Thực hư những hoàn cảnh "lấy nước mắt" của bạn đọc ở Khu công nghiệp Thăng Long
Cập nhật lúc: 25/04/2020, 14:40
Cập nhật lúc: 25/04/2020, 14:40
Trước phản ánh của báo chí về một số lao động đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) sống lay lắt trong đại dịch Covid-19, chính quyền và Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã nhanh chóng rà soát tìm các trường hợp này để hỗ trợ nếu họ thực sự khó khăn. Song thực tế lại không như vậy.
Những hoàn cảnh lấy nước mắt của độc giả
Đông Anh là một trong những huyện của Hà Nội tập trung nhiều công nhân lao động do tại đây có khu công nghiệp Thăng Long, là khu công nghiệp lớn nhất Hà Nội. Trong những ngày dịch bệnh Covid-19, huyện Đông Anh với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”, đã vào cuộc rất tích cực, trách nhiệm trong việc rà soát và quan tâm, chăm lo cho những người yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là công nhân lao động, giúp họ đảm bảo cuộc sống trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Người lao động nhận gạo từ cây ATM gạo miễn phí tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, Đông Anh |
Dù rất quan tâm đến người lao động nhưng vừa qua chính quyền nơi đây đã tiếp nhận thông tin từ một cơ quan báo chí phản ánh về việc một số người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long phải sống lay lắt trong đại dịch. Cụ thể là hoàn cảnh của anh Nguyễn Mạnh C., trong nhà thùng gạo trông thấy đáy phải úp mì cho hai con, còn anh thì nhịn. Hai tuần nay, anh C. nghỉ việc nằm nhà vì công ty thực hiện giãn cách xã hội, người lao động đi làm luân phiên, làm nửa tháng, nghỉ nửa tháng. Vợ anh cũng rơi vào cảnh tương tự. Từ ngày giãn cách xã hội, tổng thu nhập của vợ chồng C. “bay” mất 6 triệu đồng. Gia đình thiếu thốn khiến anh phải xoay xở đi câu, khi bị cấm thì chuyển sửa đồ điện vặt.
Còn hoàn cảnh của cặp vợ chồng người Tày đến từ vùng núi phía Bắc là anh M. quê ở Yên Bái và chị V. quê ở Lào Cai cũng được phản ánh rất khó khăn. Từ đầu tháng 4, vợ chồng anh chị cùng cháu gái phải thuê chung một phòng trọ giá 1,1 triệu đồng để tiết kiệm, căn phòng đủ co chân ngồi ăn cơm và kê một cái tủ vải. Gần 30 năm sống giữa bản làng, chị V. từng trải qua nhiều mùa giáp hạt, có cơm ăn, ra vườn vặt thêm mớ rau là có bữa. Nay thời dịch, giữa thành phố ngày làm chục tiếng, vẫn ăn cơm trắng với rau.
Lời bộc bạch của những người trong cuộc
Trước thông tin trên, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo chính quyền và tổ chức Công đoàn địa phương rà soát để kịp thời hỗ trợ nếu người lao động thực sự khó khăn. Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, ông Phạm Xuân Cương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đông Anh cho biết: “Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thành phố và lãnh đạo huyện, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Kinh tế của huyện xác minh thông tin của những lao động được báo chí phản ánh. Đồng thời, cung cấp thông tin cho Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để phối hợp tìm hiểu về hoàn cảnh của người lao động bởi những lao động này đang làm việc trong khu công nghiệp Thăng Long”.
Điểm phát gạo miễn phí cho người dân và công nhân lao động tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, Đông Anh |
Ông Phạm Xuân Cương cho biết thêm, trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống việc làm của người lao động, LĐLĐ huyện Đông Anh tăng cường rà soát, thống kê các doanh nghiệp dừng hoạt động, số lao động thiếu, mất việc làm. LĐLĐ huyện đã báo cáo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện 3.452 lao động thuộc các doanh nghiệp và làm việc tại các trường tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đề nghị UBND huyện trợ cấp theo Nghị quyết 42/CP-NQ của Chính phủ.
LĐLĐ huyện Đông Anh cũng đã trao 20 suất quà trị giá 20 triệu đồng của LĐLĐ Thành phố Hà Nội cho 20 người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với phòng Kinh tế và các phòng, ban của huyện lắp đặt cây ATM gạo tại khu nhà ở công nhân (xã Kim Chung) để phát gạo miễn phí cho người dân và người lao động làm việc trong khu công nghiệp Thăng Long. Thời gian tới, LĐLĐ huyện tiếp tục trao 169 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho những lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lao động mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
Còn Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cũng cho biết: “Sau khi có thông tin từ một cơ quan báo, chúng tôi đã xác minh được nhân vật Nguyễn Mạnh C. hiện là công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Enkei Việt Nam. Nhân vật V. là công nhân của Công ty TNHH Việt Nam Iritani. Chúng tôi sẽ trực tiếp đến tận nơi ở của những lao động này để thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn trong đợt dịch bệnh này và yên tâm lao động sản xuất”.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản (ngoài cùng bên trái) thăm, tặng quà cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 |
Trước đó, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức trao 80 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) do LĐLĐ Thành phố Hà Nội hỗ trợ và 100 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) của Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với chủ doanh nghiệp để đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động.
“Sắp tới, LĐLĐ Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục trao 260 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng và 5 kg gạo), Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng sẽ trao 900 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) để hỗ trợ những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19” – ông Đinh Quốc Toản thông tin.
Trực tiếp trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Mạnh C. tâm sự: “Hoàn cảnh của gia đình tôi không quá khó khăn như bài báo phản ánh. Hơn nữa, từ trước đến nay, công ty và Công đoàn luôn quan tâm chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động và cũng không có chuyện công ty tôi cho người lao động đi làm luân phiên, làm nửa tháng, nghỉ nửa tháng. Sau khi bài báo viết về hoàn cảnh của gia đình tôi được đăng tải, đã có một số nhà hảo tâm liên hệ để đến hỗ trợ nhưng tôi xin phép từ chối vì còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn cần được giúp đỡ”.
Còn chị V. chia sẻ: “Hiện tại tôi vẫn đi làm tại công ty bình thường, trước đó công ty có cho nghỉ một ngày được hưởng 70% lương. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, tôi mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ trong thời điểm này để cuộc sống bớt khó khăn hơn”.
Từ những thông tin phản hồi đã cho thấy tinh thần trách nhiệm cũng như sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền và tổ chức Công đoàn đến đời sống, việc làm của người lao động trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 và những hoàn cảnh tưởng là lay lắt, thương tâm nhưng thực tế họ tuy khó khăn nhưng không hẳn quá mức như vậy.
14:29, 25/04/2020
14:28, 25/04/2020
14:25, 25/04/2020