Thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi cao nhất của thí sinh
Cập nhật lúc: 22/09/2021, 06:15
Cập nhật lúc: 22/09/2021, 06:15
Dạy - học thích ứng với điều kiện địa phương và tình hình dịch bệnh
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động ban hành các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch COVID-19, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, Trong thời gian hai tháng, Bộ đã ban hành 13 văn bản liên quan đến việc chỉ đạo, hướng dẫn khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022; chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc tiếp nhận, tạo điều kiện cần thiết cho học sinh học tập ở nơi cư trú do dịch; tổ chức dạy học ứng phó với dịch COVID-19...
Nhiệm vụ xuyên suốt của năm học 2021-2022 là chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với tình hình dịch bệnh, linh hoạt, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh và đặc điểm địa phương, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục trên cơ sở đó, tinh thần chủ động của các địa phương trên tinh thần hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tính đến ngày 20/9, cả nước có 25 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến cho tất cả học sinh trên địa bàn; 14 tỉnh, thành phố kết hợp vừa dạy học trực tiếp vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 24 tỉnh, thành phố vẫn phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình để phòng dịch COVID-19. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022; chủ động xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong trường hợp học sinh chưa được đến trường hoặc học sinh đang học mà phải tạm dừng đến trường.
Tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, các nhà trường đã triển khai việc chuyển sách giáo khoa trực tiếp đến từng học sinh thông qua các tổ dân phố, hội phụ huynh. Các nhà xuất bản đã cung cấp sách giáo khoa bản điện tử, gửi qua mạng đến các nhà trường để kịp thời chuyển đến cho học sinh. Đến nay, cơ bản học sinh đã có sách giáo khoa để học tập. Các địa phương đều tạo điều kiện cho học sinh ở các tỉnh khác đang tạm trú trên địa bàn do thực hiện giãn cách không kịp về nơi cư trú nhập học tại cơ sở giáo dục đang theo học được tiếp nhận vào học tạm thời... Các cơ sở giáo dục, giáo viên có nhiều sáng tạo trong việc dạy học để học sinh không đủ thiết bị học trực tuyến cũng có thể học tập được như thiết lập hệ thống điều phối viên ở tất cả các trường và điều phối viên tại 100% xã, phường, thị trấn để chuyển Phiếu học tập cho học sinh không thể tham gia học tập Internet do phải thực hiện giãn cách xã hội; quay video một số hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non gửi cha mẹ trẻ (qua Zalo, Messenger, Viber)...
Thứ trưởng cho biết: Đối với việc học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đặc biệt đến lớp 1,2 và 6, đó là những lớp thực hiện chương trình phổ thông mới. Bộ đã phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình, đặc biệt là VTV để xây dựng các bài giảng. Hiện, lớp 1,2 đã có các bài giảng tiếng Việt, tiếng Anh và từ 25/9 bắt đầu sẽ có các bài giảng ba môn: Văn, Toán, Anh cho lớp 1,2 và đầu tháng 10 sẽ bắt đầu triển khai cho lớp 6. Các bài giảng đó sẽ được đưa lên truyền hình các địa phương phát sóng đồng thời sẽ đưa lên kho dữ liệu để giáo viên các địa phương có thể tải về, làm bài giảng mẫu hoặc tham khảo, xây dựng bài giảng riêng.
Liên quan đến đường truyền mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sự hỗ trợ kịp thời, kêu gọi, chỉ đạo các nhà mạng có chế độ chính sách nâng cấp đường truyền, có chính sách hỗ trợ phí, miễn phí cho giáo viên, học sinh, sinh viên. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em". Hai bên đã xây dựng xong kế hoạch triển khai và Bộ trưởng hai Bộ sẽ có ký kết để thực hiện chương trình. Trước mắt trong năm 2021 phấn đấu có 1 triệu máy tính bảng cho học sinh, ưu tiên các vùng khó khăn, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, hướng tới các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mất bố mẹ do dịch bệnh...
Việc tuyển sinh bổ sung do các trường thực hiện, không vượt quá năng lực đào tạo
Về công tác tuyển sinh đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn kịp thời, sát sao với diễn biến dịch bệnh. Các cơ sở giáo dục đại học đã linh hoạt triển khai nhiều phương thức xét tuyển theo tinh thần vừa thực hiện đúng quyền tự chủ trong tuyển sinh, vừa vì quyền lợi cao nhất của thí sinh, bảo đảm an toàn trong dịch bệnh.
Xung quanh dư luận xã hội liên quan đến đề thi tuyển sinh đại học năm nay, Thứ trưởng lý giải: Một kỳ thi để đạt được tốt nhất hai mục tiêu rất khó bởi không chỉ là xét tốt nghiệp mà còn đánh giá cả quá trình dạy và học của từng địa phương, từ đó có điều chỉnh về chính sách đổi mới giáo dục và cũng là căn cứ cho việc xét tuyển đại học. Trong tương lai có một phần không nhỏ các trường đại học chỉ căn cứ vào điểm học bạ và kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển và một số trường đại học có yêu cầu cạnh tranh lớn sẽ tổ chức các kỳ thi chuyên đề riêng để lựa chọn thí sinh chuyên biệt phù hợp. Kỳ thi tốt nghiệp cũng là căn cứ quan trọng để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Từ 2020, nhiều trường đại học đã liên kết để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy... Năm 2021, các trường không tổ chức các kỳ thi để tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm. Trong 165 em, có 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 em xét tuyển vào trường công an, quân đội. Trong số 114 em đăng ký xét tuyển vào trường công an, quân đội có 97 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. Trong số 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.
Để xem xét quyền lợi cho các em, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với một số trường đại học lớn, các trường cho biết sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi Trung học Phổ thông cao và thuộc đối tượng như trên, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể. Sắp tới, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể với các trường.
Việc cho phép các trường tuyển sinh bổ sung các thí sinh có kết quả thi Trung học Phổ thông cao không phải là "vượt rào" mà thực hiện theo quy chế. Các trường xét tuyển bổ sung và công bố theo đúng chỉ tiêu, không vượt quá năng lực đào tạo. Từng trường sẽ đặt ra các tiêu chuẩn riêng. Việc nhiều học sinh điểm cao chưa trúng tuyển nguyện vọng là do kinh nghiệm cũng như nhận thức của các em chưa đầy đủ. Do đó, Bộ quyết định cho phép các trường xét tuyển bổ sung. Việc các trường công bố xét tuyển như thế nào là do từng trường nhưng vẫn theo đúng chỉ tiêu, không vượt quá năng lực đào tạo.
Liên quan đến phương án tuyển sinh các năm tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sơ bộ có phương án thực hiện. Việc đổi mới kỳ thi sẽ được thực hiện theo từng bước, không làm ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Vì tính chất một kỳ thi như hiện nay, Bộ sẽ có phương án để kỳ thi diễn ra nhiều lần trong năm và các địa phương chủ động hơn trong việc xây dựng đề thi, tổ chức thi nhưng linh hoạt với điều kiện cụ thể, dịch bệnh. Bộ khuyến khích để các trường hợp tác, liên kết tổ chức đánh giá năng lực, thi tư duy với thời gian thu gọn 1 buổi, giảm thiểu số kỳ thi do các trường tổ chức để các thí sinh không phải di chuyển nhiều - Thứ trưởng cho biết.
Nguồn: https://ngaynay.vn/thuc-hien-quyen-tu-chu-trong-tuyen-sinh-bao-dam-quyen-loi-cao-nhat-cua-thi-sinh-post112831.html