Dự thảo quy định về quản lý dạy học trực tuyến: Tăng tính chủ động
Cập nhật lúc: 26/08/2020, 16:17
Cập nhật lúc: 26/08/2020, 16:17
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để chủ động tình huống khi học sinh không thể đến trường học tập, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Dự thảo được đánh giá là cần thiết, giúp các nhà trường trên địa bàn Hà Nội triển khai kế hoạch giảng dạy linh hoạt nhằm bảo đảm "mục tiêu kép": Duy trì chất lượng dạy - học và phòng, chống dịch an toàn.
Ba hình thức dạy học trực tuyến
Việc dạy học trực tuyến (thông qua phần mềm ứng dụng trên môi trường internet) đã được ngành Giáo dục triển khai trong học kỳ II năm học 2019-2020 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc triển khai lúc đó còn mang tính bị động, khi học sinh buộc phải tạm dừng đến trường để bảo đảm an toàn.
Từ đòi hỏi của thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo quy định về quản lý dạy học trực tuyến đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, có ba hình thức tổ chức dạy học trực tuyến, gồm: Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp; dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp.
Trước băn khoăn về việc liệu có xảy ra tình trạng mỗi nơi áp dụng một hình thức dạy học trực tuyến khác nhau, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết, căn cứ diễn biến của dịch và khuyến cáo của cơ quan y tế, các địa phương, nhà trường chủ động quyết định hình thức dạy học. Trong điều kiện bình thường, nhà trường kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến để giảm thời gian học tập trên lớp, tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Nếu học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, tùy điều kiện cụ thể, nhà trường tổ chức các hình thức dạy học từ xa, như dạy trực tuyến, dạy qua truyền hình. Nơi khó khăn hơn có thể vận dụng các hình thức khác để giao nhiệm vụ, bài tập cho học sinh...
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho rằng, việc ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc dạy học trực tuyến thống nhất, bảo đảm chất lượng và có kiểm tra, đánh giá; cũng là căn cứ để các nhà trường chủ động chuẩn bị những điều kiện triển khai.
Còn theo bà Trần Thị Minh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), việc tổ chức dạy trực tuyến khi dịch diễn biến phức tạp là phù hợp, vừa bảo đảm an toàn, vừa giúp học sinh duy trì tiến độ, nền nếp học tập.
Sẵn sàng kịch bản ứng phó
Chuẩn bị trước các phương án dạy học, tránh bị động để vừa duy trì chất lượng dạy - học, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là giải pháp được các đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội triển khai khi năm học mới 2020-2021 đã cận kề.
Với kinh nghiệm của một đơn vị đã triển khai dạy học trực tuyến cho 100% học sinh, Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) đã lên sẵn các kịch bản ngay từ đầu năm học mới 2020-2021. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên Phương Thị Thìn chia sẻ: "Nhà trường sẽ kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến để có thể hỗ trợ nhiều nhất cho học sinh. Trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về hạ tầng, nguồn học liệu, sẵn sàng chuyển sang dạy trực tuyến. Riêng với học sinh lớp 1, nhà trường sẽ tổ chức họp với toàn thể phụ huynh để triển khai kế hoạch giáo dục trong từng hoàn cảnh cụ thể, có phiếu hướng dẫn chi tiết về các công việc cần chuẩn bị; đồng thời dành nhiều thời gian để học sinh lớp 1 làm quen với cô giáo, với nền nếp ở trường tiểu học".
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ, phòng đã chỉ đạo hơn 50 trường học trên địa bàn xây dựng các phương án ứng phó với mọi diễn biến của dịch. Bên cạnh việc rà soát, bố trí nguồn lực, nhất là về điều kiện hạ tầng, các nhà trường còn tăng cường công tác xã hội hóa, nhằm hỗ trợ những học sinh khó khăn có trang thiết bị học tập trực tuyến ổn định, lâu dài.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) Hà Xuân Nhâm cho hay, nhà trường đã chủ động đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng trực tuyến và đang tập trung bồi dưỡng kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên để nâng cao hiệu quả dạy học, nhất là với giáo viên dạy lớp 12, giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi chuyển cấp.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, ngành Giáo dục Thủ đô đang khẩn trương chuẩn bị và chủ động phương án ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19 để việc học tập vẫn có thể duy trì, kể cả khi học sinh không thể đến trường. Hiện tại, Sở đang tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống học liệu cho việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, nhằm bảo đảm chất lượng và tính thống nhất trong toàn thành phố.
“Bên cạnh việc tăng cường nguồn lực đầu tư, kêu gọi các đơn vị hỗ trợ trang thiết bị, đường truyền, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn đẩy mạnh việc triển khai chương trình “Máy tính cho em” để tiếp tục hỗ trợ phương tiện học tập cho học sinh khó khăn, bảo đảm tất cả học sinh có điều kiện học tập tốt trong mọi hoàn cảnh”, ông Lê Ngọc Quang cho biết thêm.
16:49, 18/08/2020
16:41, 18/08/2020
15:48, 06/08/2020