hiện nay bệnh có dấu hiệu gia tăng đột biến nên cha mẹ tuyệt đối không đưa trẻ đến chỗ đông người, nơi công cộng. Người lớn đi làm hoặc ra ngoài về cần vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với trẻ.

Đối với các trường mầm non có bé nhiễm RSV, cô giáo cần cách ly hoặc yêu cầu phụ huynh có con bị ốm đi kiểm tra, điều trị tại nhà, không đến trường để tránh lây sang bé khác. Nếu hôm trước có bé bị cúm, các cô cần vệ sinh lau dọn phòng học, đồ chơi, mặt bàn ghế để tránh lây nhiễm.

Cha mẹ cũng cần lưu ý khi con có các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém... Đây là các triệu chứng nghi ngờ con nhiễm virus RSV, cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi theo dõi. Nếu trẻ ho nặng có đờm, thở khò khè, tím tái hãy đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, tuyệt đối không tự ý mua thuốc do RSV không bị tiêu diệt khi dùng kháng sinh.

Đối với các trường hợp trẻ sơ sinh, sinh non, trẻ mắc bệnh mãn tính cần đi kiểm tra ngay khi thấy các triệu chứng trên.