21/11/2024 | 22:02 GMT+7, Hà Nội

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa

Cập nhật lúc: 08/05/2020, 22:08

Những năm gần đây, Hà Nội trở thành “điểm đến” của các loại hàng hóa - đặc biệt là nông sản của nhiều tỉnh, thành phố, nhờ hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Để tiếp tục khơi thông giao thương hàng hóa...

Những năm gần đây, Hà Nội trở thành “điểm đến” của các loại hàng hóa - đặc biệt là nông sản của nhiều tỉnh, thành phố, nhờ hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Để tiếp tục khơi thông giao thương hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, vẫn cần nâng cao hơn nữa chất lượng, tính an toàn, tiêu chuẩn đóng gói, bao bì…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hơn 10 triệu người trên địa bàn Thủ đô.

Các doanh nghiệp Hà Nội đẩy mạnh hoạt động liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị. Trong ảnh: Người dân chọn mua sắm tại quầy hàng nông sản thực phẩm rau, củ, quả trong siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Khuê Diệp

“Điểm đến” của hàng hóa, nông sản

Trong các ngày từ 25-4 đến 3-5, người dân tới mua sắm tại hệ thống siêu thị Big C & GO! tại Hà Nội có thể mua cá hồi Sapa với mức giá hấp dẫn khi tại đây diễn ra “Tuần lễ cá hồi Sapa”. Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (quản lý vận hành Big C & GO!), “Tuần lễ cá hồi Sapa” nằm trong chuỗi chương trình hỗ trợ quảng bá, kích cầu, tạo giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, đặc sản vùng miền, địa phương. Còn ông Trần Chung Hưng, đại diện Hiệp hội cá nước lạnh Sapa, cho biết: “Thông qua “Tuần lễ cá hồi Sapa” chúng tôi hy vọng có cơ hội hợp tác lâu dài với hệ thống siêu thị Big C, mang sản phẩm cá hồi Sapa chất lượng đến với đông đảo người dân Thủ đô nói riêng và các tỉnh, thành trên cả nước nói chung”.

Tương tự, cuối năm 2019, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Yên Bái tổ chức sự kiện “Tuần lễ giới thiệu hàng nông sản tỉnh Yên Bái”, tại siêu thị Hapromart Hà Nội. Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết, chương trình được thực hiện nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart - Haprofood - Intimex. Sau sự kiện này, ông Phạm Trung Lân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái thông tin, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã tìm kiếm được các đơn hàng cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều hoạt động kết nối, giao thương được thành phố Hà Nội triển khai những năm qua. Với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, Hà Nội trở thành “điểm đến” của nông sản, hàng hóa của nhiều địa phương trong cả nước. Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2018-2019, Hà Nội đã ký kết hợp tác toàn diện với 44/63 tỉnh, thành phố, trong đó có việc giao thương, cung ứng hàng hóa (tổ chức 24 hoạt động kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại; 19 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Hà Nội; đã có trên 350 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ tại thị trường Thủ đô...). Đặc biệt, các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận đã đạt trên 1.000 tỷ đồng doanh thu sau khi kết nối các sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối trên địa bàn Thủ đô.

Quan trọng hơn, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thông qua hệ thống phân phối hiện đại, nông dân được hướng dẫn phương pháp sản xuất tiên tiến, đầu tư bao bì, bảo quản…, có đầu ra sản phẩm ổn định với thu nhập cao hơn.

Doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tại Thủ đô.

Nỗ lực khơi thông thị trường nội địa

Với hơn 10 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước. Dư địa tiêu thụ nông sản của Hà Nội còn rất lớn, khi các doanh nghiệp, hợp tác xã… của thành phố chỉ đáp ứng được 30-65% nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, quá trình triển khai hoạt động kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn.

“Các hộ, hợp tác xã sản xuất nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì... Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp, địa phương chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm dư thừa ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong tiêu thụ”, bà Trần Thị Phương Lan phân tích thêm.

Ở khía cạnh của doanh nghiệp phân phối, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, xu hướng tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm cần bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường, giá thành hợp lý... Không bảo đảm các yêu cầu trên, nông sản, hàng hóa sẽ gặp khó khi tiêu thụ.

Ngày 22-4 mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong năm 2020. Trong quý III và quý IV-2020, Hà Nội sẽ tổ chức 5-8 đoàn doanh nghiệp liên kết, giao thương với các tỉnh, thành phố; đồng thời tổ chức 3-5 tuần hàng trái cây, nông sản; 5 hội nghị, hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa tại Hà Nội để hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ. Ngoài ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 15-20 tuần lễ trái cây, nông sản tại Hà Nội do các địa phương chủ trì thực hiện cùng với các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm khác…

Theo bà Trần Thị Phương Lan, những hoạt động này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân của Hà Nội và các địa phương khác nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh. Qua đây, các đơn vị phân phối của Thủ đô có thể lựa chọn, đưa sản phẩm vào hệ thống của mình, từ đó đẩy mạnh hơn nữa tiêu dùng nội địa.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2020 ngày 5-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ các giải pháp để tăng trưởng, phát triển, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong đó, xác định việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa là một trong 5 mũi đột phá.